Nếu ai để ý sẽ thấy cuối năm 2015 vừa qua giới tài chính không rôm rả đưa ra các dự báo, bình luận về thị trường tài chính tiền tệ năm 2016 như mọi năm. Hỏi ra mới hay, họ e ngại dự báo bởi cảm thấy hai từ đúng nhất là “bất định”.
Tỷ giá xê dịch 2-5%
Dự báo của một công ty chứng khoán lớn dành cho các khách hàng quan trọng viết: “Nhìn chung, chúng tôi đã không nhìn thấy nhiều sự lạc quan và ổn định của thị trường tiền tệ trong năm 2016 khi năm mới được bắt đầu với hàng loạt biến động trên các thị trường lớn ở toàn cầu. Thị trường ngoại hối được nhận định sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do sức ép giảm giá tiền đồng đến từ nhiều phía, đặc biệt là các yếu tố khách quan khó lường như việc Fed tiếp tục lộ trình tăng lãi suất đô la Mỹ và các động thái của Trung Quốc đối với tỷ giá đô la Mỹ/nhân dân tệ. Trong kịch bản cơ sở, tiền đồng được dự báo sẽ mất giá thêm 3-4% so với đô la Mỹ trong năm 2016”.
Báo cáo này giải thích thêm rằng, kịch bản tỷ giá tăng 3-4% trong năm 2016 được đặt trong bối cảnh nếu cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam đạt thặng dư khoảng năm tỉ đô la Mỹ, Fed sẽ tăng lãi suất thêm 1% và thị trường tài chính quốc tế không có những biến động lớn và bất ngờ, chẳng hạn nếu Trung Quốc không tiếp tục phá giá nhân dân tệ.
Còn đây là dự báo của một quỹ đầu tư: “Chúng tôi tin rằng tiền đồng có thể mất giá trong khoảng 3-5% trong 2016, neo trên các giả định: nhân dân tệ tiếp tục giảm giá và gây sức ép lên các đồng tiền khác, đô la Mỹ còn room để điều chỉnh thêm theo ý chí của Fed, thâm hụt thương mại của Việt Nam tiếp tục kéo dài và dự trữ ngoại hối của Việt Nam tiếp tục ở mức thấp (như con số được nói đến gần đây nhất, khoảng chín tuần nhập khẩu)”.
Trong khi đó, giám đốc khối kinh doanh tiền tệ một ngân hàng nói: “Xem xét kỹ lưỡng các yếu tố trên thị trường ngoại hối, chúng tôi cho rằng tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng sẽ tăng ít nhất 5% trong năm 2016”.
Dân không “nhả” ngoại tệ
Liên quan đến giá trị đồng đô la Mỹ tại Việt Nam, việc lãi suất tiết kiệm đô la Mỹ về 0% không dẫn đến việc người dân không giữ đồng tiền này nữa. Theo thông tin từ các ngân hàng tại TPHCM trong cuộc “khảo sát bỏ túi” của chúng tôi, tiền tiết kiệm đô la Mỹ của doanh nghiệp vẫn tăng lên trong một tháng qua. “Chẳng có mấy doanh nghiệp gửi ngoại tệ để lấy lãi, chủ yếu để họ kinh doanh”, đại diện một ngân hàng giải thích.
Cũng qua cuộc khảo sát này, một số ngân hàng cho biết tiền gửi tiết kiệm bằng đô la Mỹ của người dân nhìn chung giảm nhẹ. Một bộ phận người dân rút đô la Mỹ gửi ở ngân hàng cất ở nhà vì họ sợ đến lúc nào đó gửi ngoại tệ ở ngân hàng còn mất phí. Một phần đông hơn vẫn để lại ngân hàng. Rất ít người có đô la Mỹ đổi ra tiền đồng để gửi tiết kiệm mặc dù gửi tiết kiệm tiền đồng đang có lãi suất cao hơn.
Chị Hương, một người đã gửi gần trăm ngàn đô la Mỹ ở ngân hàng vừa rút về để ở nhà sau khi lãi suất đô la Mỹ về 0% vì đây là số tiền chị dành dụm để cho con đi du học. “Giữ đô la Mỹ càng sớm càng yên tâm vì rủi ro của người giữ tiền đồng là đến khi có nhu cầu thì không mua được đô la Mỹ nữa”, chị cho biết.
“Thực ra lãi suất chính là giá cả tiền tệ. Lãi suất đô la Mỹ bằng 0% trong khi lãi suất tiền đồng 7-8% mà người dân vẫn gửi bằng đô la Mỹ, có nghĩa người ta vẫn nghĩ tiền đồng đang bị định giá cao hơn 8%”, một lãnh đạo ngân hàng bình luận. Điều đó chứng tỏ quan điểm tin cậy đối với đồng đô la Mỹ đã hầu như không thay đổi sau những thay đổi nhằm điều chỉnh giá trị của đồng ngoại tệ này bởi cơ quan điều hành.
Bất chấp những lời giải thích từ NHNN, vẫn còn nhiều người nghĩ “nắm đô la Mỹ chỉ có thắng trở lên” bởi họ cho rằng đô la Mỹ còn tăng giá so với tiền đồng. Cơ quan điều hành vẫn phải chịu sức ép của tâm lý này mà thực tế, thị trường vẫn còn nhìn thấy đô la Mỹ ít nhất phải tăng 1% từ nay tới hết quí 1, theo đánh giá của đại diện một ngân hàng thương mại.
(Theo Hồng Phúc - TBKTSG)