Giáo viên các trường mầm non dọn vệ sinh phòng học, đồ chơi, trang trí những bức tường bắt mắt, sẵn sàng đón trẻ trở lại từ ngày 18/5.
Cuối tuần, 16 giáo viên, nhân viên trường Mầm non Chuột Túi Thông Minh (quận 2) sắp gọn đồ chơi, đồ dùng học tập sau khi được vệ sinh, phơi khô. Những bộ cầu tuột nhựa, ngựa bập bênh được các cô giáo tỉ mỉ rửa sạch, lau chùi.
Trước, trường có hai cơ sở với 110 trẻ, 26 nhân viên. Do dịch kéo dài, không có nguồn thu từ học phí để duy trì hoạt động, trường thu hẹp lại chỉ còn một cơ sở.
Đầu tuần tới, trường đón gần 20 em lớp lá đầu tiên đi học trở lại. Khoảng 10 em khác phụ huynh chưa cho đến trường. Học sinh lớp lá sẽ học tiếp các chủ đề Quê hương, đất nước, Bác Hồ; Tìm hiểu các phương tiện giao thông; Hiện tượng tự nhiên, kết thúc năm học trước ngày 15/7.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Ái Vy cho biết, do trẻ mầm non hiếu động, ý thức bảo vệ mình chưa cao nên trách nhiệm của giáo viên rất lớn. Các cô phải thường xuyên nhắc trẻ rửa tay, vệ sinh cá nhân, ăn uống đúng cách để phòng bệnh. "Mọi việc phải chu đáo cho phụ huynh yên tâm", cô Vy nói.
Giáo viên trường Mầm non Chuột Túi Thông Minh (quận 2) vệ sinh, lau chùi đồ chơi, dụng cụ dạy học chiều 15/5, chuẩn bị cho trẻ mầm non đi học. Ảnh: Mạnh Tùng.
Tương tự, trường Mầm non Ngôi Sao Sáng lên kế hoạch chi tiết đón trẻ từ đầu tháng 5 cho ba cơ sở ở quận 9 và Thủ Đức. Mỗi điểm trường, hai giáo viên đứng trước cổng hướng dẫn phụ huynh đến gửi con, cho học sinh rửa tay bằng nước sát khuẩn, đo thân nhiệt.
Giáo viên từng lớp sau khi đón trẻ sẽ trao đổi với phụ huynh về tình hình sức khoẻ trong khoảng hai tuần gần nhất. Những buổi học đầu, giáo viên tổ chức vui chơi, sinh hoạt theo kế hoạch, theo dõi biểu hiện sức khoẻ bất thường của trẻ như ho, sốt, khó thở... để có biện pháp xử lý kịp thời.
Tại nhiều nhóm trẻ và lớp mẫu giáo tư thục, các chủ cơ sở cũng tỏ ra hào hứng với việc đón trẻ trở lại sau 4 tháng ngưng hoạt động. Tuy nhiên, do phụ huynh đưa con về quê gửi người thân hoặc chưa yên tâm cho trẻ đến trường nên lượng học sinh đăng ký trở lại chỉ đạt 50-70%.
Ông Lê Minh Cường, chủ nhóm trẻ Lê Minh (quận 9) cho biết, cơ sở này gần như khởi động lại sau đợt Covid-19 kéo dài vì mới hoạt động được ít tháng đã phải đóng cửa phòng chống dịch. Dù mới được một số ít phụ huynh đăng ký gửi con nhưng cơ sở vẫn huy động đủ giáo viên, bảo mẫu để vừa dạy học, vừa chuẩn bị tuyển sinh năm mới. "Dịch bệnh khiến ai cũng khó khăn, duy trì được nhóm trẻ là nỗ lực lớn của chúng tôi. Tôi tin khi mình tốt sẽ thu hút được phụ huynh", ông Cường nói.
Ở khối mầm non công lập, khoảng 70% phụ huynh xác nhận đưa con trở lại trường vào tuần sau. Nhiều người chưa yên tâm với diễn biến dịch bệnh, một số khác sắp xếp được điều kiện chăm con tại nhà nên chưa vội gửi trẻ.
Cô Lê Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Phượng Đỏ (quận Gò Vấp) cho biết trường đã nghiệm thu từng phòng học từ ngày 15/5, mở cửa đón học sinh lớp lá sáng 18/5. Tuần trước, hơn 10 giáo viên sơn sửa, vẽ trang trí tường rào giúp học sinh hứng khởi ngày quay lại.
Quy mô trường 500 trẻ, thứ hai tới có hơn 100 em đi học. Trong tuần đầu, trường không tổ chức ăn sáng, giáo viên dành 30 phút mỗi ngày kiểm tra sức khoẻ từng em. Giáo viên sẽ đón trẻ, dắt lên tận lớp với các lối đi riêng, tránh tập trung đông. Với sân rộng, trường bố trí những góc chơi cho từng lớp, mỗi nơi được lắp thêm bồn rửa tay. Các lớp ra về cách nhau chừng 15 phút để tránh phụ huynh tập trung đông cùng một lúc.
Nhân viên trường Mầm non Chuột Túi Thông Minh (quận 2) sắp xếp đồ chơi sau khi được vệ sinh, phơi khô. Ảnh: Mạnh Tùng.
Theo lộ trình của UBND TP HCM, ngày 18/5, trẻ lớp lá đến trường, tiếp đó lớp mầm và chồi ngày 25/5. Ngày 1/6, các lớp nhà trẻ còn lại bắt đầu đi học. Thành phố là địa phương cho trẻ mầm non trở lại trường sau Covid-19 muộn nhất.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM yêu cầu các trường mầm non tạm thời không tổ chức ăn sáng trong thời gian đầu học lại. Việc tổ chức bán trú phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, khuyến khích cho trẻ uống nước mát, nước trái cây, sử dụng đồ bán trú cho từng trẻ riêng.
Giáo viên lựa chọn nội dung giáo dục cần thiết để dạy trẻ trong thời gian còn lại, đảm bảo được mục tiêu năm học theo chương trình giáo dục mầm non.
TP HCM có 372.000 trẻ mầm non, 1.300 trường mầm non và gần 2.000 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục. Dịch Covid-19 khiến phần lớn giáo viên mầm non tại cơ sở tư thục bị giảm thu nhập, không lương, thậm chí mất việc.