Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của TP HCM giai đoạn 2016-2020 ước khoảng 850.000 tỉ đồng nhưng khả năng ngân sách chỉ đáp ứng được 20%.
Sáng 14-6, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) TP HCM phối hợp với Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP (HFIC) đã tổ chức hội nghị tổng kết tình hình triển khai thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng theo hình thức đối tác công tư (PPP) và định hướng giai đoạn 2017-2020.
Thiếu đất sạch thanh toán đầu tư
Ông Phạm Phú Quốc, Tổng Giám đốc HFIC, cho biết TP hiện có 23 dự án PPP đã ký hợp đồng và hoàn thành với tổng mức đầu tư gần 71.200 tỉ đồng thuộc các lĩnh vực giao thông, môi trường theo các hình thức xây dựng - chuyển giao (BT), xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), xây dựng - vận hành - sở hữu (BOO). Bên cạnh đó, TP cũng có 130 dự án đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư để triển khai theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư dự kiến là 380.947 tỉ đồng.
Sắp tới, TP sẽ tiếp tục đưa ra 116 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP với tổng mức đầu tư dự kiến là 136.741 tỉ đồng. "Từ thực tế triển khai, mô hình PPP khi được sử dụng hiệu quả sẽ mang lại rất nhiều lợi ích trong việc quản lý, khai thác công trình, cung cấp dịch vụ công chất lượng cao; đồng thời vẫn bảo đảm lợi ích, an sinh xã hội" - ông Quốc đánh giá.
Dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2 với tổng vốn đầu tư 1.827 tỉ đồng là một trong 23 dự án PPP mà TP HCM đã thực hiện. Ảnh: Hoàng Triều |
Bên cạnh mặt tích cực, bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT, cũng chỉ ra nhiều khó khăn trong kêu gọi đầu tư bằng hình thức PPP. Theo bà, hiện quỹ đất thanh toán không đủ đáp ứng cho các dự án BT. Đa số các khu đất dự kiến dùng để thanh toán cho nhà đầu tư BT chưa được bồi thường giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch UBND quận 3 Võ Khắc Thái cho rằng thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án PPP còn kéo dài, phổ biến hơn 4 tháng, trong khi nhiều nhà đầu tư mong muốn giảm còn 1 tháng.
Đột phá để thu hút PPP
Để đẩy mạnh thu hút đầu tư trong thời gian tới, bà Hoa kiến nghị TP tạo thêm nguồn đất sạch, cho phép nhà đầu tư được thanh toán dự án BT tại vị trí hiện hữu thông qua các giá trị gia tăng lợi ích từ việc điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc như chỉ tiêu dân số, mật độ xây dựng và tầng cao công trình, tạo điều kiện để nhà đầu tư xây dựng các công trình tiện ích phụ trợ khác phục vụ kinh doanh thu hồi vốn.
Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH-ĐT) Vũ Quỳnh Lê, đơn vị này đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 15 và Nghị định 30 năm 2015 của Chính phủ liên quan đến hình thức PPP. Dự kiến sẽ yêu cầu tăng tỉ lệ vốn chủ sở hữu, làm rõ khái niệm tổng vốn đầu tư, ưu đãi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với dự án PPP; bổ sung và làm rõ quy định thời gian trong lựa chọn nhà đầu tư; hình thức lựa chọn nhà đầu tư, chỉ định thầu hình thức BT đối với các dự án ưu tiên.
Bà Nguyễn Thị Minh Phương, đại diện Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), cho biết những vướng mắc liên quan đến phương án tài chính của dự án PPP đang được vụ này soạn thảo để tháo gỡ như khung lợi nhuận, quỹ đất thanh toán nhà đầu tư hình thức BT mà hiện vẫn chưa có quy định.
Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa khẳng định TP sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư theo PPP.
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển của TP giai đoạn 2016-2020 ước khoảng 850.000 tỉ đồng nhưng khả năng ngân sách TP chỉ đáp ứng 20%. Chỉ tính riêng nhu cầu vốn cho các lĩnh vực giao thông, môi trường, chống ngập đã gần 500.000 tỉ đồng, chưa kể những dự án chỉnh trang, phát triển đô thị. TP sẽ có cơ chế nhằm hút vốn theo PPP.
Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở KH-ĐT xây dựng tiêu chí của từng loại dự án PPP làm cơ sở lựa chọn và chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án đầu tư công nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà đầu tư - cơ quan quản lý - người dân. "Với những cách làm mới này, TP hy vọng sẽ tạo ra bước đột phá về thu hút đầu tư theo hình thức PPP" - ông Phong nhấn mạnh.
Giải pháp phù hợp Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhìn nhận hơn 20 năm TP thu hút đầu tư và hơn 2 năm thực hiện nghị định mới của Chính phủ về hợp tác đầu tư PPP, mô hình này đã mang lại lợi ích rất lớn trong việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn mới trước áp lực nợ công, nguồn chi cho đầu tư có hạn, PPP được xem là giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán thiếu vốn về đầu tư hạ tầng và là một trong những động lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu. "Mặc dù số dự án đầu tư theo PPP không lớn, chỉ chiếm khoảng 5% số dự án đầu tư công của TP, nhưng nguồn vốn rất lớn. PPP chính là một trong những giải pháp phù hợp với các địa phương có nhu cầu đầu tư lớn như TP HCM" - ông Phong đúc kết. |
Theo Phan Anh
Người lao động