Theo ông Ngô Tiến Đức, Giám đốc Điều hành Lux Group, toàn bộ nhân viên công ty chỉ nhận 50% đến 70% lương trong tháng 3 và sẽ tiếp tục nhận thấp hơn thậm chí không lương trong những tháng tới nếu dịch bệnh kéo dài đến tháng 6. Tỷ lệ nhân viên nghỉ làm hoặc nghỉ không lương khoảng 30%.
Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng của ngành du lịch do dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại, đặc biệt vào thời điểm Việt Nam đã tạm miễn thị thực với tất cả du khách châu Âu. Hãy xem các doanh nghiệp trong ngành du lịch tìm cách biến "cái khó" thành "cái khôn" như thế nào.
Chỉ tính riêng trong tháng 3/2020 khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên thế giới và có dấu hiệu lan rộng ở Việt Nam, Công ty Du lịch Hoàn Mỹ (TP. HCM) với 120 nhân viên đã buộc phải cho nghỉ việc 40 nhân viên. Dự kiến, công ty sẽ cho nghỉ tiếp 30 nhân viên nữa trong tháng 4. Toàn bộ tour Mỹ, Canada, châu Âu và Úc – các thị trường trọng điểm của Hoàn Mỹ – đều đã bị hủy.
"Phải sống" để tái định vị
Theo ông Nguyễn Thế Khải, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty Du lịch Hoàn Mỹ, doanh thu công ty ông sụt giảm đến 95% tính đến thời điểm này của tháng 3. Cụ thể, trước khi có dịch doanh thu của Hoàn Mỹ đạt bình quân khoảng 25 tỷ đồng/tháng thì bây giờ sụt giảm mạnh chỉ còn khoảng 1 tỷ đồng. Để so sánh, năm 2018 chỉ riêng doanh thu các tour Mỹ của Hoàn Mỹ đã đạt 250 tỷ đồng.
Ông Khải ngao ngán nói: "Bây giờ tôi phải bán dần bất động sản để nuôi nhân viên".
Ông Nguyễn Thế Khải, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Công ty Du lịch Hoàn Mỹ
Du lịch Hoàn Mỹ ra đời năm 1997, là hãng lữ hành chuyên tour Mỹ cao cấp với mức tăng trưởng doanh thu năm 2018 đạt 150% và mức tăng trưởng khách hàng đạt 127%. Chọn cho mình thị trường ngách chuyên biệt là tour Mỹ cao cấp, tập trung phục vụ nhóm khách hàng trung niên, hưu trí và có mức thu nhập cao, công ty này cho biết họ có tập khách hàng trung niên ở độ tuổi trung bình từ 45 trở lên, có tiền và muốn được phục vụ chu đáo. Dịch bệnh bỗng ập đến khiến toàn bộ nguồn khách outbound chịu chi của công ty phải hủy hết các tour du lịch Mỹ đã lên lịch, đồng nghĩa công ty mất một nguồn thu rất lớn.
Chẳng lẽ bó tay trước khó khăn, ngồi nhìn dịch bệnh và… thở dài? Không! Ông Nguyễn Thế Khải cho biết dù thị trường có ảm đạm đến đâu thì yêu cầu đầu tiên là "Phải sống". Giống như bộ phim nổi tiếng cùng tên của đạo diễn Trung Quốc Trương Nghệ Mưu năm 1994, ông Khải bắt tay ngay lập tức vào chiến lược tái cấu trúc công ty và tái định vị tập khách hàng mới để nắm bắt cơ hội ngay từ bây giờ, chờ dịch bệnh qua đi là đưa doanh nghiệp của mình trở lại đường ray phát triển mạnh mẽ hơn.
Vị doanh nhân lão luyện chỉ đạo cộng sự tiến hành chọn lọc khách hàng 20/80, chọn lọc nhân viên cũng theo tỷ lệ 20/80, nghĩa là không cần đông khách và đông nhân viên.
"Chỉ cần tinh tuý hơn, cảm xúc nhiều hơn, margin (biên lợi nhuận) lớn hơn", ông Khải tiết lộ với Trí Thức Trẻ.
Không phục vụ khách đại trà, giữ quyền từ chối khách hàng mất lịch sự, như có lần ông đã chia sẻ với độc giả Trí Thức Trẻ công ty sẽ xây dựng mức giá cao hơn để chọn lọc khách hàng đẳng cấp hơn. Ngoài ra, số lượng khách cho từng tour sẽ ít hơn, chỉ khoảng từ 4-6-8 khách và đặc biệt tất cả phải là trong nhóm bạn bè, không làm khách ghép bên ngoài mà chỉ nhận làm tour theo ý thích của từng nhóm khách hàng.
