ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
- Vị trí địa lý: Tỉnh Cao Bằng được giới hạn trong tọa độ địa lý từ 22°21'21" đến 23°07'12" vĩ độ Bắc và từ 105°16'15 kinh độ Đông với tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 6.703,42 km². Phía bắc và phía đông giáp tỉnh Quảng Tây nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa với đường biên giới dài hơn 333km; Phía nam giáp tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Lạng Sơn; Phía tây giáp tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang. Trung tâm tỉnh là Thành phố Cao Bằng cách thủ đô Hà Nội 286 km theo đường Quốc lộ 3, cách thành phố Lạng Sơn khoảng 130 km theo đường Quốc lộ 4A.
- Địa hình, địa mạo: Địa hình của tỉnh khá phức tạp với độ cao trung bình so với mặt biển trên 300m, thấp dần từ bắc xuống nam và từ tây sang đông. Địa hình của tỉnh được chia thành 3 vùng rõ rệt: Vùng địa trũng (vùng trung tâm) có địa hình khá bằng phẳng, bao gồm đồi thấp xem kẽ các cánh đồng tương đối rộng, phân bố chủ yếu ở huyện Hòa An, Thành phố Cao Bằng và các xã phía Nam huyện Hà Quảng; Vùng núi đất: chạy từ phía tây bắc huyện Bảo Lạc, qua huyện Nguyên Bình xuống phía tây nam huyên Thạch An. Là vùng có địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, có đỉnh núi cao gần 2000m, như Phja Dạ (Bảo Lâm) 1980, Phja Oắc (Nguyên Bình) 1931m. Vùng đá vôi: chạy từ phía bắc dọc theo biên giới Việt - Trung, vòng xuống phía đông nam của tỉnh, tập trung chủ yếu ở các huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Thông Nông, Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Uyên, Phục Hòa. Về địa thế, tỉnh Cao Bằng có độ dốc cao, đặc biệt là ở những nơi có nhiều núi đá, có tới 75% diện tích đất đai có độ dốc trên 25°.
Nhìn chung, tỉnh Cao Bằng có địa hình khá đa dạng, bị chia cắt bởi hệ thống sông, suối khá dày, núi đồi trùng điệp, thung lũng sâu,... và sự phức tạp của địa hình tạo ra nhiều tiểu vùng sinh thái đặc thù, cho phép Cao Bằng phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, đặc điểm địa hình như vậy đã ảnh hưởng lớn đến việc giao lưu phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở, đặc biệt là giao thông, đồng thời đã tạo ra sự manh mún đất trong sản xuất nông nghiệp và dễ gây ra hiện tượng rửa trôi, xói mòn đất trong mùa mưa.
- Khí hậu Cao Bằng mang tính nhiệt đới gió mùa lục địa núi cao và có đặc trưng riêng so với các tỉnh miền núi khác thuộc vùng Đông Bắc. Có tiểu vùng có khí hậu á nhiệt đới. Cao Bằng là cửa ngõ đón gió mùa Đông Bắc từ Trung Quốc tràn sang vào mùa Đông và chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Nam vào mùa Hè.
Nhìn chung khí hậu Cao Bằng mát mẻ quanh năm lại có nhiều núi cao, phong cảnh thiên nhiên hữu tình nên rất thích hợp cho việc nghỉ ngơi, du lịch.
- Sông suối: Sông Bằng bắt nguồn từ núi Nà Vài cao 60m, cách Sóc Giang về phía Tây Bắc 10km, chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và nhập vào sông Tây Giang tại Long Châu ở độ cao 140m. Sông Bằng có diện tích lưu vực thuộc tỉnh Cao Bằng là 3.377 km². Sông chảy qua địa phận tỉnh Cao Bằng dài 110 km với 4 phụ lưu là sông Dẻ Rào, Sông Hiến, sông Trà Lĩnh, sông Bắc Vọng; độ dốc lưu vực là 20% mật độ lưới là 0,91 km/km², hệ số uốn khúc là 1,29. Sông Gâm chảy qua tỉnh Cao Bằng bắt đầu ở xã Khánh Xuân (huyện Bảo Lạc) và kết thúc ở thị trấn Pác Miầu (huyện Bảo Lâm), có diện tích lưu vực là 2006km² (kể cả phần sông Năng). Sông Quây Sơn: Bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua huyện Trùng Khánh và huyện Hạ Lang với chiều dài 38 km. Các sông, suối thuộc lưu vực lớn của sông Quây Sơn là sông Quây Sơn Tây, sông Quây Sơn Đông, suối Bản Viết, suối Na Vy và suối Gun. Các sông của tỉnh Cao Bằng có nhiều tiềm năng cho sử dụng mục đích thủy điện.
