Xã vùng chiêm trũng Trí Yên (Yên Dũng) giờ đây không chỉ được nhiều người biết đến bởi là nơi có chùa Vĩnh Nghiêm (chùa La, chùa Đức La) với mộc bản được UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà còn nổi tiếng với đặc sản tương La do người dân thôn Thanh Long hay còn gọi là thôn La Hạ, xã Trí Yên làm.
Tương La gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của chùa Vĩnh Nghiêm với lịch sử hơn 700 năm. Nhân dân trong vùng đã chắt lọc những phương pháp, cách thức làm tương ngon của nhà chùa và trong dân gian để kế thừa, phát triển thành sản phẩm tương nức tiếng gần xa.
Làm tương La theo phương pháp làm tương ngon của nhà chùa và trong dân gian
Tương là món ăn dân dã của người dân Việt Nam, nước chấm không thể thiếu khi ăn bánh đúc, bánh tẻ, chấm rau muống, cà muối, thịt luộc... Tương còn dùng làm gia vị nấu một số món ăn khác. Từ xa xưa, nhà nhà, người người ở các vùng quê đã biết làm tương ăn dần. Thế nhưng, người sành ăn thì chỉ chọn những loại tương nổi tiếng của một số vùng miền trong cả nước như tương Bần (Yên Nhân - Hưng Yên), tương Cự Đà (Thanh Oai - Hà Tây), tương Nam Đàn (Nghệ An)... Nhiều người cho rằng tương La ngon và có thể so sánh được với các loại tương trên là do được thiên nhiên ưu đãi nguồn nước trong mát nhưng những người làm tương nơi đây cho biết tương ngon hay không phần nhiều do nguyên liệu và kỹ thuật của người sản xuất.
Nguyên liệu làm tương La không thể thay thế được chính là gạo nếp cái hoa vàng và đậu tương hạt nhỏ giống cúc hoa vàng (đắt gấp 2-3 lần đậu tương thường). Gạo nếp chọn lựa kỹ bằng cách giần, sàng sao cho không còn hạt gãy. Ngâm, đãi rồi nấu thành xôi, xong xới ra nong, nia cho lên men, lên mốc tự nhiên. Sau khi mốc lên đều có màu hoa cau là được. Đỗ tương loại bỏ hạt lép, hạt hỏng rửa sạch, rang chín vừa, để nguội rồi xay ra (không quá nhỏ), cho vào chum ngâm với nước trong khoảng thời gian thích hợp cho mềm (khi được nước đỗ tỏa mùi thơm ngào ngạt). Tiếp đó là công đoạn ngả tương (trộn mốc với nước tương đã ngâm, thêm muối cho vừa), đánh đều, phơi nắng, rồi để vào nơi thoáng mát bảo quản. Để tương ngấu, ăn ngon phải mất tối thiểu một tháng. Tương thành phẩm có thể để được khoảng 2 năm mà không cần dùng bất kỳ chất bảo quản nào.
Tương La là sản vật không thể thiếu đối với du khách đến vãn cảnh chùa Vĩnh Nghiêm
(nguồn: www.bacgiang.gov.vn)