Chiến lược mới được vị chủ tịch lớn tuổi đưa ra sau nhiều đêm trăn trở về hướng đi mới cho doanh nghiệp mình, trong bối cảnh dịch bệnh đã đẩy nhiều hãng lữ hành vào cảnh "chết lâm sàng". Theo ông Khải, trong tương lai công ty sẽ chỉ đưa ra một số mẫu tour cho khách tự chọn (ngày đi, chương trình, chỗ nghỉ, chỗ ăn..).
"Các sản phẩm du lịch của Hoàn Mỹ sẽ khác biệt và cá nhân hơn, dành cho nhóm khách elite (tinh hoa) hơn, có tiền, có văn hoá và biết giá trị trải nghiệm của chuyến đi", ông Khải chia sẻ. Và ông tin tưởng hướng đi mới đầy khác biệt sẽ giúp công ty lấy lại khách hàng cũng như chọn lọc được nguồn khách chất lượng.
Cơ hội để du lịch Việt Nam tự nhìn lại mình
Ngành du lịch đang gồng mình hứng chịu cú "sốc" thật sự và đa số doanh nghiệp lữ hành đã đuối sức. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây là cơ hội tốt để du lịch Việt Nam tự nhìn lại mình và sửa mình. Nhìn lại sự phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây của du lịch Việt Nam, có thể thấy bức tranh chung là sự phát triển "nóng" và không có tính bền vững cùng với tình trạng xây dựng ồ ạt phá vỡ thiên nhiên (Sa Pa, Đà Lạt). Lấy ví dụ dễ nhìn thấy là tình trạng "chặt chém" khách quốc tế ở nhiều điểm du lịch mà báo chí đã nhiều lần phản ánh.
Trong khi đó với ngành khách sạn, vấn đề lớn nhất là hệ số lợi nhuận/doanh thu ngành quá thấp, chi phí thuê mặt bằng và cơ sở vật chất cao đến mức phi lý. Ví dụ, một khách sạn nằm trên phố Lò Sũ (Hà Nội) có số lượng 25 phòng có giá thuê mặt bằng khoảng 20.000 USD đến 25.000USD/tháng. Nếu chia giá thuê 1 phòng cho 1 tháng sẽ có mức giá dao động từ 700USD đến 800USD/phòng. Thường chi phí cải tạo cho mỗi phòng khách sạn nếu đẹp chủ khách sạn phải đầu tư từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng/phòng. Như vậy chi phí đầu tư ban đầu mất khoảng 6 tỷ đồng đến 8 tỷ đồng.
Về chi phí vận hành, với sự cạnh tranh về dịch vụ như hiện nay các chi phí đều ở mức rất cao (lương nhân viên, tiền điện nước Internet, bữa sáng của khách...). Mức vốn đầu tư và vận hành rất lớn như vậy nhưng giá phòng lại chỉ bán được từ 45USD đến 60USD/phòng/đêm. Như vậy tính ra lợi nhuận của một khách sạn ở phố cổ Hà Nội như hiện nay (chưa trừ chi phí khấu hao) rơi vào khoảng 15% với điều kiện đạt công suất phòng khoảng 95%, còn nếu dưới 95% chưa chắc đạt được tỷ lệ này. Nếu tính cả chi phí khấu hao áp dụng với thời gian 5 năm và lãi ngân hàng thì chỉ còn vài phần trăm.
"Với mức lợi nhuận này thì tôi nói thật chỉ vài tháng làm ăn thất bát là "đi tong" lợi nhuận cả năm ngay", chủ một khách sạn tư nhân ở Hà Nội nói với Trí Thức Trẻ.
Hầu hết các khách sạn tư nhân 2, 3, 4 sao ở khu trung tâm Hà Nội và TP. HCM nơi tập trung nhiều du khách đều rơi vào tình trạng phải sử dụng đòn bẩy tài chính và không có trích lập dự phòng trong khi năng lực quản trị yếu và không sở hữu bất động sản mà phải đi thuê. Các khách sạn này cần tái cấu trúc, thu hẹp quy mô phù hợp với năng lực tài chính và định hướng lại con đường phát triển.