* Tài nguyên đất: Tỉnh Cao Bằng có tổng diện tích tự nhiên 670.342,26 ha, quy mô diện tích ở mức trung bình so với các tỉnh khác trong toàn quốc. Tài nguyên đất đai tỉnh Cao Bằng được chia thành 10 nhóm chính: Nhóm đất phù sa diện tích 7.718 ha chiếm 1,06% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh; Nhóm đất lầy và than bùn diện tích khoảng 11ha: Nhóm đất đỏ vàng diện tích 408.563 ha chiếm 60,8%; Nhóm đất mùn trên núi cao diện tích 194 ha chiếm 0,03%; Nhóm đất cacbonat diện tích 6.322 ha chiếm 0,94%; Nhóm đất đen diện tích khoảng 127 ha chiếm 0,02%; Nhóm đất mùn vàng đỏ trên núi diện tích khoảng 63.054 ha chiếm 9,38%: Đất xói mòn trơ sỏi đá diện tích 2.420 ha chiếm 0,36%. Nhìn chung tài nguyên đất tỉnh Cao Bằng khá đa dạng về nhóm đất và loại đất, đã tạo ra nhiều tiểu vùng sinh thái nông -lâm nghiệp thích hợp với nhiều loại cây trồng.
* Tài nguyên rừng: Theo số liệu thống kế năm 2013, diện tích đất lâm nghiệp tỉnh Cao Bằng 533.384,7 ha, chiếm 79,56% diện tích tự nhiên, chủ yếu là rừng tự nhiên, phần lớn là rừng nghèo và rừng mới phục hồi. Rừng ở Cao Bằng có nhiều loại cây quý hiếm có giá trị kinh tế cao cũng như giá trị nghiên cứu khoa học, đã phát hiện được 27 loài thực vật quý hiếm ghi trong sách đỏ Việt Nam như cẩu ích, bổ cốt toái, dẻ tùng sọc trắng, hoàng đàn, thông pà cò, ngũ gia bì gai,... hệ thống vật rừng khá phong phú, theo kết quả điều cho thấy ở Cao Bằng có khoảng 196 loài, trong đó có một số loài quý hiếm như: Khỉ mặt đỏ, cu li lớn, vượn đen, voọc đen má trắng, cáo lửa, sói đỏ, gấu ngựa, rái cá, báo hoa mai, hươu xạ, sơn dương, tê tê, sóc bay...
* Tài nguyên nước
Tiềm năng nước mặt tỉnh Cao Bằng trung bình năm khoảng 10,5 tỷ m3, trong đó phần từ bên ngoài chảy vào là 5,4 tỷ (Trung Quốc chảy sang là 3,5 tỷ m3, sông Nho Quế chảy từ Hà Giang là 1,9 tỷ m3) và lượng dòng chảy trên tỉnh Cao Bằng đạt 5,1 tỷ m3. Nói chung tài nguyên nước của tỉnh Cao Bằng còn khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
* Tài nguyên khoáng sản
Tỉnh Cao Bằng có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú, với 199 điểm mỏ và điểm quặng với 22 loại khoáng sản khác nhau như sắt, mangan, chì, kẽm..., trong đó có những mỏ có quy mô lớn tập trung ở các huyện Trà Lĩnh, Trùng Khánh, Nguyên Bình, Hạ Lang... Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2888/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2011, về việc phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2011 - 2015, có xét đến năm 2020 và đã cấp phép khai thác, chế biến một số loại khoáng sản. Công nghiệp khai khoáng trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều tiềm năng.
TIỀM NĂNG KINH TẾ
1. Những lĩnh vực kinh tế lợi thế
Cao Bằng có nhiều cửa khẩu thông thương với Trung Quốc tạo thuận lợi giao lưu, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hoá. Bên cạnh đó nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng cũng là tiền đề để phát triển ngành công nghiệp của tỉnh. Đất nông – lâm nghiệp còn tiềm năng chưa được khai thác, đất vườn tạp còn nhiều, khả năng thâm canh tăng vụ còn lớn. Đó là các cơ sở và cũng là điều kiện cho phép phát triển một nền nông nghiệp hiệu quả. Với những đặc điểm địa hình, đất đai, nguồn nước và khí hậu đã tạo cho Cao Bằng có điều kiện phát triển một nền nông lâm nghiệp đa dạng, phong phú với nhiều loại cây, con sinh trưởng và phát triển tốt cho sản phẩm có giá trị hàng hoá cao, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Nhân dân các dân tộc Cao Bằng có truyền thống cách mạng, yêu nước, đoàn kết xây dựng quê hương
2. Tiềm năng du lịch
Cao Bằng có nhiều tiềm năng về du lịch cả tự nhiên và nhân văn với những di tích lịch sử, văn hoá được xếp hạng như di tích Pắc Bó, Lam Sơn, khu rừng Trần Hưng Đạo, khu di tích lịch sử Đông Khê, hầm pháo đài thị xã, thác Bản Dốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen…và các cửa khẩu. Ngoài ra tỉnh còn có nhiều dân tộc với truyền thống văn hoá, lễ hội đa dạng, độc đáo, sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.