Việc đa phương hóa thương mại, để thị trường điều tiết nhưng có sự chỉ đạo chặt chẽ của chính phủ là điều cần thiết cho nền kinh tế Việt Nam.
Theo thống kê của Liên hợp quốc (UN), thế giới hiện nay có khoảng 795 triệu người sống trong cảnh đói nghèo trên tổng số 7,3 tỷ người. Số người giàu và siêu giàu chiếm khoảng 1 tỷ, như vậy có tới hơn 5 tỷ người sống trong mức thu nhập trung bình.
Phần lớn những người có thu nhập trung bình này sống tại các nước đang phát triển như Việt Nam và họ đều mong muốn có 1 mô hình phát triển kinh tế, xã hội bền vững, lý tưởng để có thể vươn lên sánh ngang cũng những người giàu.
Vậy mô hình phát triển nào hiện nay là phù hợp nhất? Là Mỹ hay Trung Quốc? Hay các nước phải tự tìm ra một con đường riêng cho mình?
Đồng thuận Washington
Khái niệm Đồng thuận Washington (Washington Concensus) được chuyên gia kinh tế John Williamson sử dụng lần đầu tiên vào năm 1989, qua đó tập trung phát triển nền kinh tế theo định hướng thị trường tự do và được hàng loạt các tổ chức như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (World Bank) ủng hộ. Những nền kinh tế như Mỹ hay Liên minh Châu Âu cũng phát triển theo định hướng này.
Đồng thuận Washington là một lý thuyết phát triển kinh tế bao gồm 10 yếu tố cơ bản chính:
-Giảm vay nợ công, tránh thâm hụt ngân sách
-Tái tập trung đầu tư công cho các ngành như giáo dục, y tế hay cơ sở hạ tầng
-Cải cách hệ thống thuế
-Để thị trường tự điều chỉnh lãi suất
-Thả nổi tỷ giá hối đoái
-Thực hiện tự do thương mại, cắt giảm các hàng rào thuế quan cũng như loại bỏ các chế độ bảo hộ
-Mở cửa tự do cho đầu tư nước ngoài
-Cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh
-Cắt giảm các quy định và luật lệ, tạo môi trưởng dễ dàng hơn cho kinh doanh, đầu tư và thâm nhập thị trường. Tuy nhiên, những mảng liên quan đến an toàn vệ sinh môi trường, tài chính bảo hiểm, an ninh quốc phòng hay bảo vệ người tiêu dùng thì phải giữ vững.
-Hoàn thiện khung pháp lý cho quyền sở hữu
Tổng thống Mỹ Donald Trump
Với mô hình này, hàng loạt các nước Phương Tây mà tiêu biểu là Mỹ đã có sự phát triển vượt bậc về kinh tế sau Thế chiến II và được nhiều tổ chức kinh tế, chuyên gia thừa nhận. Tuy vậy, định hướng này đòi hỏi chính phủ các nước phải cực kỳ mạnh tay trong cải cách cũng như chấp nhận một số hệ lụy. Bởi vậy, Đồng thuận Washington còn bị gọi là chính sách kinh tế cấp tiến hay liệu pháp sốc.
Mặc dù Đồng thuận Washington ủng hộ tự do thương mại nhưng nhiều chuyên gia cho rằng yếu tố này có thể ảnh hưởng xấu đến các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, khi các tiêu chuẩn hiệp định thương mại buộc các nền kinh tế mới nổi chỉ có thể xoay quanh những sản phẩm có hàm lượng và giá trị thấp.
Thêm vào đó, nếu những nước đang phát triển muốn dịch chuyển sang các mảng có giá trị cao, họ cần một hệ thống hàng rào thuế nhằm bảo hộ các doanh nghiệp trong nước trước những đối thủ quá lớn từ nước ngoài. Ví dụ như hãng Embraer của Brazil chuyên cung cấp các dịch vụ và sản phẩm liên quan đến hàng không vũ trụ đã được nhà nước bảo hộ cũng như trợ giúp mới có thể chống lại các đối thủ vô cùng mạnh mẽ từ Mỹ và Châu Âu.
Ngoài ra, việc luôn giữ nợ công ở mức thấp thường không thích hợp trong mọi giai đoạn phát triển của nền kinh tế mới nổi. Việc thắt chặt đầu tư công không đúng thời điểm có thể khiến nền kinh tế gặp những khó khăn không cần thiết. Ví dụ như sau các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính phủ cần tăng cường đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng. Tất nhiên, các chuyên gia đều đồng ý rằng việc giữ tỷ lệ nợ công ở mức thấp là điều cần thiết cho việc điều hành kinh tế trong dài hạn.
Một yếu điểm nữa mà đồng thuận Washington gặp phải là cổ phần hóa các doanh nghiệp khiến nhiều mảng kinh tế, xã hội không có lợi nhuận bị bỏ không. Ví dụ vào năm 1990, Bolivia đã phải cổ phần hóa ngành cung cấp nước ngọt trước áp lực từ Ngân hàng thế giới (World Bank) nhưng điều này lại khiến nhiều vùng đói nghèo không đủ tiền thanh toán hóa đơn không có nước vì không công ty nào chịu cung cấp dịch vụ cho những khu vực này.
Đặc biệt, việc thả nổi thị trường tài chính, tiền tệ... cho các nhà đầu tư khiến tỷ lệ rủi ro tăng cao. Bằng chứng là hàng loạt các cuộc khủng hoảng kinh tế, suy thoái diễn ra trên thế giới do tác động từ thị trường mở, như cuộc khủng hoảng Châu Mỹ Latinh thập niên 80 hay khủng hoảng tài chính Châu Á thập niên 90.
