Học sinh học trực tiếp, nhà trường đối mặt với bài toán thiếu nhân viên y tế, tốn kinh phí mua sắm kit xét nghiệm và vật tư phòng dịch.
Từ đầu tháng 11, học sinh lớp 9 THCS Phú Châu (huyện Ba Vì, Hà Nội) học trực tiếp. Sau gần hai tháng, việc dạy học ổn định. Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nghiệp, trường đang gặp khó khăn vì thiếu nhân sự phòng, chống dịch.
Theo bộ tiêu chí an toàn trường học của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, toàn bộ học sinh, giáo viên và nhân viên phải đo thân nhiệt trước khi vào trường. Nhà trường đảm bảo giãn cách trong - ngoài lớp học, phòng chức năng, phòng sinh hoạt. Ngoài ra, trường lớp cần khử khuẩn, vệ sinh thường xuyên.
Để đáp ứng những yêu cầu này, các trường phải tăng nhân sự cho nhiều đầu việc như đo thân nhiệt, phân luồng, hướng dẫn học sinh di chuyển, khai báo y tế, giám sát giãn cách.
Trường THCS Phú Châu hiện chỉ có một nhân viên y tế. Thầy Nghiệp cho biết, với các phần việc không đòi hỏi chuyên môn như đo nhiệt độ, phân luồng di chuyển hay nhắc nhở giãn cách được nhà trường phân công cho giáo viên, bảo vệ.
Trước đây, giáo viên chỉ giảng dạy, nay họ phải đến trường sớm để đo nhiệt độ cho học trò, nhắc nhở tuân thủ chống dịch, rà soát học sinh thuộc diện F, nhằm san sẻ gánh nặng cho nhân viên y tế.
Nhân viên y tế trường THCS Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội đo thân nhiệt cho học sinh trong ngày 8/11. Ảnh: Giang Huy
Giống như THCS Phú Châu, nhiều trường trung học ở Hà Nội cũng thiếu nhân viên y tế, giáo viên được giao thêm nhiệm vụ chống dịch khi học sinh quay trở lại.
"Dù vậy, giáo viên còn có tiết học, tiết nghỉ. Nhưng trong vai trò nhân viên y tế, họ lúc nào cũng phải có mặt tại trường, rất vất vả", hiệu trưởng một trường THPT tại quận Cầu Giấy với hơn 2.000 học sinh, cho biết.
Tại TP HCM, việc học trực tiếp được thí điểm cho khối 9 và 12 từ 13/12. Số lượng học sinh mỗi trường không lớn nhưng nhiều nơi cũng gặp khó khăn tương tự, đặc biệt là khi xuất hiện F0.
Lãnh đạo một trường trung học tại TP HCM kể, khi có F0, nhà trường phải báo cho trạm y tế phường, trung tâm y tế quận để được hỗ trợ. Học sinh lớp có F0 được xét nghiệm nhanh, di chuyển sang phòng học dự phòng. "Do F0 xuất hiện trong một lớp nên quy mô phải xử lý khá nhỏ. Nếu trường có trên hai F0 ở các lớp khác nhau thì việc rà soát, bóc tách các F sẽ phức tạp hơn, đòi hỏi huy động lượng nhân sự lớn", lãnh đạo trường chia sẻ.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du (quận 10) cũng lo ngại về khả năng cùng lúc phát hiện nhiều F0. Bởi theo hướng dẫn của Sở Y tế, nếu phát hiện hai F0 trở lên, phải xét nghiệm tất cả người cùng tầng hoặc cùng tòa nhà tại thời điểm đó. Khi học sinh trở lại đông đủ, con số cần xét nghiệm trong trường hợp này có khi lên đến hàng nghìn. "Phải xử lý rất nhanh, gọn thì tình hình mới ổn đinh, học sinh không bị hoang mang. Nếu thiếu nhân viên, công việc không thể hoàn tất nhanh chóng được", thầy Phú nói.
Hiệu trưởng này cho biết, ngoài một nhân viên y tế cơ hữu, mỗi trường THPT có thêm một hiệu phó, một giáo viên được tập huấn, chuyên trách công tác y tế. Tuy nhiên, những công việc mang tính chuyên môn như xét nghiệm nhanh cho học sinh, thầy cô khá lúng túng.