"Quả cầu pha lê"
"Covid là mùa rất lạ, vì nó như quả cầu pha lê soi rọi và phản chiếu chân thực nhất, rõ ràng nhất về thái độ, tinh thần, sự cam kết, và khả năng của từng team, từng nhân viên. Ta có vẫn kiên cường nghĩ ra, làm cho được một thứ gì đó mới mỗi ngày để giúp doanh nghiệp tồn tại?" Một bài viết trên trang cá nhân được bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia franchise và tác giả sách nổi tiếng, chia sẻ gần đây đã nhận được 642 Likes và 92 lượt Shares. Bà Vân ví căn bệnh quái ác đang khiến cả thế giới hoảng loạn như một món đồ vật quý – quả cầu pha lê. Vậy quả cầu này có tác dụng ra sao?
Bà Nguyễn Phi Vân
Bà lý giải: "Đây là giai đoạn của "fast prototyping" – làm mẫu thử cực nhanh, "piloting" – thử nghiệm thật nhanh rồi hiệu chỉnh theo thực tế. Chưa bao giờ trong lịch sử kinh doanh mà sức ép của hoàn cảnh, môi trường lại sống còn đến thế. Và ở đó, chỉ có một thứ có thể giúp cho ta, cho team, cho tổ chức vượt qua. Đó là thái độ và khả năng ứng phó. Là lãnh đạo, "Don’t take no for an answer" – Đừng bao giờ chấp nhận câu trả lời không làm được từ bất kỳ ai, vì bất kỳ hoàn cảnh gì. "There is always a way" – Luôn có con đường, cách làm, hướng giải quyết cho tất cả mọi vấn đề. Luôn có câu trả lời nếu ta nhất quyết phải tìm ra, dù nhân viên nói không, dù người xung quanh nói không. Nếu họ nói không, đã không còn là team cùng chiến tuyến".
Nhân viên doanh nghiệp lữ hành chỉ nhận 50-70% lương, thậm chí không lương nếu dịch bệnh kéo dài
Chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 4/2020, tỷ lệ hủy tour dự tính của Lux Group, một doanh nghiệp lữ hành lớn ở Hà Nội, có thể lên đến 65%. Khoảng 20% khách đang cân nhắc việc hủy tour hoặc thay đổi kế hoạch, 15% tỷ lệ khách đã chuyển ngày tour sang giai đoạn khác. Từ cuối tháng 3 trở đi do dịch bệnh lên tới đỉnh điểm và các quốc gia đều đóng cửa biên giới nên 100% tour của công ty đều bị hoãn hủy. Những số liệu này được ông Ngô Tiến Đức, Giám đốc Điều hành Lux Group, chia sẻ với Trí Thức Trẻ qua e-mail.
Chưa hết, toàn bộ nhân viên công ty chỉ nhận 50% đến 70% lương trong tháng 3 và sẽ tiếp tục nhận thấp hơn thậm chí không lương trong những tháng tới nếu dịch bệnh kéo dài đến tháng 6. Tỷ lệ nhân viên nghỉ làm hoặc nghỉ không lương khoảng 30%, trong khi chỉ riêng công ty thành viên Luxury Travel doanh thu sụt giảm khoảng 1,2 triệu USD. Các công ty Emperor Cruises và Heritage Cruises (hai du thuyền sang trọng hoạt động trên vịnh Hạ Long và vịnh Lan Hạ) cũng thiệt hại về doanh số đến nay khoảng 1 triệu USD.
"Cả Lux Group ước tính hết tháng 3 sẽ thiệt hại khoảng 3 triệu USD về doanh số", ông Đức cho biết.
Ông Ngô Tiến Đức, Giám đốc Điều hành Lux Group
Thị trường chính của Luxury Travel, Emperor Cruises và Heritage Cruises là các nước châu Âu, Mỹ, Úc cũng là những nước đang gánh chịu hậu quả nặng nề từ dịch Covid-19. Đối mặt với thảm họa này thái độ và khả năng ứng phó của ban lãnh đạo Lux Group như thế nào? Ông Đức khẳng định toàn bộ ban lãnh đạo và nhân viên công ty xác định phải chung lưng đấu cật bằng mọi giá "sống sót" qua cơn sóng to gió lớn này.
Theo ông Đức, bên cạnh việc tinh giản bộ máy, tái cơ cấu công ty thì các doanh nghiệp du lịch – nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 – có nhiều kiến nghị đối với Chính phủ.
- Giảm các loại thuế doanh nghiệp như: thuế đất, thuế môn bài, miễn giảm thuế VAT cho đến hết năm 2020 để doanh nghiệp nhanh chóng hồi phục sau dịch, miễn các loại phí như BHXH, cho phép doanh nghiệp lữ hành tạm nhận lại khoản tiền thế chấp ngân hàng để đăng ký hoạt động lữ hành...
