Để thực hiện hỗ trợ kỹ thuật dự án phát triển giao thông xanh (Dự án xe buýt nhanh- BRT) tại TP. Hồ Chí Minh, Ngân hàng Thế giới (WB) thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) sẽ viện trợ 10,5 triệu USD. Hiệu quả từ dự án sẽ góp phần cho hệ thống giao thông đô thị của thành phố phát triển bền vững, giúp cho người dân chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang sử dụng giao thông công cộng.
Tuyến xe buýt nhanh số 1 chạy theo tuyến Đại lộ Võ Văn Kiệt
Xe buýt nhanh - BRT là hệ thống vận tải công cộng bằng các loại xe buýt có khối lượng vận chuyển hành khách lớn, hiện đại, nhanh và hiệu quả hơn so với xe buýt thông thường. Tuyến xe buýt nhanh BRT số 1 chạy dọc theo trục đường Võ Văn Kiệt – Mai Chí Thọ, có điểm đầu là nút giao vòng xoay An Lạc, điểm cuối là ngã ba Cát Lái, đi qua địa bàn quận Bình Chánh, Bình Tân, quận 6, quận 5, quận 1 và quận 2. Theo thiết kế, tuyến xe buýt nhanh sẽ có hệ thống trạm dừng đặt ở dải phân cách giữa; có lề đường riêng, xe sử dụng khí nén thiên nhiên thân thiện với môi trường, cửa lên xuống ở 2 bên xe; tích hợp với tuyến đường sắt đô thị metro cũng như với các loại hình giao thông khác.
Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho dự án xe buýt nhanh – BRT thực hiện từ năm 2016 – 2020 gồm các nội dung: Nghiên cứu quy hoạch đô thị tích hợp dọc hành lang dự án BRT; Quy hoạch giao thông và tăng cường tính kết nối, tăng cường năng lực cho các đơn vị, sở ngành liên quan. Theo quy hoạch phát triển giao thông TP.Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn sau 2020, TP.Hồ Chí Minh sẽ có 6 tuyến xe buýt nhanh.
Để thực hiện dự án, Chính phủ Thụy Sỹ sẽ viện trợ không hoàn lại cho Dự án 10,5 triệu USD để giúp Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng công trình Giao thông – Đô thị TP.Hồ Chí Minh (UCCI) cùng các đơn vị có liên quan của TP triển khai ba hợp phần: Dự án về quy hoạch đô thị theo hướng TOD (phát triển giao thông công cộng đi kèm với phát triển đô thị); Quy hoạch giao thông để nâng cao khả năng kết nối cho tuyến BRT số 1 và huấn luyện, đào tạo, tăng cường năng lực quản lý cho các đơn vị liên quan. Từ phía thành phố và các ngành chức năng hỗ trợ việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để sẵn sàng cho việc thực hiện dự án.
Trong vai trò là đơn vị viện trợ dự án, ông Roman Windisch - Phó Giám đốc của SECO tại Việt Nam cho biết, Thụy Sỹ luôn hỗ trợ và đồng hành trong việc góp phần phát triển đô thị của TP.Hồ Chí Minh. Đây được xem là nền tảng phát triển cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước nói chung và giữa TP.Hồ Chí Minh với các địa phương Thụy Sỹ nói riêng.
Bằng kinh nghiệm có được, SECO sẽ tiếp tục hỗ trợ thành phố thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường năng lực trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, giao thông đô thị và bảo vệ môi trường.
Theo Thanh Thanh / baocongthuong.com.vn