Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 31/12/2017, Việt Nam sẽ chấm dứt sử dụng thức ăn chứa kháng sinh với mục đích kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản và đến 2020 sẽ chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
Ảnh minh họa. |
Lý giải về lộ trình này, Bộ NN&PTNT cho biết, việc sử dụng rộng rãi kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam làm gia tăng sự hiện diện của các vi khuẩn kháng thuốc trong gia súc, gia cầm, thủy sản và sản phẩm động vật.
Đồng thời, việc bán thuốc kháng sinh không theo đơn, trộn kháng sinh vào thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản mà không có sự giám sát về chuyên môn cũng cho thấy, ngành chăn nuôi Việt Nam đang sử dụng thuốc kháng sinh thiếu trách nhiệm.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, hiện nay tình trạng kháng kháng sinh đang là vấn đề mới và nhức nhối, đe dọa sức khỏe trăm nghìn người khi cơ thể có hiện tượng vi khuẩn gây bệnh kháng kháng sinh.
Các loại kháng sinh không chỉ được lạm dụng trong chữa bệnh cho người mà còn sử dụng rất rộng rãi trong chăn nuôi và thủy sản, sản xuất thực phẩm dẫn đến việc tồn dư kháng sinh từ thực phẩm vào cơ thể người.
Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sản phẩm, niềm tin của người tiêu dùng và việc xuất khẩu. Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT đưa ra lộ trình để kiểm soát việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Theo đó, Việt Nam sẽ chấm dứt sử dụng thức ăn chứa kháng sinh với mục đích kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản từ ngày 31/12/2017. Đến 2020 sẽ chấm dứt thức ăn chăn nuôi có sử dụng kháng sinh nhằm mục đích phòng trừ bệnh.
Để thực hiện được lộ trình này, Bộ NN&PTNT yêu cầu các Sở, ban, ngành thực hiện rà soát, sửa đổi và thi hành các quy định và chính sách liên quan tới kháng kháng sinh và sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản. Đồng thời, nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh và nguy cơ hình thành kháng kháng sinh.
Ngoài ra, còn phải thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh, sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản cũng như giám sát việc sử dụng kháng sinh, kháng sinh tồn dư và kháng kháng sinh trong chăn nuôi, thủy sản. Bên cạnh đó, cũng tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác liên ngành về quản lý kháng kháng sinh.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng nhấn mạnh rằng, để phù hợp với chính sách này, sắp tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ đề nghị sửa đổi, ban hành một số luật như Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản, Luật An toàn thực phẩm,...
Hạ An / BizLIVE