“Cô ơi, chú ơi mua gì cho con đi” - giọng bé con non nớt, với anh mắt trong veo khiến anh Hiền không thể không dừng bước. Anh rút ví mua cho cô bé 2 túi mía chẻ sẵn, dù biết mình không có nhu cầu dùng đến.
Quầy hàng có bé gái đứng bán hàng khá phổ biến ở khu du lịch Thác Dải Yếm |
Không chỉ anh Hiền, mà rất nhiều du khách vừa chạm lối vào Khu du lịch Thác Dải Yếm, xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, Sơn La, đã ngay lập tức dừng chân mua đồ, khi nhìn thấy những cô bé gái xinh xắn, trong trang phục của người Thái trắng, ngồi khoanh chân bán hàng cất giọng mời chào trong trẻo.
Tuy nhiên, ngay sau đó, cảm xúc của anh Hiền bắt đầu vơi dần đi khi dọc theo đoạn dốc dài khoảng 500 mét để đến chân thác, anh lần lượt gặp khoảng 20 cô bé bán hàng như thế. Thậm chí có nhiều bé tỏ ra rất dạn dĩ, hễ thấy du khách là mời chào không ngớt, khách vừa giơ máy ảnh lên, em bé đã chỉnh khăn Piêu, cầm cành hoa ban tạo dáng rất chuyên nghiệp.
Nhanh nhẹn "tạo dáng" khi thấy ống kính của du khách hướng về phía mình |
Hầu hết các em chỉ ở độ tuổi 8-11 tuổi, nhiều em còn chưa biết tính tiền. Các em không bán hàng một mình mà thường có người lớn là anh, chị, cô bác, bố mẹ ngồi trông hàng cùng. Thông thường, người lớn sẽ lánh mặt hoặc ngồi phía trong, chỉ khi khách mua đông, hoặc có gì khách hỏi mà các bé không trả lời được thì người lớn mới xuất hiện.
Được biết, mấy năm gần đây, khi du lịch Mộc Châu được nhiều du khách biết đến, thì Thác Dải Yếm cũng trở thành một điểm đến hấp dẫn. Thấy khách đông, nhiều người dân xã Mường Sang đổ ra đây bán đồ lưu niệm và nông thổ sản của địa phương. Ban đầu, các em bé chỉ ngày nghỉ thì ra phụ giúp bố mẹ, nhưng khi nhận thấy các bé gái - đặc biệt là các bé gái mặc trang phục dân tộc - rất được du khách chú ý, các bé dần dần được đào tạo để trở thành người bán hàng chính.
Du khách tính tiền trả lại hộ cô bé bán hàng vì mệnh giá tiền lớn khiến cô bé bối rối |
Hiện tượng cho các em bé ra ngồi bán hàng, chèo kéo du khách, không chỉ bắt gặp ở Khu du lịch Thác Dải Yếm, mà còn ở rất nhiều khu du lịch, danh thắng khác trên cả nước như: Sa Pa (Lào Cai), Yên Tử (Quảng Ninh), Chùa Hương (Hà Nội), Thác Bản Dốc (Cao Bằng)… Đặc biệt, mấy năm gần đây, khá đông trẻ em là con em của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Thái…cũng gia nhập đội ngũ những người bán đồ lưu niệm, hương hoa, đồ ăn dọc theo các con đường vào khu du lịch, danh thắng.
Còn nhớ, trong hành trình đến với Sa Pa cách đây không lâu, một du khách người miền Nam lần đầu tiên đến với Sa Pa đã ngỡ ngàng khi trên đường đi xã Tả Van, tại điểm dừng để chụp ảnh, đoàn bị quây bởi nhóm trẻ người Mông tầm 5 đến 8 tuổi, có em còn đang cõng em nhỏ trên lưng. Trên tay mỗi đứa trẻ đều cầm những chiếc túi đựng điện thoại, ví, dây vải đeo tay có thêu hoa văn thổ cẩm… Vì đã mua mấy thứ đồ này trước đó, nên khi được các bé mời chào, du khách từ chối không mua. Ngay lập tức, lũ trẻ đồng thanh: “Không mua thì cho tiền chia nhau”. Và khi du khách giơ máy lên chụp ảnh, lũ trẻ lại đồng thanh: “Không cho tiền, không cho chụp ảnh”. Nói rồi chúng tản ra xa ống kính và thản nhiên nói “No goodbye”, khi du khách nói “Goodbye”…
Sẵn sàng phản ứng khi du khách không mua hàng hoặc không cho tiền |
Đến nay, vẫn chưa có con số thống kê chính xác về số lượng các em bé bỏ bê, sao nhãng việc học hành để đi bán hàng tại các khu du lịch. Tuy nhiên, hiện tượng này khiến không ít du khách ái ngại, đặc biệt là các du khách nước ngoài. Thay vì học tập, trông em, đỡ đần việc nhà cho cha mẹ…, vì miếng cơm, manh áo, vì cả những định hướng, ép buộc thiếu đúng đắn của người lớn, những đứa trẻ đáng thương đã phải tận dụng sự non nớt, hồn nhiên của mình để “hút” khách, đẩy tuổi thơ trôi qua trong nhọc nhằn, toan tính.
Rõ ràng, trong hành trình khám phá “vẻ đẹp tiềm ẩn” của Việt Nam, hẳn mỗi du khách sẽ thấy non nước Việt Nam đẹp hơn khi bớt đi những hình ảnh trẻ em lăn lộn mưu sinh sớm như thế…