Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đến cuối tháng 2/2016 đạt 1.247.600 tỷ đồng, tăng 15,44% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, dư nợ tín dụng trung và dài hạn chiếm 57,5% tổng dư nợ, dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm 42,5%. Đặc biệt tín dụng dành cho khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) tăng cao và có nhiều nguồn vốn hỗ trợ dành cho DN.
DNVVN có thể tiếp cận nhiều nguồn vốn vay để đầu tư sản xuất, kinh doanh
Theo đánh giá của UBND TP. Hồ Chí Minh, mức dư nợ tín dụng đã tập trung cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam (VNĐ) đối với 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, DNVVN, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao) trong những tháng đầu năm 2016 đạt gần 144.000 tỷ đồng; trong đó phần cho vay hỗ trợ DNVVN chiếm đến 60% tổng dư nợ 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên.
Với mục tiêu hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh cho DN, đặc biệt là DNVVN, nhiều tổ chức tín dụng đã tập trung vốn ưu tiên dành cho DN vay. Kết quả cụ thể nhất là chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp (NH- DN) đến nay đã phát huy hiệu quả tích cực. Trong năm 2015 chương trình kết nối NH - DN trên địa bàn thành phố đã triển khai tới 4.732 khách hàng với tổng số tiền vay là 173.188 tỷ đồng, tăng gấp 2,89 lần so với chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao. Năm 2016, chương trình sẽ dành thêm 250.000 tỷ đồng vốn vay nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho DN, hộ kinh doanh và tiểu thương. Đặc biệt sẽ đẩy mạnh cho vay tín chấp, tập trung cho DNVVN để thay đổi máy móc, mở rộng sản xuất nhằm nâng cao sức cạnh tranh khi hội nhập.
Cũng tập trung giải quyết bài toán vốn cho các DNVVN đặc biệt là DN ngành công nghiệp hỗ trợ cũng đã có các gói tín dụng hỗ trợ dành cho các đối tượng DN này. Tính đến nay, đã có 18 đơn vị của 17 thương hiệu ngân hàng, trong đó có ngân hàng liên doanh và ngân hàng nước ngoài (là ngân hàng VID Public Bank chi nhánh TP.Hồ Chí Minh, và ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered) đã đăng ký gói hỗ trợ, với tổng số tiền 211.500 tỷ đồng và 15 triệu USD, với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng không quá 7%/năm, và trung và dài hạn là 8 - 10%/năm dành cho DN vay.
Ngoài ra, Chương trình Kích cầu thông qua đầu tư (ưu tiên các ngành công nghiệp trọng yếu, DNVVN) cũng dành những ưu đãi, hỗ trợ lãi vay cho DN. Từ năm 2011 đến nay đã có 85/114 dự án với tổng số vốn đầu tư là 6.791,4 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn được ngân sách hỗ trợ lãi là 3.238 tỷ đồng. Riêng các dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, hạ tầng và môi trường sẽ được hỗ trợ toàn bộ lãi vay. Thời gian được hỗ trợ tối đa cho một dự án là 7 năm với mức hỗ trợ tối đa là 100 tỷ đồng/dự án. Số vốn vay của dự án được ngân sách hỗ trợ lãi suất sẽ không quá 70% của phần vốn đầu tư xây dựng cơ bản và 85% vốn công nghệ và thiết bị.
Tuy nhiên, từ phía ngân hàng cũng cho biết, hiện nay vẫn còn nhiều DNVVN chưa tiếp cận được vốn do quy mô sản xuất nhỏ, không có tài sản thế chấp, điều kiện trả nợ không bảo đảm được các yêu cầu của ngân hàng. Thậm chí, nếu DN có tài sản thế chấp nhưng giấy tờ và phương án trả nợ không khả thi thì ngân hàng cũng khó cho vay. Vì thế các ngân hàng cần có hướng giải quyết những khó khăn liên quan đến tài sản thế chấp đối với DNVVN, xem xét từng trường hợp DN. Đồng thời từ phía các DN, cần minh bạch hơn trong tài chính, sổ sách, có phương án đầu tư sản xuất, kinh doanh khả thi, hiệu quả cao để có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn tín dụng nhanh chóng và dễ dàng.
Theo Thanh Thanh / baocongthuong.com.vn