Vừa qua, truyền thông trong nước đã phản ánh việc Tập đoàn Ikea của Thụy Điển mất quyền thương hiệu tại Indonesia. Theo đó, Tòa án tối cao của Indonesia ra phán quyết nhãn hiệu này thuộc sở hữu của một doanh nghiệp địa phương là Công ty PT Ratania Khatulistiwa đã đăng ký thương hiệu "Ikea" vào tháng 12/2013.
Ikea đã mất quyền thương hiệu tại Indonesia sau 3 năm không sử nhãn nhiệu tại nước này. Ảnh minh họa
Ikea Thụy Điển là công ty nội thất lớn nhất thế giới về chiến lược bán hàng. Năm 2010, Ikea đã đăng ký nhãn hiệu tại Indonesia, tuy nhiên, ngày 4/2 vừa qua, nhãn hiệu này đã bị buộc hủy bỏ bởi họ không sử dụng nó trong 3 năm liên tiếp.
Được biết, năm 2014, Công ty của Indonesia đã đệ đơn kiện lên toà án quận tại thủ đô Jakarta. Toà án quyết định tên thương hiệu thuộc về Ratania và yêu cầu Ikea Thụy Điển ngừng sử dụng tên của chính hãng này. Công ty Ikea của Thuỵ Điển cũng đã kháng cáo lên toà án tối cao. Mặc dù không được sự đồng thuận của các thẩm phán, song Tòa án tối cao của Indonesia vẫn đưa ra phán quyết hủy bỏ thương hiệu vào tháng 5/2015, tuy nhiên, đến đầu năm 2016, thông tin này mới được công bố.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, một luật gia chuyên nghiên cứu các vụ kiện về sở hữu trí tuệ cho rằng: Việc mất quyền thương hiệu do không sử dụng là tương đối phổ biến trong pháp luật về nhãn hiệu tại nhiều nước trên thế giới. Tại Liên minh châu Âu có những điều khoản mang tính chặt chẽ và cụ thể nhằm hướng tới mục đích tạo ra cơ chế rõ ràng cho phép chấm dứt hiệu lực các nhãn hiệu khi chúng đã được đăng kí mà chủ sở hữu lại không sử dụng trên thực tế. Theo đó, quy định về nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu được thể hiện cụ thể tại Chỉ thị số 2008/95/CE của Quốc hội và Hội đồng châu Âu ngày 28/10/2008, tại phần căn cứ số 9 và Điều 10 của chỉ thị này đã nói rõ mục đích của chỉ thị hướng tới việc bắt buộc hoặc yêu cầu các nhãn hiệu đã được đăng kí phải được sử dụng trên thực tế và chế tài áp dụng nếu nhãn hiệu không được sử dụng
Trong pháp luật của Hoa Kỳ, vấn đề sử dụng nhãn hiệu cũng được quy định khá cụ thể: Sau khi nhãn hiệu được đăng kí, nếu trong khoảng thời gian từ sau năm thứ 5 tới trước khi kết thúc năm thứ 6, chủ nhãn hiệu không cung cấp được các bằng chứng phù hợp về việc sử dụng nhãn hiệu mà không có lí do chính đáng thì văn bằng bảo hộ nhãn hiệu sẽ bị chấm dứt hiệu lực. Yêu cầu này cũng áp dụng tương tự đối với các đơn đăng kí quốc tế chỉ định bảo hộ vào Hoa Kỳ.
Đối với hệ thống pháp luật Việt Nam, hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ của chúng ta vẫn đi sau các nước. Do vậy, các quy định trong lĩnh vực này chủ yếu mang tính kế thừa thành quả của các nước phát triển, lĩnh vực nhãn hiệu cũng không phải là ngoại lệ.
Viêt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới, coi nhãn hiệu là một dạng tài nguyên hiếm, do đó nếu chủ thể nào đó đăng ký nhãn hiệu mà không sử dụng trong 5 năm liên tục thì có thể bị các cơ quan nhãn hiệu hủy bỏ vì lý do không sử dụng, thông thường việc này trải qua thủ tục yêu cầu hủy bỏ hiệu lực vì lý do không sử dụng nộp bởi bên thứ ba.
Thực tế hiện nay, Việt Nam đã và cũng đang có những yêu cầu hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu vì lý do không sử dụng, các cơ quan chức năng cũng thường xuyên giải quyết vấn đề này, tuy nhiên cũng chưa nhiều.
Để công bằng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, luật sư này cho rằng, rất nên có những đợt "thanh lọc" để bảo vệ các thương hiệu đã và đang hoạt động nhưng không được bảo hộ. Trước pháp luật mọi chủ thể nên là bình đẳng do đó rất cần hướng tới việc áp dụng pháp luật không căn cứ vào "lý lịch" dù đó là thể nhân hay các pháp nhân.
Luật sư cũng khuyến cáo, từ những bài học này, doanh nghiệp Việt Nam khi xây dựng chiến lược bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho mình mà trong đó nhãn hiệu/thương hiệu là một thành tố quan trong thì không những phải quan tâm đến việc xây dựng, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ mà còn phải quan tâm đến việc duy trì các quyền này hợp pháp thông qua việc sử dụng thực tế, tránh tình trạng đăng ký rồi để đó.
Theo Thanh Hải / baocongthuong.com.vn