Trong tổng số 5,2 tỷ USD kiều hối đổ về TP.HCM năm 2017 có đến 22% đổ vào bất động sản, khoảng 1,14 tỷ USD.
Theo báo cáo nhận định thị trường bất động sản năm 2017 và xu hướng năm 2018 của Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), trong năm 2017, tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng khoảng 19%, tăng nhẹ so với năm 2016 là 18,71%. Trong đó, tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực xây dựng, bất động sản giảm nhẹ, chỉ chiếm 15,8% tổng dư nợ tín dụng so với năm 2016 đạt 17,1%.
Tại TP.HCM, tín dụng tăng trưởng ước đạt khoảng 18,5%, cũng giảm so với năm 2016 là 19,3%. Trong đó, cho vay lĩnh vực bất động sản chiếm 10% tổng dư nợ.
Riêng dư nợ cho vay hỗ trợ nhà ở cho 10.260 cá nhân, hộ gia đình đạt khoảng 5.244 tỷ đồng, góp phần cải thiện nhà ở cho các đối tượng này.
Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với doanh nghiệp bất động sản trong khoảng 9-11%/năm.
Chính phủ đã có Nghị quyết 46/NQ-CP ngày 09/06/2017 chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước "xem xét, đề xuất chính sách tín dụng hỗ trợ tiêu dùng, nhà ở", tuy nhiên do đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, nên doanh nghiệp bất động sản vẫn rất khó tiếp cận nguồn tín dụng mới.
Theo HoREA, lượng kiều hối về thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 đạt khoảng 5,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2016, trong đó, có khoảng 22% lượng kiều hối được đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, tương ứng với 1,14 tỷ USD (khoảng 26.000 tỷ đồng quy đổi).
Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và tỷ lệ giải ngân vốn FDI tăng cao nhất trong 10 năm qua. Trong đó, FDI vào thị trường bất động sản đứng thứ 3 trong toàn quốc và đứng thứ 2 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam, vào thành phố Hồ Chí Minh, và vào thị trường bất động sản; Hàn Quốc đứng thứ 2 (chỉ thấp hơn Nhật Bản 1,7%).
Hoàng Anh / BizLIVE