Trong bối cảnh điểm chuẩn đại học cũng chỉ bằng điểm sàn như hiện nay, các trường cao đẳng tự nhìn nhận mình “chết là cái chắc”.
Ngoài một vài trường “hot” hiếm hoi, có mức điểm trúng tuyển khá cao và hầu như đã tuyển đủ chỉ tiêu ngay từ đợt xét tuyển đầu tiên như Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, Trường CĐ Kinh tế đối ngoại… Qua đợt xét tuyển đầu tiên, lãnh đạo nhiều trường cao đẳng ở TP.HCM tỏ ra khá bi quan với tình hình tuyển sinh.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 (Ảnh Đinh Quang Tuấn)
Nhiều trường cao đẳng đã tiếp tục đăng thông tin xét tuyển đợt hai, nhưng lại “giấu” đi thông tin về số lượng chỉ tiêu. Theo tiết lộ của lãnh đạo một trường thì “đăng lên làm gì lại mang tiếng tuyển nhiều mà chẳng có mấy người học”.
Hiện thực bi đát
Mặc dù biết đợt đầu tiên là “sân chơi” chủ yếu của các trường đại học, nhưng với việc nhiều trường chỉ lấy điểm chuẩn bằng với điểm sàn, lãnh đạo nhiều trường cao đẳng tỏ ra cực kỳ lo ngại.
Bà Tưởng Vân, phụ trách tuyển sinh Trường CĐ nghề Kinh tế Công nghệ TP.HCM “kiểm đếm”: “Trường tôi có hơn 1.000 chỉ tiêu nhưng mới nhận được hơn 260 hồ sơ. Trong 260 hồ sơ này chỉ có 100 em chắc chắn học”.
Trường này đưa ra một loạt ưu đãi dành cho sinh viên như được học tin học quốc tế MOS, Anh văn giao tiếp quốc tế TOEIC 350 miễn phí, liên thông đại học (tốt nghiệp tại trường được học liên thông lên đại học với thời gian học liên thông 1,5 - 2 năm), chương trình đào tạo giảm tải lý thuyết, tăng thời gian thực hành nhằm giúp SV dễ tìm việc.… Và đặc biệt là lời hứa hẹn “Đảm bảo việc làm 100% sinh viên sau tốt nghiệp”.
Tuy nhiên, bà Vân cũng không hề lạc quan với tình hình xét tuyển trong thời gian tới. “Ngoài việc tuyển sinh bằng điểm sàn thì hàng trăm trường đại học còn có phương án xét tuyển riêng. Mà đa số các trường đại học xét tuyển bằng học bạ cũng chỉ có mức điểm trung bình 6,5, nên trúng tuyển đại học là việc quá đơn giản. Vì vậy mà thí sinh tất nhiên sẽ nộp hồ sơ vào đại học chứ học làm gì cao đẳng, trung cấp. Chúng tôi bi đát lắm, sắp chết tới nơi rồi”.
Đây là năm thứ hai các trường cao đẳng rơi vào tình cảnh này. Phương thức thi tuyển và xét tuyển như hiện nay khiến các trường cao đẳng tiếp tục rơi vào thế bị động. Bởi nếu như những năm trước nhiều trường tổ chức thi tuyển sẽ nắm chắc được một số lượng thí sinh không nhỏ vào trường mình theo nguyện vọng 1, thì bây giờ tất cả các trường rơi vào trạng thái chờ đợi… mông lung.
Ông Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn cho biết chỉ tiêu của trường là 2.000, nhưng kết thúc đợt nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đầu tiên chỉ có 300 thí sinh nộp hồ sơ vào trường.
“Sau khi… “dọa nạt” các kiểu thì có 200 thí sinh đã nộp học phí” – ông Lâm thở dài.
“Trong bối cảnh điểm chuẩn đại học cũng chỉ bằng điểm sàn hiện nay, các trường cao đẳng chết là cái chắc” – ông Lâm bình luận.
Thí sinh làm thủ tục đăng ký xét tuyển vào đại học
Mòn mỏi chờ Bộ cấm đại học dạy cao đẳng
Ông Lâm đưa ra “bảng xếp hạng trường” theo lựa chọn của thí sinh: “Trường tốp đầu, tốp giữa, ngoài công lập tốp đầu, công lập tốp cuối, ngoài công lập tốp giữa, cao đẳng trong trường đại học, rồi mới tới những trường cao đẳng như trường tôi. Như vậy, trường tôi xếp cuối cùng trong bảng ưu tiên lựa chọn của thí sinh, có lọt qua cái sàng đầu tiên thì cũng xuống tới bao nhiêu cái nia khác xếp trên, thì trường tôi lấy đâu ra thí sinh mà dạy!”.
Với “bảng xếp hạng” này, theo ông Lâm, để các trường cao đẳng có thể tiếp tục tồn tại và phát triển, Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng thực hiện không cho các trường đại học đào tạo hệ cao đẳng. “Bộ cần quyết liệt hơn trong việc phân luồng đào tạo, trường đại học chỉ đào tạo đại học và trên đại học, trường cao đẳng đào tạo cao đẳng. Cần phải rõ ràng ra như vậy”.
Lãnh đạo một trường cao đẳng chia sẻ rằng việc này đã nói nhiều tới mức “chán chả muốn nói” nữa rồi.
Nhưng khi… vẫn nói, vị này bày tỏ quan điểm ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng như hiện nay của Bộ sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu Bộ không mạnh tay siết chặt các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường đại học. “Ngưỡng để làm gì khi các trường nhóm trên cũng đưa nhau xét tuyển từ ngưỡng, “tranh ăn” với các trường yếu thế hơn?” – vị này đặt câu hỏi và cho rằng Bộ GD-ĐT cần có chế tài ràng buộc các trường ĐH. Theo đó, ngoài việc căn cứ cơ sở vật chất, điều kiện giảng viên để xác định chỉ tiêu, Bộ cần yêu cầu các trường nhóm trên có mức điểm sàn tuyển sinh vượt hẳn so với mức chung để đảm bảo phân tầng xếp hạng đại học như mong muốn của Bộ.
“Các trường đại học chỉ được tuyển đúng số lượng chỉ tiêu, đúng mức điểm sàn quy định để đảm bảo đào tạo đúng chất lượng. Bộ không thể để các trường đại học lớn cứ tuyển được là tuyển, sống chết mặc người khác”.
Ngân Anh – Lê Huyền / Vietnamnet