1. Lịch sử phát triển và quy hoạch
Ngành cao su xuất hiện ở Việt Nam từ khá sớm từ trước 1975 và phát triển mạnh khi Việt Nam tham gia vào nền kinh tế thị trường. Tính từ năm 2000 đến nay diện tích trồng cao su đã tăng hơn gấp hai lần từ 400 ha lên gần 1000 ha năm 2014. Cây cao su là một trong 3 sản phẩm nông nghiệp đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu Việt Nam trong các năm qua. Giá trị xuất khẩu Cao su đã tăng gấp đôi từ 787 triệu USD năm 2005 lên 2.5 tỷ USD năm 2013 nghĩa là giá trị xuất khẩu tăng hơn 2 lần và đóng góp khoảng 2.7% trên tổng giá trị xuất khẩu.
Sản lượng khai thác cao su của Việt Nam có mức tăng trưởng khá cao trung bình 10% hàng năm từ năm 2000. Mặc dù Việt Nam chỉ đứng thứ 4 về sản lượng khai thác và xuất khẩu nhưng năng suất khai thác cao su đạt rất cao, khoảng 1,72 tấn/ha, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Ấn Độ (1,8 tấn/ha), và cao hơn nhiều so với mức bình quân 1,45 tấn/ha của thế giới. Năng suất cạo mủ của Việt Nam ngang bằng với Thái Lan – quốc gia xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới và vượt qua Malaysia và Indonexia. Ở các vùng trồng cao su chủ lực như Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương cho năng suất thu hoạch cao nhất với 1.8 tấn ha đến 2.1 tấn/ha.
Tập đoàn cao su Việt Nam (VRG) là đơn vị nhà nước chịu trách nhiệm trong việc quản lý và phát triển ngành cao su theo định hướng đề ra. Phía trên có Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát và quy hoạch các vùng trồng và có các chính sách hỗ trợ phát triển ngành. VRG đang quản lý 333.235 ha cao su phân bổ khắp cả nước. Ngoài 262.627 ha cao su trong nước, hiện VRG còn quản lý 70.608 ha cao su ở Lào, Campuchia. VRG hiện có 44 nhà máy, xí nghiệp và xưởng chế biến mủ cao su với tổng công suất thiết kế 433.000 tấn/năm. Sản phẩm cao su của VRG hiện xuất khẩu đến khoảng 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới chiếm khoảng 70% tổng sản lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam.
Diện tích nuôi trồng cao su ban đầu chỉ bao phủ khu vực Đông Nam Bộ nhưng đến nay đã trải rộng từ Tây Bắc, Tây Nguyên, miền Trung và Đông Nam Bộ trong đó chủ yếu diện tích trồng cao su tập trung nhiều nhất tại miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Các tỉnh Bình Dương và Bình Phước là hai tỉnh có diện trồng cao su nhiều nhất hiện nay với diện tích chiếm khoảng 18% và 22% cả nước. Theo quy hoạch từ 2015 đến 2020, diện tích trồng cao su sẽ ổn định ở mức 800,000 ha (thực tế hiện nay diện tích tích trồng đã vượt kế hoạch từ năm 2011). Được biết 1 cây cao su giai đoạn đầu mất khoảng 7 năm cho việc trồng mới và chăm sóc. Chi phí 1 ha cao su trồng mới khoảng 120 triệu đồng, nặng nhất là chi phí cho năm đầu tiên chiếm 50%. Vòng đời cây cao su cho mủ kéo dài khoảng 20 năm kể từ năm thứ 7 đến năm 17 tuổi là cho năng suất đạt đỉnh sau đó năng suất giảm dần và khi thanh lý 1 ha số tiền thu được cũng gần bằng số tiền đầu tư ban đầu.
