Khi đại dịch Covid-19 còn kéo dài dai dẳng, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tăng năng suất, phát triển với tốc độ cao hơn nhiều quốc gia khác.
Chuyển dịch cơ cấu
Trong cuốn sách “Việt Nam hôm nay và ngày mai”, GS Trần Văn Thọ cho rằng, có hai mặt quan trọng cần chuyển dịch để nền kinh tế phát triển tới đây là cơ cấu lao động và cơ cấu doanh nghiệp.
Về mặt cơ cấu lao động, hiện nay lao động dư thừa trong nông nghiệp là rất lớn. Còn tới khoảng 35% lao động làm việc trong lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp, là khu vực mà năng suất rất thấp. Trong khi đó, công nghiệp hoá còn ở mức thấp và cơ cấu công nghiệp còn rất mỏng với lắp ráp là chủ đạo, công nghiệp hỗ trợ yếu, Việt Nam còn ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Vì tính chất đó, trong thời gian qua, xuất khẩu hàng công nghiệp của Việt Nam tăng rất nhanh nhưng càng xuất khẩu càng phụ thuộc vào sản phẩm trung gian nhập từ nước ngoài, nhất là Trung Quốc và Hàn Quốc.
Vì vậy, trong thời gian tới việc đẩy mạnh sản xuất thay thế những mặt hàng trung gian đang nhập khẩu là cần thiết. Cùng với nỗ lực theo chiều sâu này, công nghiệp hoá cũng cần được đẩy mạnh theo diện rộng bằng cách tạo môi trường thông thoáng để doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào những ngành công nghiệp mới. Kết quả là, lao động dư thừa ở nông thôn, ở khu vực nông nghiệp sẽ dịch chuyển nhanh chóng sang khu vực công nghiệp, đưa năng suất toàn xã hội lên cao.
Xuất khẩu hàng công nghiệp của Việt Nam tăng rất nhanh nhưng càng xuất khẩu càng phụ thuộc vào sản phẩm trung gian nhập từ nước ngoài. Ảnh: Lê Anh Dũng
Về cơ cấu doanh nhiệp, hiện nay, khu vực phi chính thức, chủ yếu là kinh tế cá thể, còn chiếm tới 30% GDP. Đây là khu vực có năng suất rất thấp. Mặt khác, doanh nghiệp tư nhân (chiếm độ 10% GDP) cũng phần lớn là nhỏ bé, luôn ở vị trí bất lợi trong thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai.
Khu vực phi chính thức hay kinh tế cá thể và doanh nghiệp tư nhân là những bộ phận chủ yếu của kinh tế ngoài nhà nước, thế mà hầu hết có quy mô quá nhỏ, năng suất thấp vì không có khả năng cách tân công nghệ (vì quá nhỏ nên không có năng lực du nhập công nghệ, không đổi mới thiết bị, không đầu tư lớn), kết quả là không có năng lực kết nối được với chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia.
Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện nay có quy mô rất nhỏ và siêu nhỏ vì môi trường kinh doanh khó khăn (phí tổn hành chánh quá lớn) và khó tiếp cận với vốn và đất để đầu tư.
GS Trần Văn Thọ khẳng định, cải cách hành chính để giảm xin - cho, giảm kiểm tra và hoàn thiện thị trường vốn, thị trường đất đai. Bộ máy phụ trách doanh nghiệp nhỏ và vừa ở trung ương và địa phương cần phát huy chức năng hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ, vừa, siêu nhỏ trong việc vay vốn, tìm đối tác, phương pháp tiếp cận thị trường, tiếp cận công nghệ.
Động cơ tăng trưởng bị đình trệ
Đại dịch Covid-19 tiếp tục đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam, làm cho hai động cơ tăng trưởng kinh tế là xuất khẩu và chi tiêu trong nước bị đình trệ. Về trung và dài hạn, đó là bẫy “thu nhập trung bình” đã cầm chân nhiều nước đang phát triển.
Chuyên gia kinh tế Trần Quốc Hùng đưa ra nhận định trong cuốn sách rằng, mô hình “FDI + lắp ráp để xuất khẩu” sẽ không đủ để đảm bảo tăng trưởng nhanh như trước đây, mà cần phải dựa vào nội lực nhiều hơn, cụ thể là tăng năng suất lao động và tăng tỷ lệ nội địa hoá trong sản xuất công nghiệp.
Hiện nay, tỷ lệ nội địa hoá trong nhiều mặt hàng lắp ráp và xuất khẩu của Việt Nam còn rất thấp. Ví dụ, trong lĩnh vực ô tô, tỷ lệ nội địa hoá xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi chỉ có 7%-10%, xe tải dưới 7 tấn khoảng trên 20%, rất thấp so với tỉ lệ nội địa hoá trung bình 65%-70% trong khu vực.