- Hỗ trợ miễn giảm các phí dịch vụ như: điện, nước, môi trường...
- Miễn giảm phí, vé tham quan tại các điểm tham quan, khu du lich, di tích, bảo tàng, vé thăm vịnh...
- Miễn visa 15 - 30 ngày cho khách du lịch từ tất cả các quốc gia đến Việt Nam để kích cầu du lịch.
Ngoài ra, theo Lux Group, các ngân hàng thương mại cần sớm miễn giảm lãi suất ngân hàng và giãn thời gian thanh toán gốc và lãi cho các khoản vay ngắn, trung và dài hạn theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước trước khi nhiều doanh nghiệp lữ hành rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán và thậm chí phá sản. Các gói cho vay hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng của Covid 19 cần được áp dụng ngay với những điều kiện thông thoáng để doanh nghiệp có thể tiếp cận được.
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để ban lãnh đạo công ty nhìn lại mình để tái cơ cấu doanh nghiệp cả về cấu trúc nhân sự lẫn tài chính. Về nhân sự, chúng tôi đã rà soát và đánh giá lại từng vị trí, phòng ban để đảm bảo bộ máy tinh giản và hiệu quả nhất – việc mà trong thời gian vài năm qua chúng tôi chưa bao giờ phải nghĩ đến. Trước hết, trong thời gian dịch bệnh này, mô hình làm việc tại nhà (work from home) được chúng tôi sử dụng với toàn bộ công ty. Các công cụ quản lý công việc, giao việc và họp trực tuyến được sử dụng để nâng cao hiệu quả công việc. Các đội nhóm sẽ làm việc trực tuyến theo lịch định trước. Các buổi training kiến thức về sản phẩm, tuyến điểm, quy trình công việc và kỹ năng cho cả công ty hoặc theo chủ đề được chúng tôi thực hiện thường xuyên và theo lịch. Về tài chính, các khoản chi phí từ hành chính, vận hành đến marketing đều được rà soát lại để tối ưu hóa. Tất cả vì một mục tiêu chung là tối ưu cả về nhân sự và chi phí để công ty vượt qua giai đoạn khó khăn này và phát triển mạnh hơn sau dịch.
Bà Cao Thị Thủy, CEO Công ty du lịch Travelink cho biết, công ty bà có 17 nhân viên thì hiện nay 100% đã nghỉ ở nhà và lĩnh 50% lương. Bà Thủy đang tính đến một số ngành nghề kinh doanh mới để thực hiện trong lúc chờ đại dịch được Chính phủ khống chế. Giám đốc Marketing một khu nghỉ 5 sao có mức lương 9 con số thì nửa đùa nửa thật rằng anh đang cân nhắc việc đăng ký… Grab để có thu nhập trong thời gian khu nghỉ anh làm việc đã đóng cửa vì không có khách.
Trong giai đoạn bất định này làm gì cũng khó, nhưng khó nhất vẫn là chuyện nhân sự, theo bà Nguyễn Phi Vân.
"Ai sẽ là người cùng ta hành trình hậu Covid? Câu trả lời đang bày ra trước mắt như quả cầu pha lê hôm nay đây, trong lúc khó khăn này", bà Vân kết luận bài viết trên trang Facebook cá nhân.
Suy cho cùng, "Cái khó ló cái khôn" là phẩm chất đặc biệt của người Việt, chỉ cần các doanh nghiệp trụ vững qua giông bão và luôn nhìn về phía trước một cách lạc quan.
Hà Nội hiện có gần 3.500 cơ sở lưu trú với gần 61.000 buồng. Tính đến những ngày đầu tháng 3/2020, số lượng du khách hủy phòng đã đặt là hơn 80.613 lượt, tổng số ngày hủy đặt phòng là 57.652 ngày (Tiền Phong) Theo nghiên cứu ban đầu của Công ty Kiểm toán và Tư vấn Grant Thornton Việt Nam, công suất phòng của các khách sạn ở Hà Nội và TP.HCM đã sụt giảm từ 20% - 50% khi xảy ra dịch Covid-19. Các điểm đến du lịch quan trọng của Việt Nam như Sapa, Đà Nẵng, Nha Trang hay các công ty lữ hành tại TP.HCM, Vịnh Hạ Long cũng đều ghi nhận mức sụt giảm khoảng 50% công suất so với trước khi có dịch. |