2. Thực trạng phát triển ngành cao su Việt Nam
Về diện tích trồng cao su
Qua biểu đồ cho thấy tốc độ tăng trưởng diện tích trồng cao su giai đoạn 2008-2012 là cao nhất, đây là giai đoạn giá cao su tăng chóng mặt mang lại lợi nhuận cao nên doanh nghiệp và người dân đua nhau mở rộng diện tích trồng. Hiện nay, diện tích trồng cao su cả nước đã vượt quá quy hoạch tính đến năm 2015. Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), đến nay diện tích cây cao su cả nước đã vượt hơn 155.700 ha so với quy hoạch, trong đó, vùng Đông Nam Bộ vượt trên 135.000 ha, chủ yếu do dân tự chuyển đổi từ cây trồng khác (mía, sắn, điều...) sang trồng cao su vì đây là vùng thuận lợi cho cây cao su phát triển và năng suất cao. Hiện cả nước có khoảng 29 tỉnh thành trồng cao su, trong đó có 11 tỉnh có diện tích cao su vượt so với định hướng quy hoạch khoảng 162.000 ha, chủ yếu tập trung ở các tỉnh Đông Nam Bộ như: Bình Phước vượt 82.000 ha, Tây Ninh vượt 33.200 ha, Bình Thuận vượt 10.800 ha, Bình Dương vượt 7.300 ha,… Dù các cơ quan quản lý đã khuyến cáo nông dân không mở rộng diện tích trồng cao su ồ ạt nhưng trước nguồn lợi giá cao su tăng cao những năm trước mà người dân đã thay thế dần các cây nông nghiệp khác để chuyển sang trồng cao su
Do thiếu quy hoạch chặt chẽ đã khiến các khu vực tiểu điền (hộ nông dân) chiếm tỉ trọng cao nhất về diện tích trồng cây nhưng chỉ chiếm hơn 20% sản lượng, do năng suất của khu vực này thấp hơn nhiều so với khu vực đại điền (công ty nhà nước) và công ty tư nhân. Có những vùng cao su được trồng trên những vùng đất không thích nghi về độ dốc, nhóm đất, mực nước ngầm, tầng mặt đất… dẫn tới cho năng suất thu hoạch thấp từ đó giá bán không đủ bù chi phí trong giai đoạn cao su rớt giá như hiện nay.
Vì đầu ra sản phẩm chất lượng thấp nên dù sản lượng lớn nhưng giá xuất khẩu luôn ở mức thấp hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Malaysia. Hiện nay chưa có quy chuẩn quốc gia cho ngành cao su nên chưa có cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra của các nhà máy chế biến mủ cao su.
Trước tình hình khó khăn hiện tại, nhiều nông dân đã dùng giải pháp chặt cây cao su để chuyển sang trồng loại cây ngắn ngày khác. Đây là tình trạng chung của ngành nông nghiệp Việt Nam khi người dân luôn ở trong vòng luẩn quẩn “trồng - chặt - trồng” vì chạy theo các loại cây hay chăn nuôi có giá tăng mạnh; đến kỳ thu hoạch mà giá rớt thì họ lại chặt bỏ và trồng cây khác. Tình trạng này khiến cho quy hoạch của nhiều địa phương bị phá vỡ và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc tuyên truyền hướng dẫn và cả giám sát là cần thiết để tránh những thiệt hại về lâu dài cho nông dân.
Một động thái hỗ trợ từ Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) là đã khuyến cáo người dân đánh giá lại vườn cây của mình để tìm giải pháp sản xuất phù hợp. Theo đó, những vườn cao su có 19 - 20 năm thu hoạch thì đã đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn trên 30%, vẫn có thể giữ vườn nếu năng suất còn cao. Nếu năng suất quá thấp hoặc hiệu quả kém, nên cưa đốn để bán gỗ tạo vốn tái canh hoặc chuyển sang cây trồng khác. Khi trồng lại, cần sử dụng những giống năng suất cao trên 2 - 3 tấn/ha được Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam khuyến cáo phù hợp theo vùng để đạt hiệu quả kinh tế cao. Riêng đối với những vườn cao su phát triển ngoài vùng quy hoạch hoặc trên những vùng đất không phù hợp, chất lượng vườn cây kém, người dân nên chuyển đổi sang mục đích khác hoặc sang cây trồng khác đang được Nhà nước khuyến khích và hỗ trợ.
