Theo HSBC trong báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam với chủ đề “Triển vọng thị trường Việt Nam: Ngành sản xuất vẫn đi đầu”, tăng trưởng kinh tế tăng trong quý IV/2016 đạt 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu nhờ vào ngành sản xuất.
Ngành sản xuất vẫn đi đầu
Trong nửa đầu năm 2016, nền kinh tế tăng trưởng thấp hơn 6% so với cùng kỳ năm trước. Sau đó, GDP tăng trưởng nhanh. Trong quý IV.2016, tăng trưởng kinh tế đạt 6,8% so với cùng kỳ năm trước như kỳ vọng của chúng tôi để đưa tốc độ tăng trưởng cả năm đạt 6,2% (trong năm 2015 đạt 6,7%).
Ngành sản xuất vẫn là yếu tố quan trọng đưa Việt Nam đạt được tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Việt Nam tiếp tục giành thị phần toàn cầu ở một số mặt hàng trọng điểm, từ quần áo đến mặt hàng điện tử, phản ánh phần nào sự hội nhập của nền kinh tế trong nước vào chuỗi cung ứng khu vực của các công ty đa quốc gia. Lực lượng lao động có năng lực cạnh tranh cao của Việt Nam cũng là yếu tố thu hút quan trọng ở đây, giúp Việt Nam giải ngân dòng vốn FDI đạt kỷ lục trong năm 2016. Các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu đến từ ba nước Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Nói chung, các chỉ số kinh tế vĩ mô đều khá lạc quan. Nhưng câu hỏi vẫn còn đặt ra là “làm sao để Việt Nam phát triển bền vững?”. Để trả lời câu hỏi này, đầu tiên chúng ta phải thừa nhận tầm quan trọng của chi tiêu công ở Việt Nam. Nếu không tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế tốc độ nhanh sẽ không thể bền vững. Tăng trưởng chi tiêu công mạnh mẽ cũng là nền tảng trong việc giữ nhu cầu trong nước sôi nổi. Chi tiêu công (và các chính sách thuế) chính vì vậy cũng rất quan trọng.
Tuy nhiên, các tài khoản của Chính phủ hơi căng trong thời điểm hiện tại, càng nhấn mạnh sự cần thiết phải cải tổ tài chính công. Điều này bao gồm việc bán cổ phần Nhà nước trong các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), một quá trình giúp tăng doanh thu, giảm những gánh nặng chi phí tiềm năng trong tương lai như các khoản trợ cấp, và nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp Nhà nước.
Trong một quyết định gần đây, Chính phủ công bố tổng tỷ lệ sở hữu Nhà nước trong “các doanh nghiệp” được yêu cầu cổ phần hóa (hoặc tư nhân hóa). Trước đó, tỷ lệ này đã được xác định theo “lĩnh vực” dẫn đến việc thoái vốn thấp. Tốc độ thoái vốn nhanh hơn sẽ mở ra cho Chính phủ nhiều cơ hội tài khóa giúp kích thích các hoạt động kinh tế. Mặc dù chỉ là một động thái nhỏ nhưng quyết định trên đã nhấn mạnh quyết tâm của Chính phủ muốn làm sâu sắc thêm các quá trình cải cách cơ cấu, từ đó có thể cải thiện các triển vọng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.
Tăng trưởng kinh tế: đạt mục tiêu
Mặc dù có một khởi đầu không mấy suôn sẻ trong năm 2016 nhưng tăng trưởng kinh tế đã lấy lại đà vào nửa sau của năm 2016, đạt 6,8% trong quý IV so với cùng kỳ năm ngoái từ mức dưới 6% trong thời kỳ đầu năm. Sản xuất nông nghiệp đã ổn định hơn sau đợt hạn hán nặng nề, trong khi sản lượng ngành khai khoáng mỏ và khai thác đá có sản lượng giảm. Tuy nhiên, điều này lại được bù đắp bởi tăng trưởng của ngành sản xuất cao. Hoạt động xây dựng cũng đã phục hồi phản ánh hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng đang diễn ra và thị trường nhà đất đang mạnh mẽ.
