Đó là những ngành học Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn quốc tế, Quản trị thương hiệu, Marketing thương mại …
Theo chuyên gia tuyển sinh trường ĐH Kinh tế quốc dân, trường ĐH Thương Mại, đây là những ngành học mà xã hội đang có nhu cầu cao, phù hợp với sự phát triển của thời cuộc 4.0.
Vậy các ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn quốc tế, Quản trị thương hiệu, Marketing thương mại …được đào tạo như thế nào, ra trường sinh viên làm việc ở đâu?
Sinh viên cần chọn đúng ngành học theo sở trường để không khỏi "ân hận" khi vào học
Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch), mỗi năm toàn ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành cần thêm gần 40.000 lao động.
Tuy nhiên, lượng sinh viên chuyên ngành này ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ có hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.
Chính nhu cầu cao về nhân lực đã tạo ra cơ hội lựa chọn việc làm phong phú cho các cử nhân ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.
Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là ngành học đòi hỏi sự năng động tối đa, bao gồm quá trình quản lý và điều hành du lịch, chịu trách nhiệm phân công công việc cho các hướng dẫn viên du lịch, nhận thông tin để phối hợp với các bộ phận, cơ quan chức năng giải quyết phát sinh, thiết kế các chương trình du lịch,...
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng, thái độ, năng lực tự chủ và trách nhiệm. Cụ thể như sau:
Về kiến thức, sinh viên được trang bị kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, chính trị và pháp luật, du lịch và khách sạn Kiến thức thực tế vững chắc, kiến thức lý thuyết sâu, rộng về Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có khả năng và cơ hội làm việc phù hợp ở các loại hình và tổ chức doanh nghiệp du lịch và lữ hành, các loại hình doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ khách sạn, thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ; các bộ phận quản trị và hoạt động thương mại ở các loại hình doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh;
Các bộ phận R&D ở các tổ chức kinh tế, tổ chức phi lợi nhuận, các viện nghiên cứu, các trường trung học, cao đẳng, đại học; các bộ phận có liên quan đến quản lý thị trường và thương mại ở các cơ quan quản lý nhà nước các cấp
Ngành Quản trị khách sạn quốc tế
Sinh viên theo học quản trị khách sạn quốc tế sẽ có kiến thức tốt về các lĩnh vực kinh tế, quản lý, quản trị kinh doanh, văn hóa, xã hội; có năng lực chuyên sâu về quản trị khách sạn, du lịch với tư duy, cách tiếp cận, phân tích mang tính khoa học, logic;
Kĩ năng làm việc nhóm, làm việc trong môi trường áp lực cường độ công việc cao, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao đối với nhân lực chất lượng, chuyên nghiệp ngành khách sạn trong bối cảnh quốc tế, toàn cầu hóa.
Cử nhân Quản trị khách sạn quốc tế có thể làm việc ở những vị trí công việc như sau: Quản lý, điều hành tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng bộ phận dịch vụ chức năng, dịch vụ du lịch quốc tế, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác.
Quản lý tại các cơ sở kinh doanh nhà hàng, các cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch khác; Nhân sự trong các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức phi chính phủ, tổ chức về du lịch và khách sạn.
Thực hiện các công việc mang tính học thuật, nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý, quản trị khách sạn, kinh tế du lịch tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu...
Chuyên ngành Quản trị thương hiệu
Học chuyên ngành Quản trị thương hiệu sinh viên có kiến thức bao quát về kinh tế, quản lý và kinh doanh bao gồm: Kinh tế học vi mô, Kinh tế học vĩ mô, Các kiến thức về kinh tế xã hội; Các kiến thức về môi trường và thị trường cạnh tranh của quốc gia và quốc tế; Các kiến thức về, môi trường và thị trường cạnh tranh của doanh nghiệp; Luật kinh tế; …
Nắm vững kiến thức chuyên sâu về thực tiễn về ngành marketing và chuyên ngành Quản trị thương hiệu bao gồm: Hành vi khách hàng; Nghiên cứu marketing; Quản trị thương hiệu; Chiến lược thương hiệu; Định giá và chuyển nhượng thương hiệu; Truyền thông marketing… Phân tích, hoạch định, tổ chức triển khai các kế hoạch và quyết định marketing sản phẩm, giá, phân phối, xúc tiến.... về sản phẩm và thương hiệu, và các tình huống và thực hành về xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu. …
Chuyên gia tuyển sinh trường ĐH Thương Mại cho biết, sự khan hiếm của thị trường đối với nhân sự về quản trị thương hiệu càng thể hiện rõ ràng khi chưa có nhiều cơ sở đào tạo mạnh dạn khai thác mảng chuyên sâu này. Thêm vào đó, một số hướng đào tạo vẫn còn nhiều thiên hướng lý thuyết, chưa đi sâu vào nội dung thực tế.
Trong khi đó, nội dung về thương hiệu là nội dung gắn nhiều đối với trải nghiệm của người thực hiện và cần nhiều hơn những cảm nhận mang tính cảm xúc.
Chính vì vậy, để có được một đội ngũ quản trị thương hiệu có kỹ năng có chuyên môn thì không chỉ cần thời gian đào tạo tại môi trường đại học mà còn cần hơn nữa là những khoảng thời gian va chạm, tiếp xúc thực tế.