Trong năm nay đã có hơn 4.000 ha cao su đã được người dân phá bỏ để chuyển sang cây trồng khác. Đây là diện tích cao su già cỗi, khai thác mủ không hiệu quả và diện tích trồng sai kỹ thuật (trồng trên đất ruộng, chất lượng cây giống kém…). Con số này nếu so với diện tích cao su cả nước gần 1 triệu ha thì không ảnh hưởng. Tuy nhiên do cây cau su là loại cây công nghiệp có mức sống trên 25 năm nên bài toán kinh tế cần tính toán kỹ để tránh thiệt hại cho nông dân.
Về vấn đề xuất khẩu
Hoạt động xuất khẩu liên tục tăng trưởng về lượng trong 10 năm qua, tuy nhiên giá trị xuất khẩu đã chững lại và giảm mạnh từ 2012 dù sản lượng vẫn liên tục tăng. Sản phẩm cao su Việt Nam xuất khẩu hiện nay chủ yếu là SVR 3L là sản phẩm dùng để sản xuất găng tay, dây thun, giày dép…. Tính đến hết tháng 12 năm 2014, lượng xuất khẩu mặt hàng này của cả nước đạt 1,06 triệu tấn, giảm 0,7% về lượng và trị giá đạt 1,78 tỷ USD, giảm 28,4% so với năm 2013 (tương ứng giảm 706 triệu USD).
Trung Quốc và Malaixia vẫn là hai đối tác chính nhập khẩu cao su của Việt Nam trong năm qua; lần lượt là 470 nghìn tấn và 202 nghìn tấn; giảm 6,7% và giảm 9,6% so với năm trước. Tính chung lượng cao su xuất sang 2 thị trường này chiếm tới 64% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước.
Kim ngạch xuất khẩu cao su tự nhiên của Việt Nam chủ yếu xuất qua Trung Quốc, ASEAN, Ấn Độ. Riêng xuất sang Trung Quốc chiếm đến gần 50% tổng lượng xuất khẩu do nước này có chính sách miễn thuế cho SVR 3L và do giá mặt hàng này thường cao hơn giá SVR 10, SVR 20 khoảng 200 đô la Mỹ/tấn. Vì vậy một rủi ro tiềm tàng là Việt Nam dễ dàng bị ép giá bán và nếu Trung Quốc giảm nhập khẩu mặt hàng này và bổ sung bằng nguồn sản xuất từ bản địa thì ngành cao su Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo tìm hiểu 4 quốc gia nhập khẩu cao su thiên nhiên hàng đầu thế giới là Trung Quốc, Malaysia, Mỹ và Nhật Bản với lượng nhập khẩu chiếm 66% tổng sản lượng xuất khẩu các nước thì phần lớn cao su nhập khẩu là SVR 10 và SVR 20 là loại dùng để sản xuất lốp xe ô tô. Nhìn sang Thái Lan là quốc gia sản xuất cao su lớn nhất thế giới cho thấy nước này đáp ứng tốt nhất các loại cao su của các nước nhập khẩu. Theo tổ chức Nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG) thì tổng nhu cầu cao su thiên nhiên vào năm 2020 k hoảng 15 triệu tấn trong đó có 11 triệu tấn dùng để sản xuất lốp ô tô, chỉ có khoảng 150 ngàn tấn nhu cầu với loại cao su SVR 3L. Việc Việt Nam tập trung sản xuất SVR 3L số lượng lớn sẽ gây ra tình trạng dư thừa và sự lệ thuộc quá lớn vào nguồn cầu từ Trung Quốc là một bất lợi trong sự cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Để giải quyết vấn đề này cần có giải pháp dài hạn và chiến lược phát triển chu kz dài từ 5 năm trở lên và hiện tại tập đoàn cao su Việt Nam đang có những giải pháp thay đổi trong những năm tới. Ngay trong giai đoạn khó khăn của ngành cũng có thể xem là một cơ hội để ngành cao su trong nước tái cơ cấu, quy hoạch tổng thể và định hướng phát triển mới cho phù hợp tình hình tương lai hơn.
