Theo ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch Việt Nam: Gia tăng trao đổi thương mại, đầu tư; tạo điều kiện đi lại; phát triển nguồn nhân lực; phát triển du lịch bền vững và có trách nhiệm… là những lợi thế cho du lịch khi Việt Nam tham gia vào TPP.
TPP sẽ gia tăng dòng du khách quốc tế đến Việt Nam
Đồng quan điểm với ông Đức nhiều chuyên gia phân tích, khi tham gia TPP, lĩnh vực du lịch của Việt Nam sẽ phát triển đáng kể do sự gia tăng của dòng khách nội khối tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. Việc nới lỏng điều kiện tự do đầu tư và di chuyển lao động giữa 12 nước sẽ giúp gia tăng nhu cầu đi lại tìm kiếm cơ hội đầu tư, việc làm và kết hợp du lịch; gia tăng dòng du khách quốc tế và tăng cường mật độ, quy mô các loại hình du lịch - kinh doanh, du lịch - hội họp (MICE) ngay trong nội khối TPP mà Việt Nam là một thành viên.
Không chỉ gia tăng trao đổi thương mại, đầu tư, nhờ TPP hoạt động du lịch còn có thêm điều kiện thuận lợi phát triển. Du khách quốc tế có cơ hội làm thủ tục thuận lợi, dịch chuyển nhanh và rẻ hơn bởi có những cam kết nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh trong khuôn khổ TPP…
Về vấn đề phát triển nguồn nhân lực, ông Đức cho hay, các thành viên TPP đều đồng ý thông qua và duy trì trong hệ thống văn bản pháp luật của mình quyền cơ bản của người lao động như được thừa nhận trong Tuyên bố 1998 của Tổ chức lao động quốc tế. Điều này sẽ giúp nâng cao điều kiện làm việc, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có lao động ngành du lịch. Cạnh tranh trong TPP tạo áp lực cạnh tranh buộc người lao động phải chủ động nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề, tinh thần liên kết gắn với các nhóm lao động đặc thù và lợi ích xã hội khác nhau. Xu thế chuyển dịch lao động nội khối vừa tạo cơ hội tìm kiếm việc làm mới, vừa gia tăng áp lực cho lao động ngành du lịch. Do vậy, phát triển thị trường lao động có tổ chức, chất lượng cao đang và sẽ ngày càng trở thành đòi hỏi bức xúc và công cụ đắc lực để hỗ trợ và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam nói chung và lao động ngành du lịch nói riêng.
Điều đáng nói là 5/12 nước thành viên của TPP đều nằm trong danh sách các nước đa dạng sinh thái hàng đầu thế giới siết chặt các yêu cầu về vệ sinh và môi trường sống, chống buôn bán động vật hoang dã,… do đó môi trường sống và cơ sở hạ tầng du lịch thiên nhiên sẽ được cải thiện hơn khi thực hiện cam kết trong TPP. Điều này thúc đẩy du lịch phát triển bền vững và có trách nhiệm.
Tuy nhiên, để có thể tận dụng các cơ hội, giảm thiểu rủi ro, thách thức trong tiến trình Việt Nam thực hiện các cam kết trong TPP, các chuyên gia cho rằng du lịch Việt Nam cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về cơ hội và thách thức có thể phải đối mặt trong tiến trình hội nhập nói chung và tham gia TPP nói riêng. Bên cạnh đó, phải chú trọng bước chuẩn bị để có thể phát triển sản phẩm phù hợp, hướng tới dòng khách kết hợp kinh doanh, khách MICE khi lưu chuyển thương mại, đầu tư, dịch vụ trong nội khối TPP được tạo ra. Tập trung vào chất lượng và hiệu quả khai thác khách du lịch hơn là số lượng. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi đi lại hơn cho khách du lịch, huy động thêm nguồn lực cho phát triển. Kết nối có hiệu quả giữa du lịch và các lĩnh vực khác như giao thông, hàng không, thương mại, ngoại giao. Đặc biệt chú trọng cải thiện điểm đến trong khu vực và quốc tế, xây dựng, định vị và quảng bá thương hiệu du lịch quốc gia, nâng cao chất lượng và đảm bảo môi trường du lịch…
Việc kinh tế Việt Nam tham gia sâu rộng vào kinh tế khu vực chắc chắn sẽ mang lại nhiều cơ hội cho du lịch Việt Nam. Song để thực sự nắm bắt được cơ hội, cần nỗ lực thực hiện những bước chuẩn bị nội tại; trong đó nâng cao năng lực cạnh tranh thực sự của du lịch và chuẩn bị, thực hiện thật tốt những yêu cầu, nội dung đã cam kết trong thỏa thuận hợp tác trong khuôn khổ là 2 vấn đề cần hết sức quan tâm - ông Đinh Ngọc Đức nhấn mạnh.
Thanh Tâm / baocongthuong.com.vn