Nhu cầu thị trường đối với nhân lực Quản trị thương hiệu là không thể phủ nhận. Sự thiếu hụt đối với nhân lực lành nghề trong lĩnh vực này đòi hỏi các cơ sở đào tạo cần tăng cường đổi mới chương trình đào tạo nhằm đáp ứng với yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị thương hiệu có thể phù hợp làm việc tại một số loại hình tổ chức và doanh nghiệp. Cụ thể:
Các loại hình doanh nghiệp kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, đầu tư và sở hữu trí tuệ đặc biệt là các doanh nghiệp có kinh doanh thương mại như: ngân hàng và các tổ chức tài chính, bệnh viện và các cơ sở chăm sóc sức khỏe và y tế, các công ty dược, các sở công thương, các đơn vị xúc tiến thương mại, các đơn vị nghiên cứu thị trường, các trường và các tổ chức đào tạo, các viện nghiên cứu, các đơn vị đầu tư và sở hữu trí tuệ.
Các loại hình doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh ở bộ phận quản trị và thương mại, thị trường, khách hàng; Các tổ chức kinh tế, tổ chức phi lợi nhuận, các viện nghiên cứu, các trường trung học nghề, cao đẳng, đại học, các đơn vị đào tạo ở các bộ phận giảng dạy, nghiên cứu và phát triển thương hiệu... của các tổ chức và đơn vị này.
Các tổ chức và đơn vị quản lý thị trường và thương mại ở các cơ quan quản lý nhà nước các cấp…
Chuyên ngành Marketing thương mại
Hiện nay, những chuyển biến đa dạng cùng với sự phát triển không ngừng của doanh nghiệp cả về số lượng lẫn hình thức hoạt động đòi hỏi các doanh nghiệp luôn phải tìm cách để sản phẩm, dịch vụ của mình định vị được chỗ đứng trên phân khúc thị trường kinh doanh.
Tất cả công ty, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hoặc sản xuất hàng hóa đều cần 1 đội ngũ marketing để quảng bá thương hiệu của mình một cách rộng rãi, từ đó tiếp cận với khách hàng, cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ của mình.
Qua đó lý giải, nhân lực marketing luôn được xếp vào hàng "top" những ngành hút nhân lực nhất trong thời gian gần đây.
Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, từ nay đến năm 2021, chuyên ngành marketing cần đến 10.000 lao động trở lên cho mỗi năm.
Kết quả khảo sát thông số nhân lực trực tuyến Việt Nam cũng cho thấy, chuyên ngành marketing thương mại vẫn tiếp tục dẫn đầu trong 6 lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao nhất.
Thống kê trực tuyến trên trang web về việc làm của Vietnamworks.com cho thấy 49% bản tin tuyển dụng ở Việt Nam hiện nay dành cho những vị trí thuộc lĩnh vực Marketing. Cơ hội thăng tiến ở nghề này là rất cao, có đến 30% vị trí quản lý cao cấp trong doanh nghiệp được nắm giữ bởi những người từng ở các vị trí khác nhau thuộc chuyên ngành Marketing thương mại.
Sinh viên được kiến thức toàn diện về ngành Marketing, nắm vững các kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành Marketing thương mại; có được các kiến thức lý luận, thực tiễn cốt lõi của ngành marketing và chuyên ngành Marketing thương mại cần thiết đối với nhà quản trị marketing, thành thạo các kỹ năng nghề nghiệp của chuyên ngành đào tạo;
Đạt chuẩn chất lượng đầu ra và có năng lực cơ bản nhận dạng và giải quyết các vấn đề liên quan đến chức năng quản trị, điều hành các quá trình kinh doanh, marketing và marketing thương mại chủ yếu của doanh nghiệp; đáp ứng nhu cầu xã hội về nguồn nhân lực có trình độ đại học thuộc các lĩnh vực thương mại hiện đại trong môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế luôn biến động và sự phát triển mạnh mẽ của môi trường kinh doanh số, marketing số...
Sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn biết thực hiện các kỹ năng căn bản của ngành Marketing và chuyên ngành Marketing thương mại gồm phân tích, hoạch định, thực thi, kiểm tra Marketing.
Sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn biết thực hiện các kỹ năng căn bản của ngành Marketing và chuyên ngành Marketing thương mại gồm phân tích, hoạch định, thực thi, kiểm tra Marketing.
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Marketing thương mại thuộc ngành Marketing có khả năng làm việc tốt ở các vị trí công việc là chuyên viên hay nhà quản trị của các bộ phận có liên quan đến hoạt động Marketing thương mại, marketing, thị trường, khách hàng, thương hiệu và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Bộ phận kinh doanh, marketing, thị trường, khách hàng, chăm sóc khách hàng, dịch vụ khách hàng; Bộ phận phát triển sản phẩm, nghiên cứu thị trường, marketing, quản trị hệ thống, kênh và mạng phân phối, truyền thông, xúc tiến thương mại, quảng cáo, quan hệ công chúng, bán hàng (gồm bán buôn, bán lẻ, xuất nhập khẩu).
Bộ phận liên quan đến chất lượng, chuỗi cung ứng, logistics của doanh nghiệp; Các bộ phận của trường đại học, viện nghiên cứu về nghiên cứu thị trường, marketing...