Còn nhiều ý kiến xoay quanh những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi tham gia TPP - Ảnh: TD
Trước ngưỡng cửa Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP), Bộ Công Thương xác định rằng xuất khẩu sẽ là đòn bẩy tăng trưởng cho nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, tại một diễn đàn về TPP diễn ra hôm nay 1-3, tại Hà Nội, có nhiều ý kiến cho rằng để đòn bẩy này phát huy được vai trò, cả nền kinh tế phải cơ cấu lại.
Nền tảng xuất khẩu cần thay đổi
Tại "Diễn đàn TPP: cơ hội và thách thức phát triển ngành công nghiệp Việt Nam", ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, cho hay Việt Nam có định hướng rõ ràng là lấy xuất khẩu làm động lực tăng trưởng. Tăng trưởng xuất khẩu sẽ là tiêu chí, thước đo của các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Tuy nhiên, theo phân tích của Bộ Công Thương, xuất khẩu của Việt Nam trong những năm qua tuy có tăng trưởng ấn tượng nhưng cũng bộc lộ nhiều nhược điểm: động lực tăng trưởng xuất khẩu mới chỉ dựa vào yếu tố đầu vào giá rẻ như tài nguyên, lao động, điện nước….xuất khẩu dựa vào những yếu tố như công nghệ, chất xám để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm chiếm tỉ lệ rất thấp.
“Điều này đang đe doạ tới tính bền vững của xuất khẩu vì yếu tố giá rẻ sẽ không còn rẻ nữa hoặc sẽ cạn kiệt đi trong tương lai. Hơn nữa, những yếu tố này sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam nữa do bị cạnh tranh bởi các thị trường mới nổi như Myanmar, Campuchia, Lào...", ông Hải nói.
Đặc điểm thứ hai, theo ông Hải là xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào một số nhóm hàng chính, đặc biệt là điện thoại di động, dệt may. Xuất khẩu không chỉ phụ thuộc vào một số loại sản phẩm mà còn phụ thuộc vào một số nhà cung cấp. Điều này tiềm ẩn rủi ro khi nhà cung cấp kia rời bỏ thị trường hoặc phá sản.
Mục đích trước mắt của TPP là để mở rộng xuất khẩu, nhưng theo ông Hải, để hàng hóa Việt Nam nhận được “passport” này cần đáp ứng được ba điều kiện: nội lực và trình độ sản xuất của doanh nghiệp trong nước; tìm được đối tác bán hàng tốt và chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.
Trong đó, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ sản phẩm là vấn đề khá nan giải hiện nay. Ông Hải lấy ví dụ đối với ngành dệt may, ngành được cho là hưởng lợi nhất từ TPP, nhưng TPP quy định về nguồn gốc xuất xứ của dệt may khắt khe hơn rất nhiều so với các FTA trước đó, tức yêu cầu nguồn gốc xuất xứ phải từ sợi trở đi. Trong khi, nguồn nguyên liệu cho ngành dệt may chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc... - là những nền kinh tế bên ngoài TPP.
Hoặc đối với ngành nhựa, TPP yêu cầu phải 50% nguyên liệu polyme phải từ các nước nội khối nhưng hiện nay đa phần nguyên liệu polyme lại nhập từ Thái Lan, Trung Quốc. Để tìm được nguyên liệu nhựa cũng như sợi cho dệt may trong khối TPP là rất khó khăn vì nguồn cung khan hiếm và giá cả cao hơn các nước khác.
Nắn dòng vốn FDI
Mặt khác, theo ông Hải, xét về cơ cấu xuất khẩu thì khu vực FDI là động lực tăng trưởng chứ không phải khu vực trong nước khi khu vực FDI chiếm tới 2/3 giá trị xuất khẩu.
Song, theo ông Hải, nguyên tắc xuất xứ sẽ “nắn” dòng chảy FDI vào Việt Nam. Cách đây vài năm, khi Việt Nam bắt đầu tham gia đàm phán TPP, đã rất nhiều doanh nghiệp FDI chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp từ Trung Quốc. Song, điều quan trọng là Việt Nam có thành công trong việc thu hút dòng vốn này hay không.
Cũng tại buổi Hội thảo, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho hay, các chuyên gia quốc tế đều cho rằng Việt Nam là nước được hưởng lợi nhất khi tham gia TPP. Theo đó, tất cả các ngành hưởng lợi lớn nhất khi tham gia TPP đều là ngành điển hình về chuỗi phát triển toàn cầu như dệt may, da giày, điện tử…ở một chừng mực nhất định là ngành nông sản.
