Những năm gần đây, Chính phủ cũng như TP Hồ Chí Minh đã có những chính sách ưu đãi và tạo cơ chế thông thoáng nhằm thu hút đầu tư, tạo cơ hội cho ngành vi mạch còn khá non trẻ phát triển.
Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC)
Theo PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp hạt nhân của công nghiệp điện tử, với mức tăng trưởng hàng năm hơn 10%. Với tầm quan trọng của ngành vi mạch, trong những năm gần đây, Chính phủ cũng như TP.HCM đã đưa ra các chính sách ưu đãi và cơ chế thông thoáng nhằm thu hút sự đầu tư và tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp còn khá non trẻ này tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.
Chương trình phát triển công nghiệp TP. HCM TP là các dự án, đề án nhằm tối ưu hoá hiệu quả của chương trình và đạt được các mục tiêu đề ra gồm: Đề án đào tạo lĩnh vực thiết kế vi mạch; Đề án ươm tạo doanh nghiệp công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng; Dự án xây dựng nhà thiết kế (Design house); Dự án xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch; Đề án quảng bá thị trường vi mạch điện tử; Chương trình nghiên cứu thiết kế và sản xuất thử nghiệm; Chương trình nghiên cứu thiết kế và sản xuất thử nghiệm; Đề án xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM…
Sau hơn 4 năm triển khai, đến nay chương trình đã đi đúng hướng và đạt được những thành tựu nhất định, khẳng định vị thế dẫn đầu của TP. HCM trong ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam. Từ đó, thu hút được sự quan tâm hợp tác của các tổ chức khoa học công nghệ Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ sản xuất chip thế giới. Cùng với đó là thu hút các dự án có vốn đầu tư lớn vào TP. HCM từ các tập đoàn đa quốc gia như Intel, Samsung, Microchip, SSTI và hình thành nên một cộng đồng vi mạch Việt, một hệ sinh thái về công nghiệp vi mạch, nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của toàn xã hội.
Về phía Đại học Quốc gia TP.HCM, với vị thế là một trong hai trường đại học lớn của cả nước, trường đã nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ vi mạch. Việc thành lập Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) là nhằm mục tiêu trở thành đơn vị hàng đầu về thiết kế và đào tạo vi mạch tại Việt Nam.
Qua hơn 10 năm thành lập (năm 2005), ICDREC đã thiết kế hàng loạt chip có giá trị kinh tế và ứng dụng cao. Điển hình như các chip Sigma K3, VN 8-01, VN 16-32, HF-RFID, chip sinh học... ứng dụng hiệu quả trên các sản phẩm như đồng hồ điện kế điện tử, khóa container, hộp đen xe hơi, xe máy...
Đặc biệt, ICDREC đã chuyển giao và thương mại hóa con chip 8 Bit đầu tiên mang thương hiệu SG8V1 do đội ngũ kỹ sư trong nước thiết kế, tạo thành cộng đồng người dùng vi điều khiển SG- 8V1, để các nghiên cứu viên, sinh viên và những người muốn tìm hiểu về vi mạch có thêm kênh thông tin giao lưu, trao đổi và học tập kinh nghiệm.
Dự kiến từ nay đến cuối năm 2016, sẽ có thêm 6 phòng thí nghiệm được TP. HCM đầu tư hỗ trợ cho các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn, góp phần hoàn thành mục tiêu đào tạo 2.000 kỹ sư, kỹ thuật viên vi mạch đến năm 2020, mà chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM đã đặt ra.