Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), nỗi lo số một của các doanh nghiệp trong ngành không còn là tìm kiếm nguồn gỗ nguyên liệu hợp pháp hay đầu nghệ công nghệ, tìm kiếm thị trường, mà chính là nguồn lao động có tay nghề.
Baodautu.vn trích nội dung chia sẻ từ buổi phỏng vấn gần đây với ông Nguyễn Chánh Phương về thách thức vươn lên tầm cao mới của ngành gỗ Việt Nam:
Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký HAWA (Ảnh: HAWA)
Khả năng đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu khoảng 20 tỷ USD đến năm 2025 của ngành là hoàn toàn có thể thực hiện. Nhưng cần phải lựa “miếng bánh ngon” trong con số 20 tỷ USD nói trên.
Vậy miếng ngon nằm ở đâu? Nếu so sánh quy trình trong chuỗi sản xuất, chế biến gỗ cũng như thương mại đến tay người tiêu dùng như đường Paranol thì sản xuất nằm ở điểm thấp nhất.
Việt Nam sẽ bước thêm 1 chân ra khỏi vùng sản xuất, sẽ có thể chạm vào các công đoạn giá trị cao hơn.
Thứ hai, cùng là sản xuất nhưng phải tạo ra sản phẩm có độ phức tạp, tỉ mỉ cũng như yêu cầu khó hơn.
Điều này vẫn có thể giải quyết với thế mạnh nhân công khéo tay, chăm chỉ, lành nghề. Khó khăn cũng kéo theo đó là kiếm người không chỉ đủ làm, mà còn phải đủ giỏi để quản lý những đơn hàng phức tạp.
Thách thức của toàn ngành ngày trước là vượt qua hình ảnh xấu xí sử dụng gỗ bất hợp pháp hay mọi người thường có câu nói nhắc nhở lẫn nhau: “Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”.
Sự thay đổi dần đến từ khi, Việt Nam có chính sách phủ xanh đồi trọc.
Tôi nhớ khi biết đến gỗ cao su lần đầu vào năm 1996 của Công ty cổ phần Savimex hay sản xuất gỗ từ cây tràm bông vàng. Từ đó, gỗ được sản xuất từ rừng trồng không còn gỗ rừng tự nhiên.
Một sự kiện đặc biệt khác đưa ngành gỗ lên một “nấc thang” mới, vào năm 2018 có sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng như chủ trì Hội nghị "Ðịnh hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu".
Thủ tướng đã đánh giá dư địa cũng như tiềm năng rất lớn của ngành gỗ Việt Nam. Do đó, cần phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu bền vững, hiệu quả.
Thủ tướng còn giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong 10 năm tới phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của nền kinh tế quốc gia.
Cùng với đó, phấn đấu để Việt Nam trở thành một trung tâm hàng đầu về sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu, có uy tín của thị trường thế giới.
Nhiều người cho rằng, để đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 18 đến 20 tỷ USD đến năm 2025 như Thủ tướng đặt mục tiêu sẽ khó khăn, bởi không có gỗ để sản xuất. Nhưng họ không biết, gỗ đang được trồng rất nhiều. Dù sản xuất đồ gỗ rất nhiều, nhưng diện tích che phủ vẫn tăng.
Từ 2008-2018, câu chuyện nguồn nguyên liệu, chuẩn bị đủ gỗ hợp pháp để sản xuất trở thành mối quan tâm hàng đầu cùng với chủ động tìm thị trường hơn.
Trong các yêu cầu để phát triển ngành thì gỗ nguyên liệu được xếp vào vị trí đầu tiên, theo sau đó là thị trường, công nghệ và nguồn nhân lực.
Nhưng từ đầu năm đến nay cũng như trong thời gian tới, đặc biệt trước cuộc xung đột thương mại, nguồn nhân lực trở thành thách thức lớn nhất.
Khi sản phẩm đồ gỗ và chế biến gỗ từ Trung Quốc giảm tỷ lệ xuất khẩu vào Mỹ bởi nhiều mặt hàng bị đánh thuế từ 5%- 200% thì Việt Nam lại có thể tăng sản lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Kéo theo đó, các doanh nghiệp FDI chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam càng khiến thị trường lao động ngành thiếu hụt.
Tôi còn nhớ từ khoảng 10 năm trước, doanh nhân Đài Loan sang đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam và có nói với tôi rằng, chính sách đầu tư khó khăn, tuyển dụng lao động gian nan.
Nhưng họ thừa nhận, dù đã tìm quốc gia khác để đầu tư nhà máy sản xuất chế biến, nhưng không đâu bằng Việt Nam.
10 năm trước, họ đã không tìm được nước thứ 2 có thể thay thế vị trí Việt Nam, nơi có đủ mọi điều kiện, đặc biệt là số lượng nhân công.
Về mặt tích cực, thị trường tiêu thụ đồ gỗ trên thế giới chắc chắn phát triển, sẽ tăng từ 3-4%/năm. Cùng với đó, người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và họ chú trọng Ở, trong đó có nội thất trong gia đình.
