Thử tưởng tượng một ngày, trên khắp các kệ hàng tại các siêu thị lớn của Việt Nam tràn ngập hàng Thái, người dân mua sắm trực tuyến không còn lựa chọn nào khác ngoài nguồn hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Đây rõ ràng là viễn cảnh cực kỳ kém vui đối với thị trường bán lẻ Việt cả online và offline.
Thương mại điện tử vướng bóng “quan lớn” Alibaba
Ngày 12/4 vừa qua, giới thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam xôn xao trước thông tin tập đoàn Alibaba tuyên bố hoàn tất thỏa thuận mua lại nền tảng thương mại điện tử Lazada với giá 1 tỉ USD.
Phía Alibaba không ngần ngại khẳng định khoản đầu tư này là nhằm giúp họ tiếp cận tới những thị trường người dùng lớn và đang tăng trưởng nhanh tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Một số người kỳ vọng sự tham gia của Alibaba sẽ thay đổi diện mạo toàn bộ ngành TMĐT Việt Nam tuy nhiên cũng có không ít ý kiến bày tỏ sự quan ngại cho tương lai của những doanh nghiệp TMĐT trong nước như Tiki hay A đây rồi.
Làm sao không lo lắng được khi rất có thể tới đây, Lazada sẽ được Alibaba rót thêm số vốn khổng lồ nhằm đẩy mạnh hoạt động. Trong khi đó, những startup non trẻ như Tiki hay A đây rồi mới chỉ “chập chững” trong cuộc chiến thương mại điện tử đầy cam go và hết sức tốn kém này.
Bên cạnh đó, mục tiêu của Jack Ma là đem hàng Trung Quốc bán cho 8 tỉ dân trên thế giới vì vậy không ngoại trừ khả năng sắp tới đây Lazada bán toàn “hàng Tàu”.
Những nhà sản xuất Trung Quốc, với lợi thế hàng hóa giá rẻ và phong phú là điểm tựa vững chắc cho nền tảng thương mại điện tử của Lazada.
Đây là thứ sức mạnh biến Lazada Việt Nam trở thành mối nguy không chỉ cho các ông lớn, mà còn có thể tiêu diệt cả các DN nhỏ, thị trường ngách. Nhất là trong thời điểm, các DN TMĐT của chúng ta cũng bán rất nhiều hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc.
Mặc dù vậy, đây chưa phải là vấn đề nghiêm trọng nhất. Lý do là bởi hiện tại vẫn là quá sớm để có thể nói liệu thương vụ mua Lazada của Alibaba có phải là một quyết định đúng đắn và tham vọng thống trị lĩnh vực TMĐT ở Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) của họ có thành công hay không.
Thay vào đó, thị trường bán lẻ Việt đối mặt với một mối lo hiện hữu khác mang tên NGƯỜI THÁI.
50% thị phần bán lẻ Việt trong tay người Thái
Động thái mới nhất làm bùng phát mối lo lắng kể trên đến vào cuối tuần trước sau khi tập đoàn mẹ tại Pháp là Casino Group xác nhận trước báo giới rằng họ đã hoàn tất thương vụ bán Big C Việt Nam cho tập đoàn Thái Lan là Central Group với mức giá 1,14 tỉ USD.
Chủ mới của BigC Việt Nam – Central Group - không phải ai xa lạ, bởi trước đó tập đoàn này đã đánh dấu sự có mặt của mình tại thị trường Việt Nam bằng thương vụ mua và sở hữu 49% cổ phần tại chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.
Trong khi đó, Big C là một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất Việt Nam với 32 siêu thị và là một trong 10 nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam.
Theo thống kê của Euromonitor, doanh thu của Big C tại Việt Nam năm 2014 đạt 546 triệu USD, tương đương với khoảng 12 nghìn tỉ đồng.
Trước đó vào tháng 8/2014, tập đoàn Thái Lan là BJC chính thức xác nhận sẽ tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam) bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan với giá trị 655 triệu euro (tương đương 879 triệu USD).
Berli Jucker là tập đoàn đầu tư phân phối, tiếp thị và sản xuất của Thái Lan với giá trị vốn hóa trên thị trường 88 tỷ Baht (khoảng 2,8 tỷ USD). Tập đoàn có 6 văn phòng tại Đông Nam Á với tổng doanh thu trong năm 2013 khoảng 1,3 tỷ USD.
Trong khi đó, tập đoàn Metro có mặt tại thị trường Việt Nam năm 2002 với lĩnh vực kinh doanh bán sỉ. Hiện nay công ty Metro Cash&Carry Việt Nam có 19 trung tâm trên cả nước với 3.600 nhân viên. Trong năm tài khóa 2012-2013, doanh thu hoạt động của công ty tại Việt Nam đạt 516 triệu euro (khoảng 692 triệu USD).
Hoàn tất hai thương vụ thâu tóm Metro Cash & Carry Việt Nam và Big C Việt Nam đồng nghĩa với việc 50% thị phần thị trường bán lẻ Việt Nam đã nằm trong tay người Thái.
Trả lời phỏng vấn tờ Zing.vn, ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội chia sẻ: “Kết thúc thương vụ Central Group thâu tóm Big C, đồng nghĩa cán cân thị trường bán lẻ Việt đã nghiêng hẳn về phía DN nước ngoài, trong đó chủ yếu là người Thái nắm giữ miếng bánh lớn”.
Điều đáng tiếc là trước khi thương vụ với Central Group hoàn tất, đã có một số doanh nghiệp Việt bày tỏ ý định thâu tóm Big C Việt Nam như Saigon Coop Mart tuy nhiên đều bất thành.
Kịch bản mới hiển nhiên khá rõ ràng, thị trường Việt sắp tới sẽ “tràn lan hàng Thái”.
"Thương vụ này cho thấy sự lép vế của bán lẻ Việt Nam. Sự liên kết lỏng lẻo, làm ăn thiếu văn hoá thì các nhà bán lẻ Việt sẽ còn lép vế, sẽ tiếp tục bị lấn tới bởi không chỉ tập đoàn Thái Lan mà nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài khác”, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội tỏ ra buồn và lo lắng.
Thử tưởng tượng một ngày, trên khắp các kệ hàng tại các siêu thị lớn của Việt Nam tràn ngập hàng Thái, các trang thương mại điện tử lớn trong nước hấp hối do không thể cạnh tranh với đối thủ nước ngoài có tiềm lực. Người dân mua sắm trực tuyến không còn lựa chọn nào khác ngoài nguồn hàng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Đây rõ ràng là viễn cảnh cực kỳ kém vui đối với thị trường bán lẻ Việt cả online và offline!
Vân Đàm
Theo Trí Thức Trẻ