Trong tháng 12, sản xuất công nghiệp tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức 7,4% trong tháng 11. Tăng trưởng hai con số trong ngành sản xuất chế tạo chiếm 75% tổng sản lượng công nghiệp, đã giúp bù đắp cho sản lượng ngành khai thác mỏ và khai thác đá tụt dốc mạnh. Kết quả khảo sát chỉ số PMI ngành sản xuất cũng rất hứa hẹn. Chỉ số PMI tháng 12 đạt 52,4 điểm đã phản ánh sự cải thiện bền vững các điều kiện hoạt động của ngành. Đơn đặt hàng mới tăng, bao gồm cả đơn đặt hàng xuất khẩu mới giúp hoạt động sản xuất tăng theo. Niềm tin trong lĩnh vực sản xuất tiếp tục được củng cố nhờ vào các quyết định tuyển dụng thêm nhân viên và tích lũy hàng tồn kho – cả hàng chuẩn bị sản xuất và thành phẩm – của các doanh nghiệp.
Tất cả những tín hiệu trên thể hiện những mong muốn có nhu cầu cao hơn và từ đó tăng trưởng kinh tế mạnh hơn trong các quý tới.
Tính đến 26/12/2016, nguồn vốn FDI trị quá 15,8 tỷ USD đã được giải ngân – nhiều hơn khoảng 9% so với năm 2015. Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore là ba nước đóng góp nhiều nhất vào nguồn vốn này. Tổng kết có khoảng 19 lĩnh vực được nhận nguồn vốn FDI nhưng ngành sản xuất vẫn là đơn vị nhận được nhiều nhất.
Cải cách tư nhân hóa nhận được sự hỗ trợ trong bối cảnh nợ công ngày càng tăng
Ở Việt Nam chắc chắn vẫn tiếp tục có nhu cầu đầu tư công vào cơ sở hạ tầng nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đi lên. Và cũng tương tự đối với nhu cầu trong nước cũng cần được củng cố đáng kể bằng sự tăng trưởng tín dụng và tiêu dùng Chính phủ nhanh, mà nếu không được kiểm soát có thể tạo ra những thách thức trong thời kỳ trung hạn. Mặc dù việc tập trung vào hiệu quả trong chi tiêu Chính phủ và thu thuế đã tăng lên nhưng nợ công vẫn phải chịu nhiều áp lực. Phần lớn các khoản nợ này là dạng cho vay hỗ trợ phát triển dài hạn mà nhiều khả năng ảnh hưởng đến sự chuyển đổi kinh tế từ một nước thu nhập thấp sang một nước thu nhập trung bình. Nhưng một phần của các khoản vay này cần được tái tài trợ ở trên thị trường vốn quốc tế tại thời điểm mà lãi suất của Mỹ dự kiến sẽ tăng.
Chính vì vậy, cải cách xung quanh tài chính công không nên chỉ bao gồm quản lý hiệu quả hơn các nguồn quỹ công và quản lý tốt hơn các khoản nợ, mà còn phải cổ phần hóa nhanh (hoặc tư nhân) các doanh nghiệp Nhà nước. Tỷ lệ thoái vốn trung bình hiện tại ở các doanh nghiệp Nhà nước là 8%. Nói cách khác, Nhà nước vẫn nắm giữ 92% vốn điều lệ sau cổ phần hóa.
Nhưng cải cách tư nhân có một sự tác động khi ngày 28/12/2016 một quyết định mới được ban hành, theo đó Chính phủ công bố tỷ lệ tổng sở hữu nhà nước trong “các doanh nghiệp” được lên danh sách cổ phần hóa. Trước đó, Chính phủ chỉ quy định tỷ lệ sở hữu nhà nước theo ngành mà không quy định cụ thể các doanh nghiệp nhà nước nào dẫn đến việc thoái vốn thấp.
Ngoài ra, quyết định cũng đã liệt kê 103 doanh nghiệp mà Nhà nước sẽ nắm giữ 100% cổ phần và khoảng 137 doanh nghiệp sẽ được cổ phần hóa trong giai đoạn 2016-2020. Trong số những doanh nghiệp được cổ phần hóa, Nhà nước sẽ nắm giữ trên 65% vốn điều lệ trong bốn doanh nghiệp, giữ 50-65% trong 27 doanh nghiệp, và ít hơn 50% vốn trong 106 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động trong các lĩnh vực như quốc phòng, an ninh, điện hạt nhân, và in tiền sẽ không được cổ phần hóa. Quyết định này thay thế cho các quyết định trước và có hiệu lực từ ngày 15.2.2017. Theo quan điểm của chúng tôi, điều này có thể sẽ đẩy nhanh quá trình thoái vốn.
Ngọc Nhi / DĐDN