Nếu kiến nghị được chấp thuận, thời gian xây dựng metro số 2 Bến Thành - Tham Lương sẽ chậm tới 7 năm so với dự kiến ban đầu.
Một đoạn đường hầm trong dự án metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ảnh: Hoàng Bình. |
UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Thủ tướng xin gia hạn thời gian thực hiện dự án metro số 2 Bến Thành – Tham Lương đến năm 2020. Theo UBND TP, quyết định của Thủ tướng nhằm làm cơ sở để gia hạn các hiệp định vay của các khoản vay hiện tại.
Theo đó, TP.HCM sẽ trả toàn bộ phí cam kết phát sinh sau khi gia hạn các hiệp định vay đã ký. Trong văn bản gửi Thủ tướng, TP.HCM cũng cho hay sẽ không sử dụng khoản vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) để đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án. Dự kiến, UBND sẽ bố trí vốn ngân sách thành phố để triển khai thực hiện hạng mục này.
Như vậy, trong trường hợp kiến nghị được chấp thuận, tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương sẽ chậm hơn 7 năm so với dự kiến ban đầu. Hiện nay, dự án này đã đội vốn từ 1,3 tỷ USD lên tới 2,19 tỷ USD.
Tuy nhiên, con số thực tế của dự án sẽ tăng hơn rất nhiều khi TP.HCM sẽ phải chi ngân sách để thực hiện giải phóng mặt bằng. Dự kiến, việc xây dựng metro số 2 sẽ ảnh hưởng đến 679 hộ dân dọc tuyến từ quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú.
Trước đó, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đã chủ trì buổi làm việc với ADB về một số dự án do ngân hàng này tài trợ, như dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành – Tham Lương, dự án giao thông đô thị bền vững cho tuyến tàu điện ngầm số 2.
Tại buổi làm việc, ADB thông báo chính thức việc gia hạn cần phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi đến ADB trước 30/9 để thực hiện các thủ tục. ADB đã thảo luận với các nhà đồng tài trợ là Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu (EIB) về việc bổ sung vốn cho dự án và nêu câu hỏi về việc có thể trao thầu các gói thầu sử dụng các khoản vay bổ sung trước khi khoản vay bổ sung của ADB có hiệu lực.
ADB cũng đề nghị UBND TP chủ động bố trị nguồn vốn đối ứng để thực hiện công việc cấp bách hiện nay là công tác kiểm toán theo quy định của ADB cho năm tài khoá 2017 và tư vấn giám sát tái định cư độc lập. Đây là các yêu cầu bắt buộc trong các Hiệp định đã ký giữa ADB và Chính phủ Việt Nam. Lý do là việc gia hạn khoản vay 1 hiện chưa được hoàn thành nên ADB có thể không bố trí được vốn kịp theo yêu cầu.
Tuyến metro số 1 cũng đang trong tình trạng đói vốn trầm trọng. Ảnh: Lê Quân. |
Nhà nhà tài trợ đã thảo luận với Ban quản lý đường sắt đô thị thống nhất đề xuất điều chỉnh cơ cấu tài trợ các gói thầu của dự án so với trước đây. Cụ thể, gói thầu CP4 sẽ do ADB tài trợ, gói thầu CP6, CP7 sẽ do KfW tài trợ.
ADB đồng thời đề nghị triển khai nhanh việc tuyển chọn tư vấn quản lý dự án và giám sát thi công (sẽ do KfW tài trợ bằng nguồn vốn bổ sung) để đáp ứng yêu cầu về tiến độ của dự án.
Tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương dự kiến khởi động vào năm 2013. UBND TP.HCM đã ký hiệp định vay ADB 540 triệu USD vào cùng năm. Vốn đầu tư xây dựng tuyến metro số 2 là 1,3 tỉ USD vay từ ADB, KfW, EIB và vốn ngân sách đối ứng.
Đến năm 2015, dự án metro số 2 đã chậm 2 năm và phải điều chỉnh thiết kế và đội vốn lên tới 2,19 tỉ USD. Khi đó, thời gian chậm nhất để thực hiện dự án nâng đến năm 2018 và năm 2023-2024 hoàn thành. Với kiến nghị mới nhất của UBND TP.HCM, dự án metro Bến Thành - Tham Lương có thể sẽ kéo dài tới tận năm 2026 mới hoàn thành.
Hà Hương / Zing News