Ngày 25/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tuyển sinh và triển khai công tác tuyển sinh đại học 2021 tại 4 điểm cầu truyền hình Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ.
Kỳ thi tuyển sinh đại học 2021 có một số thay đổi có lợi cho thí sinh. (Ảnh minh họa).
Những điểm mới
Về công tác tuyển sinh đại học năm 2021, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (GDĐH - Bộ GD-ĐT) cho biết, Quy chế tuyển sinh năm 2021 cơ bản giữ nguyên như năm 2020, chỉ có một số thay đổi về mặt kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh.
Điểm mới nhất trong quy chế tuyển sinh năm nay là các thí sinh được 3 lần điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh tìm hiểu kỹ lưỡng hơn thông tin tuyển sinh các trường đại học, đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
Thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nhưng vẫn phải sắp xếp nguyện vọng từ cao xuống thấp, nguyện vọng 1 là ưu tiên cao nhất. Trong đợt 1, các trường xét tuyển các nguyện vọng bình đẳng như nhau không phân biệt thứ tự nguyện vọng. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trên thì không xét những nguyện vọng sau.
Sau khi trúng tuyển thí sinh phải xác nhận nhập học bằng cách nộp giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc. Mỗi thí sinh chỉ được cấp 1 giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc có đóng dấu. Khi xác nhận nhập học thí sinh sẽ không có quyền đăng ký xét tuyển bất kỳ nguyện vọng ở phương thức xét tuyển khác.
Năm 2021, Bộ GD-ĐT cũng bổ sung yêu cầu điểm trúng tuyển theo diện đặt hàng không thấp hơn điểm trúng tuyển của chương trình/ngành đào tạo. Khi UBND tỉnh đặt hàng các trường đại học đào tạo lao động cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp của tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, đối tượng thí sinh là người có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm cấp trung học phổ thông tại địa phương.
Đồng thời địa phương phải có cam kết sử dụng sinh viên tốt nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh đặt hàng phải chịu trách nhiệm giải trình về nhu cầu đặt hàng đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo.
Năm 2021, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường theo mẫu phụ lục và các quy định tại quy chế tuyển sinh. Các trường phải đảm bảo tuyệt đối chính xác, thống nhất các thông tin tuyển sinh khai báo trong trang nghiệp vụ với các thông tin trong thông báo tuyển sinh, đề án như mã trường, mã ngành, mã tổ hợp xét tuyển và chỉ tiêu xét tuyển, tiêu chí phụ,… Việc để sai sót trong khâu này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của thí sinh, đến công tác tuyển sinh của hệ thống.
Băn khoăn 3 nguyện vọng, quá nhiều?
Về điểm mới, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần, nhiều ý kiến cho rằng việc điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần là điểm mới tích cực, nhưng điều chỉnh nguyện vọng 3 lần là quá dài, ảnh hưởng đến thời gian tuyển sinh.
TS Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính bày tỏ: “Kinh nghiệm là nếu cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng nhiều lần thì có thể các em sẽ không nhớ là mình đã thay đổi như thế nào. Thí sinh điều chỉnh trực tuyến được 3 lần, còn nếu điều chỉnh trực tiếp thì được mấy lần”?...
Chia sẻ băn khoăn này của các trường, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay, Bộ sẽ quy định thời gian điều chỉnh nguyện vọng trong khoảng từ 5 đến 7 ngày. Trong khoảng thời gian đó, thí sinh có quyền điều chỉnh nguyện vọng 2 hoặc 3 lần theo hình thức trực tuyến. “Chúng tôi sẽ chỉ đạo các vụ, cục có thể gửi xác nhận đăng ký qua email cho thí sinh để các em chắc chắn về các nguyện vọng đã điều chỉnh”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Liên quan đến lệ phí tuyển sinh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) Phạm Như Nghệ trao đổi, tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các trường nhưng nếu để mỗi trường làm một kiểu sẽ rất khó khăn cho chính nhà trường và thí sinh. Bộ vẫn là đơn vị hỗ trợ quản lý dữ liệu chung và hỗ trợ công tác xét tuyển.
Về lệ phí tuyển sinh, Bộ không có thẩm quyền ra văn bản về việc này, mà sẽ do các trường quyết định. Tuy nhiên, Vụ GDĐH đã tham mưu với lãnh đạo Bộ GD-ĐT việc giảm lệ phí 5.000 đồng do tác động của dịch Covid-19. Và phần giảm đó sẽ thuộc về phần hỗ trợ chung của Bộ, kinh phí cho các sở GD-ĐT và các trường vẫn sẽ như năm 2020.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, đây không phải là vấn đề trọng tâm trong công tác tuyển sinh nhưng rất đáng quan tâm. Các năm trước, Bộ GD-ĐT thống nhất mức thu chung là 30.000 đồng/nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Theo quan điểm của Thứ trưởng, một phần trong mức thu này được sử dụng để nâng cấp phần mềm. Năm nay, phần mềm xét tuyển cơ bản ổn định. Vì vậy, mức thu có thể giảm và số tiền giảm đó sẽ rơi vào chi phí chung thuộc Bộ.
Ảo… nhập học PGS. TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ GDĐH, Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2020 tỷ lệ thí sinh trúng tuyển đợt 1 cao (126,98% chỉ tiêu) nhưng nhập học thấp (60,45%). Lý do bởi nhiều trường chưa nhập đầy đủ danh sách xác nhận nhập học lên hệ thống. Thậm chí một số trường phổ thông còn chạy theo thành tích về tỷ lệ học sinh đỗ đại học bằng cách khuyến khích những thí sinh không có nguyện vọng học đại học vẫn đăng ký xét tuyển, việc này khiến tỷ lệ thí sinh nhập học có độ “vênh” lớn so với số lượng thí sinh đỗ. |