Sáng 31/12, TPHCM tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM.
Theo đó, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ dự và trao Nghị quyết cho lãnh đạo TPHCM về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM; ghi dấu ấn về việc lần đầu tiên thành lập "thành phố trong thành phố" trực thuộc Trung ương. Nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2021.
TP Thủ Đức chính thức hoạt động từ 1/3/2020
Tạ buổi lễ, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM.
Ngay sau đó, đại diện lãnh đạo TPHCM gồm Bí Thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu đón nhận nghị quyết từ ông Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội.
Lãnh đạo TPHCM nhận đón nhận Nghị quyết từ Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, TPHCM là đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế, văn hóa... đóng vai trò dẫn dắt, có sức hút đầu tư đối với nền kinh tế khu vực và cả nước.
Thành lập TP Thủ Đức không chỉ là sự kiện đặc biệt quan trọng với người dân 3 quận mà còn là cột mốc phát triển của TPHCM trong hội nhập quốc tế. Sự kiện này cũng nhận sự quan tâm của cả nước, nơi có mô hình thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương.
Đây là sự kiện quan trọng để hình thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, tạo sự thúc đẩy, là hạt nhân phát triển kinh tế thành phố và khu vực.
Ông đề nghị TPHCM tập trung xây dựng, trình quy hoạch xây dựng TP Thủ Đức, hướng tới xây dựng thành phố thông minh, sáng tạo, là động lực phát triển kinh tế TPHCM. TP Thủ Đức là nơi chuyển giao công nghệ mới các tỉnh miền Nam, duyên hải miền Trung, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho cả vùng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị TPHCM sớm trình ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thủ Đức.
Bên cạnh đó, TPHCM cần sớm trình ban hành cơ chế chính sách đặc thù cho TP Thủ Đức. Phát huy tính tự chủ, sáng tạo, thu hút đầu tư, thành hạt nhân, cực tăng trưởng mới của TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Đồng thời, đầu tư phát triển hạ tầng, thu hút lao động chất lượng cao; đảm bảo phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân; phát triển khoa học, công nghệ cao.
Nâng cao sức chiến đấu các tổ chức đảng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, giải quyết tốt khiếu nại tố cáo trên địa bàn. Ngoài ra, TPHCM tập trung hoàn thiện bộ máy chính quyền, sắp xếp cán bộ dôi dư.
Sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người.
TP Thủ Đức chính thức hoạt động kể từ ngày 1/3/2021. Sau 60 ngày kể từ ngày Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 có hiệu lực, từng đơn vị hành chính, các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính mới phải hoàn thành xong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo sự ổn định, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của Nhân dân và hoạt động kinh tế của các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.
Các sở, ngành có liên quan chủ động chuẩn bị các nội dung cần thiết hướng dẫn cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục hành chính...
Thông tin, quy trình thực hiện được công khai trên cổng thông tin điện tử, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, khu phố, tổ dân phố và không thu phí việc thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ, thủ tục do thay đổi địa giới đơn vị hành chính.
Trường hợp cá nhân, tổ chức không có nhu cầu chuyển đổi thì các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước đây theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng.
TP Thủ Đức không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là đòn bẩy nâng cao đời sống người dân; dự kiến đóng góp 30% GDP TP HCM và 7% GDP cả nước.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, việc thành lập TP Thủ Đức sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, phát huy nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
TP Thủ Đức không chỉ là động lực phát triển kinh tế mà còn là đòn bẩy nâng cao đời sống người dân; dự kiến đóng góp 30% GDP TPHCM và 7% GDP cả nước.
Thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ 49,79 km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người của Quận 2; toàn bộ 113,97 km2 diện tích tự nhiên, 310.107 người của Quận 9 và toàn bộ 47,80 km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người của quận Thủ Đức.
Sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người.
Thành phố Thủ Đức giáp Quận 1, Quận 4, Quận 7, Quận 12, quận Bình Thạnh; tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai.
TP Thủ Đức có 34 phường.
Sau khi thành lập TP Thủ Đức và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, TP Thủ Đức có 34 phường: An Khánh, An Lợi Đông, An Phú, Bình Chiểu, Bình Thọ, Bình Trưng Đông, Bình Trưng Tây, Cát Lái, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Hiệp Phú, Linh Chiểu, Linh Đông, Linh Tây, Linh Trung, Linh Xuân, Long Bình, Long Phước, Long Thạnh Mỹ, Long Trường, Phú Hữu, Phước Bình, Phước Long A, Phước Long B, Tam Bình, Tam Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Tân Phú, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm, Trường Thạnh, Trường Thọ.
Như vậy, sau 23 năm được tách ra từ huyện Thủ Đức, 3 quận (2, 9 và Thủ Đức) được sáp nhập để cho ra đời TP Thủ Đức.
Theo Nghị quyết này, TPHCM thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc TPHCM; Thành lập Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, TPHCM; thành lập Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thủ Đức, TPHCM.