Về công nghệ chế biến
Các công ty hiện đang dừng lại ở mức sơ chế với trình độ thấp nên các mặt hàng cao su xuất khẩu của Việt Nam được bán với giá thấp hơn so với các nước như Malaysia và Thái Lan khoảng 10%. Trong tương lai, để tăng khả năng cạnh tranh và có thể mở rộng ra thị trường châu Âu và Mỹ thì các doanh nghiệp cao su Việt Nam cần tự nâng cao trình độ công nghệ để đáp ứng được yêu cầu khắc khe của các thị trường này.
Hiện nay, có 4 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm từ cao su tự nhiên đang niêm yết trên sàn HOSE: CTCP Cao Su Sao Vàng (SRC), CTCP Cao Su Miền Nam (CSM), CTCP Cao Su Đà Nẵng (DRC), và CTCP Cao Su Bến Thành (BRC). Các sản phẩm được chế biến từ cao su tự nhiên tiêu thụ trong nước chủ yếu bao gồm các loại săm lốp, găng tay y tế, băng chuyền, phớt dùng trong sản xuất công nghiệp,…
3. Đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam
Cây cao su góp phần quan trong trong ngành nông nghiệp nước nhà và là một trong những cây công nghiệp dài ngày có nhiều triển vọng phát triển nhất tại nước ta. Cao su tự nhiên không ngừng gia tăng thị phần trong kim ngạch xuất khẩu (KNXK) và đóng góp trong ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, đây còn là loại cây trong chương trình xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững của nhà nước.
KNXK cao su năm sau cao hơn năm trước và chiếm từ 2,5-3,5% tổng KNXK cả nước. Từ năm 2006 đến nay, ngành liên tục đạt KNXK hơn 1 tỷ USD.
4. Triển vọng phát triển ngành
Ngành nuôi trồng và khai thác cao su tự nhiên đã có chỗ đứng vững chắc trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như là trong nền kinh tế nước ta. Với điều kiện thiên nhiên rất thuận lợi cả về thổ nhưỡng, khí hậu và thởi tiết đã giúp cho giống cây có giá trị kinh tế cao này không ngừng phát triển.
Thị trường cao su trong nước hiện còn rất nhiều cơ hội phát triển. Mặc dù, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về khai thác cao su nhưng thị trường trong nước mới chỉ tiêu thụ khoảng 15-20% sản lượng cao su khai thác. Theo định hướng của Chính phủ cho sự phát triển của ngành cao su tới năm 2020 bao gồm chuyển đổi sản xuất cao su nguyên liệu và định hướng phát triển sản xuất cao su công nghiệp, xuất khẩu cao su thành phẩm kết hợp với cao su nguyên liệu. Nâng tỷ lệ sử dụng mủ cao su tại thị trường nội địa lên tối thiểu 30% vào năm 2020 thông qua việc xây dựng các nhà máy sản xuất săm lốp ô tô, xe máy quy mô lớn trong nước. Việc phát triển công nghiệp chế biến cao su giúp nâng cao giá trị thành phẩm, cũng là một trong những biện pháp đa dạng hóa thị trường giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, giúp giảm nhập khẩu các sản phẩm chế biến từ cao su.
Nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên sẽ tăng lên trong thời gian tới nhờ thị trường xe hơi ở Trung Quốc và Ấn Độ đang phục hồi. Về nhu cầu tiêu thụ của các quốc gia thành viên ANRPC (Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên) dự kiến sẽ tăng 3,6% lên 6,496 triệu tấn, nhờ nhu cầu gia tăng lại Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines. ANRPC ước tính nhu cầu cao su tại Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tăng lần lượt 2,5% và 4,9% lên mức 3,69 triệu tấn và 1 triệu tấn. Bên cạnh đó, IRSG dự báo nhu cầu cao su tự nhiên và tổng hợp toàn cầu sẽ đạt 36,7 triệu tấn vào năm 2020, với cao su tự nhiên cũng tăng lên mức 14,6 triệu tấn.
Giá cao su xuất khẩu có nhiều khả năng tăng giá trong thời gian tới với động thái nhóm ITRC gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã thiết lập một cơ chế để can thiệp thị trường cao su nếu giá cao su thiên nhiên giảm xuống dưới 2,70 USD/kg.
Hoàng Sơn