Hiện khoản vay dài nhất của Việt Nam là tới năm 2055. Bình quân các khoản nợ phải trả khoảng 12 năm. Và thời điểm Việt Nam phải trả nợ nhiều là từ năm 2022-2025.
Ảnh minh họa.
Sáng 22/3, Báo cáo trước Quốc hội về công tác nhiệm kỳ, liên quan đến nợ công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, thời gian qua đã tăng cường quản lý, sử dụng và kiểm soát nợ công trong giới hạn quy định…
Dù vậy, cùng với kết quả đạt được trong 5 năm qua, Chính phủ cũng đã thẳng thắn nêu ra những yếu kém trong nội dung này: "Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, quản lý sử dụng vốn vay ở một số dự án còn kém hiệu quả, khắc phục còn chậm. Năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh còn thấp”.
Hiện tỷ lệ dư nợ công trên GDP đến cuối năm 2015 là 62,2%, dư nợ Chính phủ là 50,3%, nợ nước ngoài của quốc gia là 43,1%.
Riêng nợ Chính phủ đang “vượt trần” bởi theo Nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2015 nợ Chính phủ không quá 50%.
Đề cập đến “gánh nặng nợ công”, tại buổi họp báo về chính sách cho vay lại nguồn vốn ODA của Chính phủ diễn ra sáng 22/3, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, hiện khoản vay dài nhất của Việt Nam là tới năm 2055. Bình quân các khoản nợ phải trả hiện nay khoảng 12 năm. Do vậy, thời điểm Việt Nam phải trả nợ nhiều là từ năm 2022-2025.
Theo ông Long, từ năm 2010 tới nay, Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình, nên nguồn vốn ưu đãi cũng giảm dần, thời gian vay chỉ còn từ 20-25 năm và thậm chí chỉ 15 năm với mức lãi vay khoảng 2%/năm.
Đến tháng 7/2017, Ngân hàng Thế giới (WB), sẽ chấm dứt ODA với Việt Nam. Tiếp sau đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hàng loạt các nhà tài trợ song phương cũng sẽ chuyển dần hình thức hỗ trợ Việt Nam và Việt Nam sẽ phải tiếp cận nguồn vốn vay thương mại.
Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ nhanh (như khoản vay 20 năm, sẽ phải trả trong 10 năm), hoặc tăng chi phí vốn (lãi suất từ 2% lên 3%).
Ông Long cho biết, hiện Chính phủ đang làm việc với WB để có lộ trình trả nợ, hạn chế tối đa tác động trả nợ nhanh tới ngân sách nhà nước và chủ đầu tư sử dụng vốn ODA.
Trước đó, tại Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình thực hiện Ngân sách Nhà nước năm 2015 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 7/3/2016, Bộ Tài chính cũng cho biết, tính đến ngày 31/12/2015, số nợ công của Việt Nam đã ở mức 62,2%. Nợ Chính phủ ở mức 50,3% (vượt giới hạn cho phép là 0,3%GDP), nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1%GDP và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ ở mức 16,0% tổng thu ngân sách nhà nước.
Trong khi đó, Chính phủ vẫn luôn khẳng định sẽ giữ nợ công ở dưới 65% GDP và giữ thâm hụt ngân sách ở mức dưới 5%/năm.
Từ năm 2014 - 2015 Chính phủ duy trì thực hiện các biện pháp thắt chặt kỷ cương đầu tư công, mua sắm công; thực hiện thu chi ngân sách, phát hành trái phiếu nhằm mục đích đảo nợ, tăng nguồn thu và giảm áp lực lên ngân sách…
Liên quan đến nợ công của Việt Nam, Báo cáo Việt Nam năm 2035 do Ngân hàng Thế giới (WB) và Chính phủ Việt Nam phối hợp thực hiện đã chỉ rõ: Nợ công là vấn đề lớn đối với tăng trưởng và phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
Vì vậy, Việt Nam cần thắt chặt kỷ cương đầu tư công, vay nợ nước ngoài bằng nguồn vốn đối ứng của Chính phủ. Lập kỷ cương thu - chi ngân sách theo hướng tự chủ về thu - chi.
Theo Tổ quốc