Bộ Tài chính trình Chính phủ áp dụng mức thuế suất 10% với nước ngọt và sẽ áp dụng từ năm 2019.
Trong Dự thảo mới nhất, để hướng dẫn điều tiết tiêu dùng đối với đồ uống có đường và phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ Tài chính đề nghị bổ sung nước ngọt có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), trừ các sản phẩm sữa. Theo đó, Bộ Tài đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% áp dụng từ năm 2019.
Căn cứ để đánh thuế, theo Bộ Tài chính, hiện nay ở Việt Nam tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, tỷ lệ béo phì tăng nhanh từ mức 0,6% năm 2000 lên 5,3% năm 2015. Trong khi đó, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các loại đồ uống có đường ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Để định hướng và hạn chế tiêu dùng các loại đồ uống có đường, hiện trên thế giới đã có trên 40 nước thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại đồ uống này.
Từ những lý do trên, Bộ Tài chính đề xuất mức thuế suất phương án 1 là 10% từ năm 2019. Nếu áp dụng mức này, số thu đối với nước ngọt khoảng 4.550 tỉ đồng, số thu thuế giá trị gia tăng tương ứng khoảng 455 tỉ đồng. Tổng số tăng thu khoảng 5.005 tỉ đồng.
Ở phương án thứ hai, Bộ Tài chính đưa ra mức thuế suất 20%, với khẳng định tác động tích cực nhằm để hướng dẫn điều tiết tiêu dùng đối với đồ uống có đường nhằm bảo vệ sức khỏe người dân; phù hợp với thông lệ quốc tế; hạn chế tiêu dùng mặt hàng nước ngọt hơn so với giải pháp 1. Nhưng cơ quan này cũng lo ngại, do đây là mặt hàng mới đưa vào đối tượng chịu thuế TTĐB, nên việc áp dụng thuế suất 20% sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này.
Minh Đức / NCĐT
Nguồn Tổng hợp