Có một Việt Nam như thế, có một nền văn hóa như thế: mộc mạc, khiêm nhường, chịu khó và nhân hậu – đó chính là tính cách sẽ đưa dân tộc này vượt qua những tháng ngày đầy khó khăn, thử thách của đại dịch toàn cầu Covid này.
Có một Việt Nam như thế, có một dân tộc như thế, có một nền văn hóa như thế: mộc mạc, khiêm nhường, chịu khó và nhân hậu – đó chính là tính cách sẽ đưa dân tộc này vượt qua những tháng ngày đầy khó khăn, thử thách của đại dịch toàn cầu Covid này.
Tính đến ngày 18/3 trên lãnh thổ Việt Nam đã có 76 trường hợp bệnh nhân dương tính với virus Corona, trong đó 16 trường hợp đã được chữa khỏi trong giai đoạn trước.
Tôi trộm nghĩ thế này: trong số hơn 180 ngàn ca mắc virus Corona ở nước ngoài (tính đến hôm nay) không thấy thông tin có bao nhiêu trường hợp là công dân Việt Nam? Qua báo chí trong nước, tôi mới chỉ nghe thấy có một trường hợp đã từng được điều trị ở Trung quốc và hình như có một trường hợp được điều trị ở Hàn Quốc. Chẳng nhẽ chỉ có 2 trong tổng số 180 ngàn trường hợp ư? chỉ trong 12 ngày, Việt Nam đã ghi nhận thêm 60 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 24 người nước ngoài.
Trong đại dịch coronavirus có một Việt Nam như thế
Hai tỷ lệ này chênh lệch nhau có thể nói là mộ trời – một vực khiến ta phải đưa ra hai giả định:
Giả định thứ nhất là người Việt chúng mình ở nước ngoài hầu như không bị dính virus Corona? Tại sao? Là do người Việt mình ở nước ngoài có sức đề kháng cao hơn dân bản địa nên không bị dính Corona? Hay do tính cẩn thận, có chút lo sợ nên người Việt phòng tránh được tốt, không bị “dính”? Hay là có nhưng do tôi và các bạn không có thông tin nên không biết?
Giả định thứ hai là người Việt Nam, nhất là những người thuộc diện du khách, không thể hoặc khó tiếp cận hệ thống chăm sóc y tế ở nước sở tại. Vừa qua, cả nước rúng động với trường hợp một công dân Việt Nam bị dính Corona ở một nước Châu Âu, buộc phải thuê cả một máy bay riêng để bay về Việt Nam điều trị.
Tôi không biết khi một người Việt Nam chẳng may bị mắc Corona mà phải vào bệnh viện ở nước ngoài được chăm sóc, điều trị như thế nào, chứ còn ở Việt Nam, theo như thông tin chính thống thì có đến 20 bác sỹ, y tá và điều dưỡng chia làm 3 ca để chăm sóc cho một bệnh nhân người nước ngoài 24/24 trong suốt thời gian nằm viện. Có nơi đích thân Trưởng khoa, Phó khoa của bệnh viện phải thay nhau túc trực chăm sóc. Hay như trường hợp một người nước ngoài cao tuổi, lại có bệnh nền về huyết áp và tiểu đường, hiện đang nằm viện ở Việt Nam có biểu hiện nặng khiến đích thân Thứ trưởng và Cục trưởng của Bộ Y tế và cả một số giáo sư, bác sỹ đầu ngành phải tham gia hội chẩn đề đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất có thể để cứu người.
Trong một biển thông tin dồn dập cập nhật về tình hình sức khỏe của các bệnh nhân dương tính virus Conora người Việt Nam cũng như người nước ngoài đang được điều trị tích cực, ta hãy để một phút trầm lại để nhận ra một triết lý rất mộc mạc, giản dị của dân tộc này: "Thương người như thể thương thân", “Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa”.
Tôi mong tất cả đồng bào ta, nếu chẳng may dính phải Corona mà phải vào bệnh viện ở nước ngoài thì cũng nhận được sự chăm sóc chu đáo, chuyên nghiệp, tận tâm như chúng ta đang dành cho các bạn nước ngoài. Tôi tin rằng nhân đạo là một giá trị phổ quát của toàn nhân loại, và rằng bất cứ người nào mắc hoạn nạn dưới gầm trời này cũng sẽ được che chở bởi những giá trị nhân đạo đó.
Việt Nam chưa phải là nước giàu. Việt Nam chưa phải là nước có nền y học tiên tiến với những thiết bị y tế hiện đại. Nhưng những gì Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã và đang làm, và làm một cách vô tư, thiện tâm để cứu từng mạng người trong cơn hoạn nạn của đại dịch COVID-19 bất kể họ là ai - không phân biệt quốc tịch, màu da, giàu nghèo - chắc chắn sẽ làm cho thế giới, nhất là những nước giàu có, những nước có nền y học hiện đại cũng phải ngẫm suy.
Tối qua, có 280 bác sĩ, y tá về nghỉ hưu và 700 sinh viên các trường y khoa tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 ở Hà Nội, một thông tin thấm đẫm tình người.
Cách ứng xử đó thấm đượm triết lý của Đạo Phật: Vô Ngã – Vị Tha (không đong đếm cái tôi – luôn sống vì người khác).
Hình như trong cơn hoạn nạn này, người ta mới nhận ra một thang giá trị khác, nó không đo bằng đồng đô la, nó không đo bằng độ giàu nghèo của quốc gia. Nó đo bằng tình thương yêu con người, đo bằng trách nhiệm trước mạng sống của đồng loại.
Có một Việt Nam như thế, có một dân tộc như thế, có một nền văn hóa như thế: mộc mạc, khiêm nhường, chịu khó và nhân hậu – đó chính là tính cách sẽ đưa dân tộc này vượt qua những tháng ngày đầy khó khăn, thử thách của đại dịch toàn cầu Covid này.
Tôi tin như vậy, và tôi chắc rằng các bạn cũng tin như vậy.