Bên cạnh đó, TPP cũng tạo ra sự dịch chuyển “vô cùng lớn” về dòng vốn để cải tổ ngành nông nghiệp. Điều này sẽ tạo ra cơ hội tăng năng suất lao động, hiện đại hóa nông nghiệp và tích tụ đất đai. Ngoài ra, TPP còn mang lại sự phát triển chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị, gắn với nó là công nghệ, tiêu chuẩn và công nghệ thông tin hiện đại.
Còn ông Trần Đình Thiên cho hay, thông điệp lớn nhất mà TPP mang lại là đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp. “Đây là thông điệp rất cần để cải cách doanh nghiệp nhà nước vốn là xin cho nhiều và được nhiều ưu đãi”, ông Thiên nói.
Lo nhiều hơn mừng
Tham gia Diễn đàn, ông Trần Hải Nam, một giám đốc doanh nghiệp sản xuất cơ khí cho hay, không chỉ bản thân ông mà qua trao đổi với nhiều doanh nghiệp trong ngành thấy rằng, để đáp ứng được yêu cầu sản xuất thì doanh nghiệp có thể làm được nhưng để tìm đầu ra cho sản phẩm rất khó khăn. Doanh nghiệp thiếu thông tin thị trường của từng nước để biết được thị trường đó cần những mặt hàng gì.
“Nên chăng nhà nước hỗ trợ một số doanh nghiệp đủ lớn để chuyên làm công tác xuất nhập khẩu. Doanh nghiệp này có thể đặt trụ sở ở những nước TPP và thông tin lại cho các doanh nghiệp trong nước về nhu cầu hàng hóa của thị trường đó”, ông Nam nói và cho biết thêm, hiện các doanh nghiệp trong nước mới chỉ gia công cho các công ty nước ngoài với lợi nhuận rất mỏng và chịu nhiều rủi ro.
Còn ông Tạ Văn Ngọ, đại diện của Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, thì cho hay, qua trao đổi với các doanh nghiệp khác ông thấy rằng hiểu biết của họ về TPP là rất hạn chế. “Điều này là rất nguy hiểm vì các doanh nghiệp vừa và nhỏ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Hiệp định này”, ông Ngọ nói.
Tại một hội thảo cũng liên quan tới TPP diễn ra cuối tháng 1-2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng đã thẳng thắn bày tỏ những lo ngại của bà khi Việt Nam tham gia TPP. Theo bà Lan, nhìn vào quá trình 25 năm tham gia ASEAN, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 4 nước phát triển thấp của ASEAN, vẫn muốn nhận tiếp ưu đãi cho những nước phát triển thấp để có thể dần dần vượt lên và đuổi kịp các nước khác.
“20 năm đổi mới, cải cách phát triển mà chúng ta vẫn chấp nhận vui vẻ nằm cùng sân với Lào, Campuchia, Myanmar và thực tế mấy năm gần đây, những nước này đều đang vượt lên về tốc độ tăng trưởng so với Việt Nam. Vậy Việt Nam sẽ chấp nhận thân phận đó đến bao giờ?” bà Lan đặt câu hỏi.
Cũng theo bà Lan, điều tra gần đây cho thấy, Việt Nam chỉ tận dụng được khoảng khoảng 30% lợi ích của các FTA mang lại. “Trong 30% đó, tận dụng được tốt nhất, tôi nghĩ là các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam chứ chưa phải là doanh nghiệp trong nước. Hiện nay, 70% xuất khẩu của Việt Nam là ở trong tay doanh nghiệp FDI và thị phần xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cứ lùi dần so với các doanh nghiệp FDI”, bà Lan lo ngại và dẫn chứng thêm: “Năm 2015 chúng ta đang nói tăng trưởng kinh tế tốt đẹp nhưng số doanh nghiệp ngừng hoạt động cũng là kỷ lục mới 83.000 doanh nghiệp”.
Mặc dù vẫn còn nhiều ý kiến đồng tình cũng như lo lắng về hội nhập, đặc biệt là một sân chơi lớn với những tiêu chuẩn vô cùng khắt khe như TPP, nhưng theo như cách nói của ông Võ Trí Thành là để thay đổi, chúng ta phải bắt tay với những người giỏi nhất, chơi với những doanh nghiệp tốt nhất: “Khó khăn thách thức là vô cùng lớn nhưng phải tự tin. Nếu chưa chơi đã không tự tin là chúng ta sẽ thua”, ông Thành nói.
Theo Thùy Dung / thesaigontimes.vn