Nhờ ứng dụng tốt công nghệ, thực hiện chuyển đổi số mà các cơ sở giáo dục không còn lúng túng, bị động với Covid-19.
Giáo viên sử dụng phần mềm VNPT E-Learning dạy học trực tuyến.
Chủ động mọi tình huống
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học online qua các nền tảng công nghệ là giải pháp căn cơ để giáo viên và học sinh có thể duy trì được việc dạy và học bình thường.
Không chỉ phụ thuộc vào một số phần mềm trực tuyến như Zoom hay Teams của Microsoft, trong vài năm trở lại đây, các doanh nghiệp công nghệ đã rất tích cực nhằm đáp ứng nhu cầu học trực tuyến của người dân. Từ trước khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát, các “ông lớn” trong ngành công nghệ thông tin như VNPT, FPT và Viettel đều khẳng định, hệ thống của các đơn vị này hoàn toàn sẵn sàng trước việc tăng trưởng nóng của thị trường học trực tuyến Việt Nam.
Nổi bật trong số này là sự ra đời của hệ thống quản lý dạy và học trực tuyến K12Online và mạng xã hội học tập ViettelStudy. Trong đó, giải pháp học trực tuyến của Viettel hiện đã có trên 13 triệu người dùng với hơn 25.700 cơ sở giáo dục.
Sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ nêu trên đã tác động tích cực vào công cuộc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy và học tại các nhà trường. Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho hay, từ đầu năm 2020, Sở đã triển khai hệ thống học tập trực tuyến Hanoi Study, giúp việc ôn luyện kiến thức cho học sinh một cách chủ động, tự giác.
Bên cạnh đó, theo ông Tiến, mô hình trường học ứng dụng công nghệ thông tin trong nhiều năm qua đã tạo điều kiện để các nhà trường, giáo viên nâng cao nhận thức, phát huy năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận công nghệ mới. Khi dịch diễn biến phức tạp, các nhà trường đã vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả dạy học trực tuyến.
Theo thông tin từ Trường THCS Nam Từ Liêm, học sinh của trường đang được học trực tuyến trên phần mềm Microsofl Teams. Thời khóa biểu được bố trí 2 buổi/ngày, từ thứ Hai - thứ Sáu với trung bình 7 - 8 tiết/ngày (tùy theo chương trình của mỗi khối).
Tại Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai), ông Lê Việt Dương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ trước khi làn sóng dịch thứ 4 xảy ra, nhà trường đã xây dựng 3 phương án tổ chức dạy học, triển khai đến toàn thể giáo viên, học sinh để chủ động ứng phó. Đồng thời, nhà trường chuẩn bị đủ các điều kiện tổ chức dạy học trực tuyến như xây dựng thời khóa biểu, hướng dẫn học sinh chuẩn bị máy tính, điện thoại có cài đặt phần mềm... Vì vậy, trong đợt dịch diễn biến phức tạp hiện nay, khi học sinh tạm dừng đến trường, nhà trường không bị động khi triển khai học trực tuyến.
Giảm tải linh hoạt
Trường tiểu học Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) đã tính đến việc giảm tải một số nội dung thi cho học sinh. Hiện nay, lịch học trực tuyến của nhà trường chủ yếu dạy vào buổi tối. Theo đó, thầy cô sẽ giao bài tập, phụ huynh chụp bài làm của con em mình và gửi qua Zalo cho giáo viên nhận xét, đánh giá.
Theo lãnh đạo Trường tiểu học Xuân Phương, nhà trường vẫn đang chờ ý kiến của Phòng Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức thi học kỳ. Trong trường hợp Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, trường cũng đã sẵn sàng tổ chức thi học kỳ II bằng hình thức trực tuyến.
Trước băn khoăn và lo lắng của nhiều người về các hình thức đánh giá, kiểm tra khi học sinh học theo phương pháp trực tuyến, ông Thái Văn Tài, Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, trong các quy định về hướng dẫn kiểm tra đánh giá học sinh của Bộ, hiệu trưởng các trường tùy vào điều kiện tình hình thực tế và đối tượng học sinh để có hình thức kiểm tra phù hợp.
Cụ thể, với học sinh tiểu học, các trường có thể kiểm tra bằng cách giao cho các em bài tập mở; kiểm tra qua tổng hợp đánh giá thường xuyên, kiểm tra bằng hình thức bài tập nhóm hoặc kiểm tra theo hình thức viết với đề mở. “Các trường có thể kiểm tra trên hệ thống máy tính nếu điều kiện đảm bảo”, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định.
Đối với cấp học THCS và THPT, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, từ kinh nghiệm của những lần tổ chức dạy học trực tuyến ứng phó với Covid-19 trước đây, lần này, cả giáo viên và học sinh đã được chuẩn bị tâm thế, năng lực, học liệu, nên việc chuyển trạng thái sang dạy học trực tuyến không gặp nhiều khó khăn.
Về kỳ thi tốt nghiệp THPT, do thí sinh cũng đã làm quen với phương pháp học trực tuyến từ năm lớp 11, nên việc ôn tập lần này cũng không có quá nhiều ảnh hưởng. Các nhà trường cần hướng dẫn học sinh ôn tập và dạy trực tuyến theo các nội dung trọng tâm đã được nêu ra.