Sau 2 năm suy thoái, Vua tôm Minh Phú vừa ghi nhận khoản lợi nhuận năm 2017 tăng gấp 8 lần so với năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức chờ "vua tôm" trên con đường lấy lại "ngai vị" của mình.
Ảnh minh họa. |
"Gượng dậy" sau khó khăn
Năm 2017, MPC đạt sản lượng 55.775 tấn, tăng 31,4% so với năm 2016 và hoàn thành 0,86% so với kế hoạch. Kim ngạch xuất khẩu đạt 692,5 triệu USD, tăng 30,5% so với năm 2016 và vượt 1,7% kế hoạch. Tổng doanh số đạt hơn 16.800 tỷ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ và vượt 6,8% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 841 tỷ đồng, tăng gần 8 lần so với năm trước nhưng chưa hoàn thành kế hoạch được ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 thông qua.
Theo ban điều hành Minh Phú, nguyên nhân không đạt được kế hoạch lợi nhuận một phần do những tháng đầu năm 2017 tình hình nguyên liệu của ngành tôm là khó khăn. Đồng thời, các nước như Ấn Độ, Indonesia có giá tôm nguyên liệu rẻ hơn Việt Nam rất nhiều nên để cạnh tranh được, công ty phải giảm biên lợi nhuận. Hơn nữa, công ty còn một phần tồn kho giá cao của năm 2016 ảnh hưởng tới biên lợi nhuận
Theo tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào ngày 9/3, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú sẽ xin ý kiến cổ đông thông qua kế hoạch hủy niêm yết giao dịch cổ phiếu MPC trên sàn UPCoM. Thay vào đó, ban lãnh đạo công ty sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp để thực hiện thủ tục niêm yết lần thứ hai tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE).
Động thái này cho thấy quyến tâm xuất hiện trở lại trên bảng điện tử HoSE của Minh Phú sau ba năm hủy niêm yết tự nguyện vì thị giá không phản ánh đúng giá trị thực khiến quá trình phát hành thêm cổ phiếu gặp khó khăn. Đây là một trong những cam kết của ban lãnh đạo công ty khi rời sàn, bên cạnh việc tìm kiếm đối tác chiến lược và tái cơ cấu theo hướng chuyên nghiệp hóa hoạt động bán hàng nội địa và xuất khẩu.
Trong phiên họp thường niên sắp tới, Minh Phú cũng trình đại hội đồng cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 700 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng. Công ty dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, thưởng cổ phiếu cho cán bộ chủ chốt và phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư cam kết gắn bó lâu dài.
Phương án tăng vốn dự kiến kéo dài trong hai năm, 2018 và 2019. Ban lãnh đạo công ty nhận trách nhiệm cân đối khoản tiền thu được từ các đợt phát hành để tăng cường năng lực tài chính và bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bước sang 2018, kế hoạch kinh doanh tham vọng hơn được Hội đồng quản trị MPC đề xuất với cổ đông là kim ngạch xuất khẩu hợp nhất đạt 800 triệu USD tăng 15%; sản lượng dự kiến đạt 63.000 tấn tôm thành phẩm, tăng 13%; tổng doanh thu thuần hợp nhất 18.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 990 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 39% so với kết quả thực hiện năm trước.
Liệu có bền vững?
Mặc dù báo cáo lợi nhuận đột biến trong năm 2017, tuy nhiên bản thân Vua tôm vẫn còn những mối lo chưa được giải toả. Đặc biệt, lợi nhuận của Minh Phú vẫn thiếu tính ổn định dù doanh thu trên đà tăng trưởng đều đặn. Đặc biệt trong 6 năm gần nhất, lơi nhuận của Minh Phú có xu hướng tăng mạnh rồi giảm đột ngột trong 2 năm tiếp theo. Điều này bên cạnh sự yếu tố thị trường thì bản thân nội tại doanh nghiệp chưa thực sự mạnh mẽ cũng là nguyên nhân dẫn đến sự bấp bênh của doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường tôm tại Việt Nam .
Bên cạnh đó, dù ghi nhận có lãi lớn trong năm 2017 nhưng dòng tiền kinh doanh âm và nợ vay thì không được cắt giảm. Báo cáo tài chính quý IV/2017 cho thấy, đến 31/12/2017, doanh nghiệp này có tổng nguồn vốn kinh doanh gần 9.500 tỷ đồng. Trong đó, các khoản nợ phải trả đang chiếm phần lớn với 6.500 tỷ đồng. Đặc biệt là khoản nợ vay phải trả lãi tổng cộng 5.500 tỷ đồng. Trong những năm qua, chi phí tài chính của Minh Phú chiếm rất lớn trong tổng chi phí. Đây là ẩn số lớn khiến cho tình hình kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn khi thị trường không thuận lợi.
Năm 2015, "vua tôm" đã rút khỏi niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh với tham vọng tìm đối tác ngoại để bán một nửa cổ phần nhằm thực hiện chiến lược mở rộng kinh doanh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam. Nhưng thực tế Minh Phú đã phải trải qua 2 năm liền suy thoái. Năm 2015, 2016, vua tôm chỉ lãi tượng trưng trước khi có sự đột phá năm 2017 nhờ sự sôi sục của thị trường Trung Quốc.
Thêm một nghi ngại nữa đối với vua tôm Minh Phú đó là năm 2017 được đánh giá là năm có nhiều thuận lợi của doanh nghiệp này, nhưng hoạt động xuất khẩu còn phải chịu cạnh tranh từ những nước khác (đặc biệt là Ấn Độ và Indonesia) và rào cản thương mại từ các nước nhập khẩu ngày càng phức tạp khiến chi phí bán hàng và kiểm soát chất lượng tăng lên. Điều này khiến doanh thu và lợi nhuận lần lượt tăng trưởng 40% và 770% nhưng vẫn không đủ hoàn thành kế hoạch đề ra hồi đầu năm.
Tiến Minh / VnExpress