Trung bình hàng năm từ nay đến năm 2020, TP.Hồ Chí Minh cần khoảng 50.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách chỉ có thể đáp ứng một phần nhỏ. Do vậy, việc kêu gọi đầu tư các dự án hạ tầng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách trong đó có hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP) đang được đẩy mạnh.
TP. Hồ Chí Minh chú trọng phát triển dự án hạ tầng bằng hình thức đầu tư PPP
Nguồn vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng TP.Hồ Chí Minh được thực hiện từ 3 nguồn chủ yếu: nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; nguồn tín dụng trung, dài hạn từ các tổ chức tài chính; nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước trực tiếp đầu tư vào nền kinh tế. Trong đó, việc khai thác nguồn vốn thứ ba từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước theo hình thức hợp tác giữa khu vực tư nhân và nhà nước, có thể coi là một trong những giải pháp hiệu quả cho bài toán đầu tư hạ tầng của thành phố.
Chứng minh cho điều này từ năm 2010 đến nay, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.Hồ Chí Minh (HFIC) đã hợp tác với nhiều tổ chức tín dụng uy tín trong và ngoài nước để đồng tài trợ nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn thành phố với tổng mức huy động, cam kết cho vay và đồng tài trợ là 9.026 tỷ đồng.
Ngoài nguồn vốn từ HFIC, hiện nay thành phố có chủ trương khuyến khích triển khai các dự án đầu tư theo hình thức PPP nhằm giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách, đồng thời thu hút nguồn lực tài chính cũng như kinh nghiệm, kỹ năng của các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế. Đặc biệt, thực hiện chương trình “Kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông” năm 2016 TP.Hồ Chí Minh sẽ tập trung đầu tư xây dựng những công trình lớn như nút giao thông Mỹ Thủy, hầm chui An Sương, cầu Bình Tiên, xây dựng khép kín đường vành đai 2…
Ông Trần Anh Tuấn - Quyền Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển TP.Hồ Chí Minh cho biết, thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước theo hình thức hợp tác giữa khu vực tư nhân và nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP và Nghị định số 30 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng mở đường cho hình thức đầu tư PPP mà trước đây chưa có quy định rõ ràng. Ngoài ra, thành phố cũng đã xây dựng đề án cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP đang được kỳ vọng rất lớn để giúp TP.Hồ Chí Minh phát huy tối đa những đột phá của Nghị định số 15.
Tuy nhiên theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải TP.Hồ Chí Minh, có một số khó khăn trong quá trình triển khai các dự án PPP cần có hướng giải quyết như: công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm, không bảo đảm tiến độ, làm tăng chi phí và tiềm ẩn rủi ro đầu tư. Quỹ đất hoàn trả đa phần là nhỏ lẻ, manh mún và thường là chưa GPMB làm cho tổng nguồn vốn đầu tư tăng cao, dẫn tới không đủ khả năng hoàn trả chi phí của nhà đầu tư...
Vì thế để thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển dự án theo hình thức PPP, thành phố cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như rà soát các dự án dự kiến ban đầu đầu tư từ nguồn vốn ngân sách để chuyển đổi, kêu gọi triển khai đầu tư theo hình thức PPP; lựa chọn, triển khai một vài dự án tiên phong làm theo mô hình PPP; đưa ra hướng triển khai khung pháp lý theo Nghị định của Chính phủ về đầu tư PPP; có cơ chế ưu đãi thuế... Ngoài ra, cần bố trí, sử dụng hiệu quả nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP làm đòn bẩy, công cụ để huy động vốn đầu tư, kinh nghiệm, năng lực của khu vực tư nhân tham gia thực hiện các dự án...
Đến nay Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hồ Chí Minh đã tiếp nhận một số hồ sơ của các doanh nghiệp đề xuất đầu tư dự án theo hình thức PPP. Hiện Sở đang xem xét hồ sơ cũng như tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp để báo cáo cấp có thẩm quyền. Các dự án PPP khi triển khai tại TP.Hồ Chí Minh cần có sự hài hòa giữa Nhà nước và nhà đầu tư về chi phí sử dụng vốn, chia sẻ rủi ro một cách minh bạch và xây dựng khung chính sách ưu đãi, có sức hấp dẫn với mọi nhà đầu tư.
Thanh Thanh / baocongthuong.com.vn