Các thị trường đã có phản ứng bước đầu sau tín hiệu của Fed, và Việt Nam về lâu dài cũng không phải là một ốc đảo độc lập.
Phiên giao dịch cuối tuần qua, thị trường chứng khoán Mỹ đã có phản ứng rõ nét hơn sau những tín hiệu tỏa ra từ cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Chỉ số Dow Jones chốt tuần với phiên giảm mạnh 533,37 điểm (-1,58%). Một lý giải chung, nhà đầu tư trù tính và phản ứng với khả năng Fed dần thu hẹp chính sách nới lỏng (qua giảm mua trái phiếu), lộ trình tăng lãi suất cũng dự kiến đến sớm hơn.
Ngay lập tức, như BizLIVE giới thiệu ở các bài viết cập nhật sau cuộc họp của Fed, giới phân tích quốc tế đã nhìn đến một hướng tác động lâu dài: dòng vốn có thể đảo chiều tại các thị trường mới nổi; cùng đó, chi tiết về năng lực dự trữ ngoại hối của các quốc gia ở vùng dự báo có ảnh hưởng được đánh giá một cách chi tiết.
Phân tích của các hàng tin kinh tế hàng đầu thế giới và khu vực như Bloomberg, Nikkei… đan xen những quan điểm, các chiều tác động từ “đường hướng” mới của Fed. Tựu trung, phản ứng nhanh nhất có ở xu hướng lên giá của đồng USD; thị trường chứng khoán, như trên, lo ngại quy mô bơm tiền sẽ không còn rộng rãi như trước. Song, có góc nhìn tích cực: sự phục hồi của kinh tế Mỹ đã khả quan hơn dự báo, thậm chí “tăng trưởng nóng” đã được đề cập đến.
Đồng USD lên giá mạnh gần đây, đặc biệt sau thông điệp từ cuộc họp của Fed tuần qua - Nguồn: Investing
Với Việt Nam thì sao? Không là ốc đảo độc lập, độ mở của kinh tế Việt Nam càng lớn thì các tác động càng thể hiện.
Nếu ở góc nhìn tích cực trên, kinh tế Mỹ phục hồi nhanh, với dự báo năm nay có thể đạt tới 7% như Fed dự tính, nhu cầu ở thị trường này lớn và có lợi cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Song, cầu lớn và kinh tế tăng trưởng nhanh, lạm phát cũng đang là vấn đề trực tiếp tại Mỹ và cả thế giới.
Với lạm phát, Việt Nam lại nhìn sang cả Trung Quốc - nơi mà Việt Nam kéo dài nhập siêu lớn. Việt Nam nhập nhiều nguyên liệu, thiết bị… phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu từ thị trường này, theo đó trở nên sát sườn hơn. Và như BizLIVE phản ánh tuần qua, Trung Quốc tiếp tục có những biện pháp mạnh để kiểm soát giá cả, thậm chí cả vấn đề nguồn lực dự trữ quốc gia từng ít đề cập đến ở nước này cũng đã được “viện” tới…
Diễn biến tỷ giá USD/VND trên các thị trường; sau khi rơi hẳn dưới mốc 23.000 VND, giá USD giao ngay trên liên ngân hàng tăng lên sau cuộc họp của Fed - Nguồn: MSB
Trở lại với tín hiệu sau cuộc họp của Fed, như trên, đồng USD lên giá mạnh. Tỷ giá USD/VND tại Việt Nam cũng bắt nhịp ngay, dù chỉ hơn một tuần trước đó Ngân hàng Nhà nước đã hạ mạnh giá mua vào USD và tỷ giá giảm sâu.
Trên thị trường liên ngân hàng, giá USD đã bật tăng đáng kể phiên đầu tiên đón tín hiệu của Fed, tăng 12 VND lên 22.962 VND; giá USD bán ra của các ngân hàng thương mại cũng lập tức tăng mạnh theo.
Tuy nhiên, như dự báo của giới phân tích quốc tế, về lâu dài khi Fed tăng lãi suất và chênh lệch lãi suất bớt hấp dẫn, kinh tế Mỹ phục hồi…, vốn ngoại có xu hướng đảo chiều và nguồn lực dự trữ ngoại hối quốc gia được nhìn đến. Trong một bài báo mới đây, truyền thông quốc tế thậm chí đã “kiểm đếm” quy mô của từng nước cụ thể.
Tại Việt Nam, dự trữ ngoại hối quốc gia đã có quãng liên tục gia tăng rất mạnh hơn 5 năm qua. Cho đến hiện tại, khi mà cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới đều lần lượt nâng triển vọng của Việt Nam, sức chủ động nguồn lực dự trữ ngoại hối hẳn là một yếu tố trong mắt họ.
Quy mô nguồn lực dự trữ ngoại hối của Việt Nam liên tục tăng cao, cập nhật từng tháng theo dữ liệu của CEIC
Thực tế, dữ liệu cập nhật mới nhất cho thấy Việt Nam đã gia tăng sự chủ động nguồn lực dự trữ ngoại hối “cao nhất mọi thời đại” - từ mà hãng cung cấp dữ liệu kinh tế toàn cầu CEIC Data dùng để nói tới.
Theo CEIC, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã đạt 97,7 tỷ USD tính đến tháng 2/2021. Quy mô này tương ứng với 4,7 tháng nhập khẩu của nền kinh tế, tương đối theo cùng thời điểm.
Tính theo quy mô cũng tại tháng 2/2021, năng lực trên tương ứng với gần 19 tuần nhập khẩu của nền kinh tế, trong khi theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sức đối ứng tương đương 12 - 14 tuần nhập khẩu thì được coi là đủ. Như vậy, nguồn lực của Việt Nam đã đạt mức đối ứng khả quan, cũng là khả quan nhất từ trước tới nay khi nhiều giai đoạn từng phải chật vật cân đối chỉ quanh 8 tuần nhập khẩu.
Nguồn lực đó gia tăng, dày dặn hơn tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước chủ động hơn trong ứng xử với các tác động, cả với khả năng vốn ngoại đảo chiều mà một số hãng tin quốc tế đang hướng đến dự báo ở các thị trường mới nổi như đề cập ở trên.
Quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia thuộc diện thông tin mật, hoặc được Chính phủ chủ động công bố tại một số thời điểm. Con số 97,7 tỷ USD của Việt Nam mà CEIC cập nhật tại tháng 2/2021 được nhấn mạnh “cao nhất mọi thời đại”. Chưa dừng lại, nguồn lực này dự tính sẽ còn tăng thêm.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã thay đổi phương thức mua vào ngoại tệ nửa đầu năm nay, từ mua giao ngay sang mua kỳ hạn 6 tháng. Từ tháng 7 tới, các giao dịch mua này mới lần lượt đáo hạn và ghi nhận thêm.
Dữ liệu từ một số tổ chức tham gia thị trường liên ngân hàng mà BizLIVE tham khảo cho thấy, nguồn ngoại tệ trên đáo hạn sẽ lần lượt ghi nhận thêm quy mô khá lớn, như ước tính trong tháng 7 tới có thể gần 3,6 tỷ USD, tháng 8 có thể đón hơn 1,9 tỷ USD… Theo đó, nguồn lực dự trữ ngoại hối quốc gia của Việt Nam trước mắt ước tính vượt trên mốc 100 tỷ USD và tiếp tục là kỷ lục mới.