Quan hệ ngoại thương Việt Nam cũng chưa được cân bằng. Cụ thể, Việt Nam xuất siêu mỗi năm trên 30 tỷ đô la đối với Mỹ và EU, nhưng nhập siêu mỗi năm cũng trên 30 tỷ đối với Trung Quốc và Hàn Quốc. Điều này phản ánh tình trạng Việt Nam chủ yếu nhập nguyên liệu và linh kiện trung đoạn từ Trung Quốc và Hàn Quốc rồi lắp ráp và xuất sang Mỹ và EU.
Việt Nam cần chọn lọc các dự án đầu tư, ưu tiên cho các dự án công nghiệp hiện đại. Ảnh: Lê Anh Dũng
Trong hoàn cảnh này, xu hướng đa dạng hoá và khu vực hoá đã tạo cơ hội tốt cho Việt Nam thu hút FDI. Trong năm 2019, FDI đã đạt 38 tỷ đô la, tăng 7% so với năm trước. Như thế, tính tới cuối năm 2019, tổng cộng vốn đầu tư FDI đăng ký ở Việt Nam lên tới 362,6 tỷ đôla, và 58,4% số vốn đó đã được thực hiện (hay 211,8 tỷ đôla).
Tuy nhiên, FDI vào Việt Nam chủ yếu là từ Hàn Quốc (đứng đầu với 67,7 tỷ đô la hay 18,7%), Nhật (59,3 tỷ đôla hay 16,5%), Hồng Kông/Trung Quốc và Singapore – các nước châu Á chiếm 75% vốn FDI. Việt Nam cần tận dụng cơ hội hiện nay để mở rộng nguồn FDI từ EU (15%) và Mỹ – đầu tư từ Mỹ rất ít, chỉ có 10 tỷ đôla hay 2,8%.
Việt Nam cần chọn lọc các dự án đầu tư, ưu tiên cho các dự án công nghiệp hiện đại, bớt các dự án bất động sản, cần chất lượng chứ không phải số lượng – ông Trần Quốc Hùng nhấn mạnh. Việt Nam không nhất thiết phải tránh hình thức sở hữu 100% công ty FDI thuộc doanh nghiệp nước ngoài, miễn là có luật lệ và kiểm soát rõ ràng. Quan trọng hơn, cần có điều kiện các doanh nghiệp nước ngoài phải giúp đào tạo công nhân lành nghề (việc này cũng cần thiết cho bản thân doanh nghiệp) và sử dụng và giúp phát triển hệ sinh thái thiết bị, phụ kiện cung ứng địa phương để tăng tỷ lệ nội địa hoá.
Tuy có cơ sở tương đối tốt, nhưng thương mại điện tử ở Việt Nam chưa phát triển lắm so với các nước ở châu Á. Trong năm 2020, doanh thu trong thương mại điện tử ước tính đạt 6 tỷ đôla (2,3% GDP) với tỷ lệ xâm nhập 46,9% – so với 7,3 tỷ và 33,7% ở Thái Lan và 4,5 tỷ và 40,6% ở Malaysia. Tuy nhiên các con số này rất nhỏ so với Trung Quốc – với doanh thu 1,1 ngàn tỷ đôla (7,8% GDP) và tỷ lệ xâm nhập 64%.
Tới đây là cơ hội để Việt Nam khai thác lợi thế tương đối về nhân khẩu học so với một số nước trong khu vực, vì tiếp tục tăng lực lượng lao động trong độ tuổi có năng suất cao nhất. Việt Nam cần có chính sách giáo dục và đào tạo thích hợp để xây dựng đội ngũ lao động này, làm cho họ có kiến thức và năng suất cao – vì đó là tài sản lớn trong việc phát triển kinh tế.
Theo dự tính, đến năm 2050, Việt Nam trở thành nước “rất già” với tỷ lệ người già tăng lên đến 20,5% (so với 18,1% ở châu Á). Do đó, trong 10-30 năm tới cần tăng trưởng và phát triển nhanh, để tránh tình trạng xã hội “già trước khi giàu” giống như trường hợp một số nước có lợi tức trung bình thấp như Việt Nam hiện nay.
Việt Nam đã đạt mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2008, hiện nay đang trên đường hướng đến mức trung bình cao. Trong thập niên tới với chiến lược chuyển dịch cơ cấu, với đào tạo theo hướng mới của lực lượng lao động trong giai đoạn dân số vàng, hi vọng kinh tế Việt Nam sẽ có triển vọng phát triển nhanh.