UBND TP.HCM vừa kiến nghị Chính phủ cho phép xây cầu Cát Lái, Bình Khánh và làm tuyến đường mới song song với Quốc lộ 50 để kết nối với tỉnh Long An.
Ngày 10/10, lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, UBND TP.HCM vừa trình Thủ tướng Chính phủ xin chấp thuận điều chỉnh cục bộ quy hoạch đã phê duyệt gồm xây dựng cầu thay thế phà Cát Lái, cầu thay thế bến phà Bình Khánh và bổ sung tuyến đường mới kết nối tỉnh Long An, song song Quốc lộ 50 vào quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.
Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, việc này xuất phát từ lưu lượng các phương tiện giao thông hỗn hợp qua phà Cát Lái ngày càng tăng cao. Mặt khác, luồng hàng hóa từ các khu công nghiệp dọc theo Quốc lộ 51 và đô thị Nhơn Trạch... được vận chuyển đi vòng theo tuyến xa lộ Hà Nội về hệ thống cảng trên sông Sài Gòn ngày càng nhiều gây ùn tắc giao thông trên xa lộ Hà Nội.
Do đó, UBND TP. HCM đã kiến nghị Thủ tướng bổ sung quy hoạch giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020. Khi đó, giao thông đường bộ sẽ kết nối trực tiếp giữa quận 2 với Nhơn Trạch thông qua cầu Cát Lái.
Cầu Cát Lái có điểm đầu kết nối với nút giao thông Mỹ Thủy trên đường vành đai 2 ở quận 2 và điểm cuối kết nối vào tỉnh lộ 25B, cách bến phà Cát Lái hiện tại khoảng 1km. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn vào cầu khoảng 4,5km, trong đó đoạn vượt sông khoảng 750m.
Dự án xây cầu Cát Lái có tổng kinh phí đầu tư tạm tính hơn 5.700 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 1.225 tỷ đồng. Hiện tại, mỗi ngày có hơn 45.000 phương tiện và hành khách qua lại trên phà Cát Lái.
Việc xây dựng cầu thay phà Bình Khánh sẽ hình thành tuyến kết nối giao thông trực tiếp với khu vực phía Nam TP.HCM để phát lợi thế của địa phương, tạo dịch vụ vận tải thuận lợi và hiệu quả.
Cầu Bình Khánh có điểm đầu tại ngã 4 Huỳnh Tấn Phát – đường kho C và điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác. Tổng chiều dài cầu và đường dẫn vào cầu khoảng 5,8km.
Phương án tối ưu là vị trí cầu nằm cách bến phà Bình Khánh 5,2 km về phía hạ lưu, kéo dài từ Hương lộ 39 (huyện Nhà Bè) đến đường Rừng Sác. Về thiết kế kỹ thuật, toàn bộ cầu sẽ có chiều dài 2.400 m, rộng 30 m, tải trọng 30 tấn, gồm 6 làn xe và được làm theo kết cấu dây văng, tháp hình chữ H. Tổng kinh phí đầu tư cho công trình này lên đến 1.868 tỉ đồng.
Gia Khang
Theo Trí thức trẻ