Theo số liệu do đại diện Bộ Y tế công bố đầu năm 2020, số lượng cán bộ y tế trường học cả nước chỉ đạt 70% so với yêu cầu. Các trường đại học, cao đẳng có trạm y tế thường có 2-3 nhân viên, trường phổ thông thường chỉ có một người.
Tình trạng thiếu nhân viên y tế trường học từng được đề cập trong buổi họp HĐND thành phố Hà Nội vào đầu tháng 12. Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết toàn thành phố hiện thiếu 423 nhân viên y tế trường học, riêng khối THCS thiếu 88 người. Lý do là Hà Nội tạm dừng tuyển dụng nhân viên y tế và kế toán tại trường công lập từ năm 2015, theo một chỉ đạo chung lúc đó.
Tương tự, TP HCM cũng dừng tuyển dụng nhân viên y tế trường học từ 2015. Điều này khiến các trường phải ký hợp đồng lao động ngắn hạn với nhân viên y tế học đường bằng nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Học sinh THPT Trưng Vương (quận 1, TP HCM) ngày đầu trở lại trường 13/12. Giáo viên được tăng cường hỗ trợ phân luồng, khai báo y tế cho học sinh. Ảnh: Quỳnh Trần
Ngoài thiếu nhân viên, các trường còn phải "gồng gánh" chi phí vật tư y tế phát sinh khi học sinh trở lại.
Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nghiệp ở trường THCS Phú Châu (Ba Vì, Hà Nội) cho biết, tháng trước khi đón học sinh trở lại, nhà trường chi 30 triệu đồng phun khử khuẩn, mua hóa phẩm, khẩu trang. Các tháng còn lại, trường tốn khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng cho các hoạt động phòng dịch - số tiền được ông đánh giá là lớn với kinh phí một trường trung học công lập ngoại thành.
Để tiết kiệm, trường không đặt mua kit xét nghiệm nhanh. Học sinh, giáo viên có triệu chứng sẽ được đưa sang trạm y tế xã để xét nghiệm. "Khi học sinh cả trường trở lại, chi phí hàng tháng có thể gấp 2-4 lần bây giờ. Năm ngoái, chúng tôi phải kêu gọi xã hội hóa, từng lớp góp nước rửa tay, khẩu trang", thầy Nghiệp nói.
Tại TP HCM, trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh) bỏ ra 14 triệu đồng từ nguồn ngân sách chi thường xuyên được cấp để mua kit xét nghiệm nhanh, dự phòng cho các tình huống cấp bách.
Từ giữa tháng 12, Sở Giáo dục và Đào tạo trình Thường trực Ủy ban nhân dân TP HCM về hỗ trợ kit xét nghiệm nhanh cho các cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy học trực tiếp. Song chủ trương này vẫn đang phải chờ thông qua.
"Trước mắt, các trường phải tự chuẩn bị kit xét nghiệm, sẵn sàng cho mọi tình huống. Về lâu dài, cần có nguồn kinh phí cấp bù bởi khi học sinh trở lại, các tình huống F0 xảy ra, chi phí phòng chống dịch đội lên rất lớn", thầy Lê Hữu Hân, hiệu trưởng THPT Thanh Đa nói.
Nhiều trường đã tự bỏ hàng chục triệu đồng mua sắm trang thiết bị phòng dịch cho thời gian học thí điểm. Nếu không được hỗ trợ, nguồn kinh phí hoạt động của trường sẽ bị ảnh hưởng. "Chúng tôi cũng từng nghĩ đến phương án huy động từ phụ huynh. Nhưng, điều này rất khó khăn trong tình hình dịch bệnh, chưa kể có thể gây ra những điều không hay về thu chi, tài chính", một lãnh đạo THCS chia sẻ.
Học sinh TP HCM được xét nghiệm nhanh Covid-19 tại trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP HCM), tháng 7/2021. Ảnh: Mạnh Tùng
Từ 8/11, học sinh khối 9 ở huyện Ba Vì, Hà Nội trở lại trường. Sau đó hai tuần, khối 9 tại 17 huyện, thị ngoại thành cũng được học trực tiếp. Đến 6/12, các trường THPT mở cửa đón học sinh lớp 12. Tổng số học sinh được học trực tiếp hiện nay khoảng 64.000.
Tại TP HCM, hơn 130.000 học sinh khối 9 và 12 tại học trực tiếp từ 13/12. Với các khối còn lại của bậc THCS, THPT, thành phố sẽ có quyết định sau ngày 27/12.