Lợi thế về chi phí nhân công tại Việt Nam vẫn còn. Với nhân công ngành gỗ, chỉ hoàn thành lớp 5 hay lớp 7 nếu chăm chỉ vẫn có thể làm được, còn đã tốt nghiệp lớp 12 còn có cơ hội làm quản đốc.
Cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ rất cần là các định hướng về công nghệ trong đó có cả không gian sản xuất như quy hoạch vùng chỉ làm chế biến gỗ dù điều này chưa được thực hiện.
Và chính các doanh nghiệp phải tự kết nối lại với nhau để làm việc này như tại Bình Dương, Đồng Nai... hay sau khi công ty cổ phần xây dựng kiến trúc AA xây dựng một nhà máy thì sau đó, có nhiều công ty làm nội thất nội địa cũng mở nhà máy, tạo thành một cụm tự nhiên.
Tầm cao mới của ngành gỗ sẽ bị phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực mà doanh nghiệp từ trước đến nay vẫn chủ động cả trong đào tạo lao động hoặc giảm tốc khi thiếu nhân sự. Nhưng, con người là việc của Nhà nước, đào tạo đủ lực lượng tham gia vào các ngành trong nền kinh tế.
Các doanh nghiệp phải làm đủ cách để tuyển lao động như đi về vùng quê, thưởng cho người tuyển được 1 lao động là 1 triệu đồng nhưng số lượng nhân công.
Hoặc dù đưa nông dân vào nhà máy khi chưa có tay nghề vẫn có thể làm được nhưng nếu chỉ làm sản phẩm qúa đơn giản thì doanh nghiệp làm sao tương lai có đơn hàng.
HAWA vẫn thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo nhân sự cho các doanh nghiệp nhưng thật sự vẫn chưa đạt hiệu quả cao.
Đến lúc, doanh nghiệp phải chấp nhận trả học phí để tìm kiếm giáo viên giảng dạy.
HAWA cũng làm cầu nối cho các trường đại học, thay vì tuyển sinh thì bồi dưỡng nhân sự của các nhà máy, không nhất thiết phải tuyển học sinh tốt nghiệp phổ thông mỗi năm chỉ vài chục người.
Yêu cầu cấp bách hiện là tái đào tạo lực lượng lao động tại chỗ, ở tất cả các ngành không riêng đồ gỗ đều than thở chuyện thầy nhiều ít thợ.
Nhà nước cũng đã tài trợ cho các học sinh Việt Nam tham dự các cuộc thi nghề liên quan ở quy mô quốc tế, tạo tiếng vang, tạo hình ảnh để hiểu rằng, đi học về kỹ thuật cũng là nghề vinh quang, có thể kiếm sống được ngay.
Vinh quang chỉ đến khi đã có bằng đại học. Nhưng chuyện này không dễ. Tự hỏi con em chúng ta vào trường nghề thì ta có chấp nhận? Đó là cuộc vận động thay đổi ý thức của toàn xã hội.
Để trở nên có thương hiệu, vị thế trong ngành, trước hết, yếu tố tiên quyết không chỉ đầu tư nhà máy mà đầu tiên là thiết kế. Việt Nam không có nền thiết kế cho ngành và để ngành gỗ đạt tầm cao mới, cần xây dựng đội ngũ thiết kế.
Thêm vào đó, AI chạm “ngõ” tất cả các ngành. Tôi nhìn thấy nhiều bạn trẻ bắt đầu nghiên cứu áp dụng công nghệ gì vào thiết kế, thương mại đồ gỗ. Mọi việc hoàn toàn có thể.
Biết đâu, một đột phá về công nghệ, người mua không cần đến cửa hàng mà qua app với đồ hoạ thực tế ảo và được nhận hàng theo kênh thương mại điện tử. Đó là đất cho người trẻ khởi nghiệp.
Ngày xưa, nếu tôi khởi nghiệp bởi nghĩ rằng mình giỏi một lĩnh vực cụ thể, có thể cạnh tranh được và mang về thu nhập tốt.
Nhưng ở thời nay, khởi nghiệp không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn cống hiến vào thương hiệu quốc gia hay làm những việc mà thực sự quốc gia này đang cần. Tôi tin, nhiều bạn trẻ hiện có tư duy này.
Trong một gia đình doanh nhân, thế hệ kế nghiệp sẽ theo hai mô típ. Một là tiếp giữ gìn, phát triển doanh nghiệp ngàn tỷ mà thế hệ trước để lại, hoặc chọn cách làm đột phá khác.
HAWA cũng đang có chương trình, tìm ra những gương mặt mới có khát vọng để nghĩ về thách thức mới, tầm cao mới của ngành.
Thế hệ trẻ sau này khi tham gia vào ngành cũng là thách thức. Là ngành sản xuất nên phải rất chăm chỉ, thế hệ F1 hầu hết được đào tạo ở nước ngoài và để thành công, họ sẽ phải chờ thêm một thời gian nữa, bởi còn nhiều đỉnh núi phải leo.
Theo Hồng Phúc / baodautu.vn