Mặc dù có kim ngạch xuất khẩu đang ngày một tăng cao trong những năm gần đây song theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, hơn 3/4 (75%) lượng rau quả Việt Nam vẫn được xuất sang Trung Quốc, điều này cho thấy sự phụ thuộc lớn về một thị trường đầu ra của rau quả Việt.
Hiệp hội rau quả Việt Nam vừa có báo cáo về tình hình xuất nhập khẩu mặt hàng rau quả trong 7 tháng đầu năm 2017. Đáng chú ý, xuất khẩu rau quả đã vượt nhiều mặt hàng chiến lược như gạo, dầu thô, than đá và nằm trong top các mặt hàng xuất khẩu tỷ USD của Việt Nam.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc duy nhất vào thị trường Trung Quốc (ảnh minh hoạ) |
Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2018 kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt hơn 2 tỷ USD, tăng trên 50% so với cùng kỳ năm trước. Riêng thị trường Trung Quốc đã chiếm trên 75% kim ngạch xuất khẩu rau quả (1,5 tỷ USD).
Đáng nói, so với con số xuất khẩu rau quả 7 tháng đầu năm 2016 đạt hơn 1,3 tỷ USD, Trung Quốc chiếm 950 triệu USD (chiếm 73% kim ngạch), thì 7 tháng năm 2017 giá trị xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng trên 550 triệu USD, tỷ lệ chiếm hơn 3/4 kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Đây là những dấu hiệu cho thấy, rau quả Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu Trung Quốc, một thị trường dễ dãi, giá trị thấp song nhiều rủi ro, bất lợi cho nông sản Việt. Trong khi đó, rau quả Việt xuất sang Mỹ, Nhật chỉ chiếm chưa đầy 6% tổng kim ngạch, dù đây là thị trường có giá trị cao, nhiều mặt hàng được các nước ưu đãi nhập khẩu như thanh long, chuối...
Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng cho biết, trong các mặt hàng xuất khẩu, quả thanh long luôn chiếm kim ngạch lớn nhất. Cụ thể, năm 2014 thanh long đạt kim ngạch hơn 289 triệu USD, năm 2015 đạt hơn 520 triệu USD, năm 2016 là gần 900 triệu USD và 6 tháng đầu năm 2017 mặt hàng này đạt kim ngạch hơn 580 triệu USD. Thanh long hiện là mặt hàng xuất khẩu rau quả số 1 và chiến lược của Việt Nam.
Theo Hiệp hội rau quả, ngành rau quả tăng trưởng khá ổn định trong năm vừa qua. Top 10 thị trường đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó Trung Quốc, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất và Nga đều có sự tăng trưởng trên 50% đến hơn 63%.
Về tình hình nhập khẩu rau quả, trong 7 tháng đầu năm Việt Nam nhập hơn 850 triệu USD rau quả các nước, tăng hơn nhiều so với con số hơn 420 triệu USD rau quả cùng kỳ năm 2016.
Thái Lan và Trung Quốc là 2 thị trường cung ứng rau quả lớn nhất Việt Nam, với kim ngạch lần lượt là 500 triệu USD và hơn 130 triệu USD.
An Linh / Dân trí