TP.HCM đưa ra 9 đề án, dự án, hạng mục cụ thể, hướng đến mục tiêu đưa AI trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế Thành phố.
UBND TP.HCM vừa phê duyệt chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trên địa bàn, giai đoạn 2020-2030”.
Theo đó, tầm nhìn đến 2030, sẽ đưa AI trở thành một trong những công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, Thành phố thông minh cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế số không chỉ nhanh mà còn bền vững.
Ngoài ra, trong mục tiêu chung, TP.HCM sẽ trở thành một trong những trung tâm của Việt Nam và khu vực về nghiên cứu, triển khai, chuyển giao các ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Đồng thời, có trình độ phát triển trí tuệ nhân tạo nằm trong nhóm các Thành phố dẫn đầu trong ASEAN.
Với mục tiêu đưa AI trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế, đầu tiên, TP.HCM sẽ thúc đẩy gia tăng số doanh nghiệp khởi nghiệp, SMEs trong lĩnh vực AI cũng như gia tăng vốn đầu tư vào lĩnh vực này.
Thứ hai, Thành phố sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp triển khai ứng dụng AI trong chuyển đổi số; triển khai các giải pháp huy động vốn đầu tư cho phát triển các doanh nghiệp và thương hiệu làm AI ở Việt Nam.
Người dùng tương tác trên ứng dụng ELSA- startup xây dựng AI độc quyền trong lĩnh vực nhận diện giọng nói với công nghệ học sâu (Deep Learning) đạt chính xác trên 95% (Ảnh minh hoạ: ELSA).
Trong mục tiêu trở thành trung tâm của Việt Nam và khu vực về nghiên cứu, triển khai, chuyển giao các ứng dụng trí tuệ nhân tạo, TP.HCM sẽ thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước, đầu tư xây dựng ít nhất hai trung tâm nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ về AI ngang tầm khu vực ASEAN.
Ngoài ra, thúc đẩy số lượng các công trình khoa học, bằng sáng chế về trí tuệ nhân tạo hoặc ứng dụng AI tại TP.HCM tăng bình quân 20%/năm,…
Cũng trong chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn, giai đoạn 2020-2030” của TP.HCM, có 9 đề án, dự án, hạng mục cụ thể sẽ được triển khai như đề án xây dựng hạ tầng số, dự án xây dựng cổng thông tin giải pháp và ứng dụng AI, tổ chức ngày hội doanh nghiệp công nghệ thông tin và AI tại Thành phố, đề án tạo nguồn nhân lực về AI,…
Kinh phí thực hiện Chương trình nói trên được bố trí từ nguồn ngân sách Thành phố, từ Bộ ngành, từ đóng góp của các tổ chức cá nhân, nguồn từ xã hội hoá và giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM được uỷ quyền quyết định phân khai chi tiết nguồn kinh phí được Thành phố giao.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu nhân lực trong năm 2021 trên địa bàn cần khoảng từ 270.000 - 300.000 chỗ làm việc, trong đó có khoảng 140.000 chỗ việc làm mới.
Nhu cầu nhân lực tập trung ở các ngành kinh doanh, thương mại (chiếm 20,16% tổng nhu cầu); điện tử, công nghệ thông tin (chiếm 10,96%); dịch vụ, phục vụ (chiếm 7,25%); cơ khí, tự động hóa (chiếm 5,60%),...
Nhìn lại quý cuối năm 2020, Navigos Search quan sát thấy nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin đang hồi phục nhanh. Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tuyển dụng, tuy nhiên tập trung vào các nhân sự chất lượng cao với các công nghệ cập nhật nhất nhằm gia tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ. Những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường cũng rất nhạy bén trong việc xây dựng thương hiệu tuyển dụng và có chính sách lương thưởng tốt để thu hút nhân sự chất lượng. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn khiến ngành công nghệ thông tin trì hoãn trong tuyển dụng, tuy nhiên vẫn có công ty trong mảng này đang có nhu cầu phát triển rất lớn với kế hoạch tuyển dụng 1.000 kỹ sư công nghệ thông tin trong năm 2021. |