Rõ ràng, mô hình thị trường mở của Phương Tây còn nhiều lỗ hổng và chưa thực sự là một định hướng đầy đủ cho các nền kinh tế đang phát triển. Vậy phải chăng những ví dụ của các nước phát triển ở Châu Á khác thì thích hợp hơn?
Đồng thuận Bắc Kinh
Trong khi mô hình đồng thuận Washington bộc lộ nhiều yếu điểm thì hiện tượng Trung Quốc bắt đầu nổi lên từ thập niên 70 với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cho đến những năm gần đây.
Thuật ngữ “Đồng thuận Bắc Kinh” (Beijing Consensus) được Cựu tổng biên tập tạo chí Time, ông Joshua C.Ramo sử dụng lần đầu vào năm 2004 để đánh giá chiến lược phát triển kinh tế đổi mới của Trung Quốc cũng như phân biệt với đồng thuận Washington.
Theo quan điểm của Ramo, chính quyền Bắc Kinh tập trung cải cách trọng điểm chứ không thay đổi toàn diện như mô hình đồng thuận Washington, tiêu biểu là việc tập trung cải cách một số ngành kinh tế và mở một số đặc khu trước chứ không làm đồng loạt. Điều này giúp Trung Quốc tránh được những biến động lớn không đáng có cũng như tích lũy được kinh nghiệm cho quá trình phát triển sau này.
Thêm vào đó, Trung Quốc tập trung vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng khác xa so với mục tiêu mở cửa thị trường của đồng thuận Washington. Thậm chí thị trường tài chính và nhiều thị trường khác vẫn phụ thuộc vào các tập đoàn quốc doanh và nhà nước vẫn có sự kiểm soát lớn.
Tất nhiên, nhà nước sẽ hoạt động hiệu quả hơn tư nhân trong một số lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng hay các dịch vụ công, nhưng xu hướng tăng trưởng nóng, dựa vào tư bản chủ nghĩa nhà nước này cũng đem lại một số hậu quả nhất định.
Đầu tiên là việc tăng trưởng nóng khiến phân cấp trong xã hội gia tăng, bất bình đẳng thu nhập nới rộng và xung đột giai tầng ngày một lớn. Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc luôn đạt 2 con số trong vài thập niên trở lại đây nhưng tỷ lệ chi tiêu cá nhân và các khảo sát về thái độ hài lòng của người tiêu dùng không tăng mấy.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Nói đơn giản là kinh tế có tăng trưởng nhưng chất lượng cuộc sống của người dân không tăng, khiến họ không dám chi tiêu nhiều mà thay vào đó là tiết kiệm.
Mặc dù thời gian gần đây, rất nhiều nhà đầu tư Trung Quốc đổ tiền vào chứng khoán, bất động sản nhưng lượng tiêu dùng thực sự, đầu tư thực sự trở lại sản xuất và mua nhà để ở lại không cao. Hậu quả là những thành phố ma, bong bóng chứng khoán cùng nhiều hệ lụy khác đã gây ảnh hưởng đến người dân.
Đặc biệt, việc bỏ qua chất lượng cuộc sống người dân, gây ô nhiễm môi trường cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm khiến người dân ngày càng mất niềm tin vào doanh nghiệp nội.
Có thể thấy bên cạnh mặt tích cực, đồng thuận Bắc Kinh cũng có nhiều yếu điểm không kém đồng thuận Washington.
Đồng thuận Hà Nội?
Việt Nam đang là nước đứng thứ 14 thế giới về dân số, thứ 50 về GDP và 130 về thu nhập bình quân đầu người. Với mức thu nhập trung bình thấp trong khi nhiều dự báo của các tổ chức cho thấy đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ nổi trội trong tương lai, nền kinh tế Việt Nam cần một định hướng rõ ràng cho riêng mình.
Theo dự báo của tổ chức PwC, Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất thế giới từ nay đến năm 2050 và trở thành nền kinh tế đứng thứ 20 trên toàn cầu.
Có thể thấy, mô hình đồng thuận Washington hay đồng thuận Bắc Kinh đều có những điểm sáng để nền kinh tế Việt Nam học hỏi. Đấy là chưa kể, với vị thế là quốc gia đi sau, không thiếu những mô hình phát triển kinh tế thành công khác mà chúng ta có thể áp dụng.
Mặc dù vậy, Việt Nam không thể phát triển sốc như đồng thuận Washington và cũng không cần quá nóng như đồng thuận Bắc Kinh để gánh nhiều hậu quả, vì vậy Việt Nam cần đi theo hướng riêng của mình, một “Đồng thuận Hà Nội”.
Nói cách khác, việc đa phương hóa thương mại, để thị trường điều tiết nhưng có sự chỉ đạo chặt chẽ của chính phủ là điều cần thiết cho nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, những mặt như phân hóa giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm cũng cần được quan tâm đúng mức để không lặp lại theo vết xe đổ của Trung Quốc.
Việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao mà vẫn đảm bảo được tiêu chuẩn sống của người dân dù không dễ thực hiện, đòi hỏi sự quyết tâm và đoàn kết của các cấp lãnh đạo cũng như toàn thể người dân.
Sự thành công của một “Đồng thuận Hà Nội” sẽ không chỉ đem lại thịnh vượng cho người dân và đất nước mà còn khiến nhiều nước trên thế giới xem trọng, học hỏi sự thành công của “con rồng đang ngủ say ở Đông Nam Á”.
Băng Tâm
Theo Thời Đại