"Nhiều người đang hiểu thông tuyến tỉnh là tất cả người bệnh được quỹ BHYT chi trả. Tôi xin khẳng định, quy định này chỉ dành cho người đến khám và được bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị nội trú…".
Từ 1/1/2021, thông tuyến tỉnh điều trị nội trú với người có thẻ BHYT. (Ảnh: Đỗ Linh).
Ông Lê Văn Phúc - Trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội VN) - trao đổi thêm thông tin liên quan tới quy định thông tuyến tỉnh khám chữa bệnh nội trú theo thẻ BHYT, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Người có thẻ BHYT hưởng lợi gì?
Theo ông Lê Văn Phúc, từ ngày 1/1/2021, việc mở thêm quy định thông tuyến tỉnh điều trị nội trú giúp cho người có thẻ BHYT chủ động lựa chọn, tiếp cận dịch vụ y tế phù hợp với tình trạng bệnh, đồng thời cũng là cơ hội để các tuyến y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Những trường hợp người có thẻ BHYT phát sinh nhu cầu khám, điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh hoặc đang ở tỉnh xa nếu bị bệnh thì có thể đến các bệnh viện tuyến tỉnh và được BHYT chi trả 100% nếu điều trị nội trú, không phải trở về địa phương để khám chữa bệnh theo tuyến như trước kia.
Ông Lê Văn Phúc - Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT(BHXH VN). (Ảnh: TL)
"Do phạm vi lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh càng rộng, người bệnh có nhiều sự lựa chọn hơn và thúc đẩy các cơ sở y tế từ tuyến cơ sở đến tuyến tỉnh nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để thu hút, tạo sự tin tưởng cho người bệnh" - ông Lê Văn Phúc giải thích thêm.
Trong đó, các nhóm đối tượng được BHYT chi trả 100% chi phí khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến, gồm: Người có công với cách mạng, người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng, người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; trẻ em dưới 6 tuổi…
Trước đó, Luật BHYT năm 2014 đã quy định quy định thông tuyến huyện cho hoạt động khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT từ ngày 1/1/2016.
Với quy định tại Khoản 6 Điều 22 Luật BHYT, từ ngày 1/1/2021, người tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh sẽ được quỹ BHYT trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng như trường hợp khám chữa bệnh đúng tuyến.
Đại diện Ban thực hiện chính sách BHYT cho biết thêm: "Theo quy định hiện hành, Quỹ BHYT chỉ thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú khi vượt tuyến. Sau ngày 1/1/2021, tùy từng nhóm đối tượng tham gia BHYT theo Luật BHYT quy định, người bệnh được thanh toán chi phí khám chữa bệnh với các mức 100%, 95% hoặc 80%".
"Xin được lưu ý, với quy định thông tuyến tỉnh từ năm 2021, Quỹ BHYT chỉ chi trả 100% chi phí theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng cho các trường hợp người bệnh tự đi khám tại bệnh viện tuyến tỉnh và có chỉ định điều trị nội trú của bác sĩ. Trường hợp người dân tự đi khám ngoại trú, sẽ phải tự chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh" - Ông Lê Văn Phúc cho.
Đồng thời, quy định thông tuyến tỉnh được áp dụng với tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh và một số bệnh viện ngành. Các tuyến trung ương như bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Thống Nhất, Trung ương 108 không áp dụng.
Áp lực cho quỹ BHYT và cơ sở khám chữa bệnh
Dự báo của Ban thực hiện chính sách BHYT, sau khi thông tuyến tỉnh, chi phí khám chữa bệnh sẽ gia tăng lên con số không nhỏ.
"Năm 2020, quỹ BHYT chi trả 60% chi phí điều trị nội trú cho hơn 1 triệu bệnh nhân vượt tuyến với số tiền khoảng 1.250 tỉ đồng. Nếu áp số lượng bệnh nhân trên với năm 2021, trong điều kiện trả toàn bộ chi phí điều trị nội trú, chi phí BHYT dự kiến tăng ít nhất 2.000 tỉ đồng…" - ông Lê Văn Phúc ước tính.
Người dân tới khám chữa bệnh theo thẻ BHYT (Ảnh: TL)
Đây cũng là thách thức lớn đối với việc quản lý quỹ BHYT. Bởi theo ông Lê Văn Phúc, quỹ dự phòng BHYT chỉ có thể đáp ứng chi trả đến hết năm 2021.
Vậy cần hạn chế những tác động không mong muốn ra sao với quỹ BHYT cũng như hạn chế tình trạng "dồn ứ" cho nhiều bệnh viện tuyến tỉnh?
Theo ông Lê Văn Phúc, người dân cần hiểu rõ quy định của việc thông tuyến tỉnh chỉ dành cho điều trị nội trú.
Trong khi đó, hệ thống y tế của Việt Nam đã được vận hành theo phân cấp: Trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh sẽ được chuyển đến cơ sở y tế tuyến xã, huyện. Trường hợp mắc bệnh nặng hơn thì mới lên tuyến tỉnh hoặc Trung ương để điều trị.
Những năm qua ngành y tế đã chú trọng nâng cấp hệ thống y tế cơ sở, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
"Việc thông tuyến tỉnh đối với người bệnh nội trú là đã "khoanh vùng" những người bệnh nặng, phải điều trị dài ngày, chuyên sâu, cần chăm sóc nhiều hơn…" - ông Lê Văn Phúc cho biết.
Liên quan tới hạn chế tình trạng "lạm dụng" chỉ định điều trị nội trú của bác sĩ, ông Lê Văn Phúc cho biết nếu không giám sát hiệu quả, các bệnh viện sẽ đối mặt với tình trạng quá tải khi bệnh nhân điều trị nội trú gia tăng trong khi các nguồn lực còn hạn chế.
"Có thể xảy ra xu hướng chỉ định điều trị nội trú kể cả với bệnh nhân bệnh nhẹ, chưa thực sự cần thiết điều trị nội trú cũng nhập viện, dễ dẫn đến quá tải BV. Chưa kể bệnh nhân nội trú kèm theo vài người thăm nom, chăm sóc gây khó khăn cho sinh hoạt của bệnh viện…" - ông Lê Văn Phúc cho biết.
Theo ông Lê Văn Phúc, Bộ Y tế đang hoàn tất quy định về chỉ định nhập viện điều trị nội trú để tránh tình trạng lạm dụng điều trị nội trú khi không cần thiết. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu các giám đốc sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh tăng cường công tác quản lý chất lượng dịch vụ theo đúng hướng dẫn tại Thông tư số 19/2013/TT-BYT về thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện… |