6/10 ngân hàng khảo sát có tỷ lệ nợ xấu tăng so với cuối năm 2015.
Biểu đồ: BizLIVE
Thống kê 10 ngân hàng Việt Nam mới công bố báo cáo tài chính quý IV/2016 gồm Ngân hàng BIDV, Vietinbank, Vietcombank, SHB, MBB, Sacombank, ACB, VIB, NCB và Eximbank cho thấy, tổng nợ xấu của 10 ngân hàng trong năm 2016 đã tăng tới hơn 14.876 tỷ đồng, tương đương tăng 43% so với năm 2015, trong đó, 6/10 ngân hàng khảo sát có tỷ lệ nợ xấu tăng so với cuối năm 2015 (bao gồm Vietinbank, BIDV, Eximbank, SHB, VIB và Sacombank).
Trong khi đó, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn cũng tăng 23,8%, lên 28.712 tỷ đồng và chiếm 58% nợ xấu. 6/10 ngân hàng có tỷ lệ nhóm nợ này gia tăng bao gồm Vietinbank, BIDV, Eximbank, SHB, VIB và Sacombank.
Đứng ở vị trí "quán quân" về tỷ lệ nợ xấu ở thời điểm hiện tại chính là Sacombank với 5,35% tổng dư nợ, tăng mạnh so với mức 1,86% hồi đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng khủng 6,6 lần lên gần 1.525 tỷ đồng so với mức 231 tỷ đồng cuối năm 2015. Nợ nghi ngờ tăng tới 13,9 lần, lên 2.046 tỷ đồng trong khi nợ có khả năng mất vốn cũng tăng gấp 2,3 lần lên hơn 7.071 tỷ đồng.
Đứng thứ hai trong số những ngân hàng có nợ xấu cao trong nhóm khảo sát là ngân hàng Eximbank khi tỷ lệ nợ xấu tăng vọt lên 2,95%, so với mức 1,86% trong năm 2015. Trong đó, đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn của ngân hàng tăng vọt gấp 5,8 lần cùng kỳ trong khi nợ có khả năng mất vốn cũng tăng 41,1%, lên hơn 1.132 tỷ đồng.
Với gần 1.550 tỷ đồng nợ xấu, tương đương 2,58% tổng dư nợ, VIB đang là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao thứ ba. Năm 2015, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này là 2,07%. Dù nợ dưới tiêu chuẩn được cải thiện tốt khi giảm tới 70%, còn hơn 40 tỷ đồng nhưng nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn lại tăng lần lượt 71,3% và 77,4% so với năm 2015.
Xét về con số tuyệt đối, thì 7/10 ngân hàng khảo sát đều có số nợ xấu tăng, trong đó, đứng đầu đang là BIDV với tổng số nợ xấu lên tới hơn 14.177 tỷ đồng, tăng hơn 4.123 tỷ đồng, tương đương tăng 41% so với năm 2015 và chiếm 1,96% tổng dư nợ (cuối năm 2015, con số này là 1,68%). Trong đó, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng chiếm tới 48,7% tổng nợ xấu, đạt gần 6.906 tỷ đồng.
Khác với những năm trước, khi các “ông lớn” trong nhóm “tam trụ” thường giữ những vị trí đầu về con số nợ xấu do quy mô cho vay lớn, năm nay, Sacombank “vươn lên” vị trí thứ hai với hơn 10.643 tỷ đồng được xếp vào nhóm nợ 3,4 và 5, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng Vietcombank đứng thứ ba với 6.636 tỷ đồng nợ xấu, tương đương 1,48% tổng dư nợ. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn so với mức hơn 7.137 tỷ đồng trong năm 2015.
Với hơn 6.742 tỷ đồng nợ xấu, tương đương 1,02% tổng dư nợ, Vietinbank đang là ngân hàng có số nợ xấu cao thứ tư. Con số này đã tăng hơn 1.800 tỷ đồng, tương đương 36,4% so với năm 2015. Trong đó, nhóm nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng chiếm tới 56,5% tổng nợ xấu và tăng 36,6% so với cùng kỳ.
Ở khía cạnh các, vẫn có nhiều ngân hàng trong năm qua kiểm soát nợ xấu khá tốt khi giữ được tỷ lệ nợ xấu và cả con số tuyệt đối đều không tăng hoặc thậm chí giảm. Như ngân hàng MB, tính đến cuối năm 2016, tổng số nợ xấu của ngân hàng ở mức 1.987 tỷ đồng, không biến động nhiều so với năm 2015, trong khi nhờ tăng trưởng tín dụng tích cực đã giúp đẩy tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng về mức 1,32%, so với mức 1,61% hồi cuối năm 2015. Tương tự, tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2016 của ngân hàng ACB là 0,87%, so với mức 1,31% năm 2015.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tăng là do tín dụng của ngân hàng tăng. Tính đến hết năm 2016, dư nợ của 10 ngân hàng đạt 2.694.285 tỷ đồng, tăng trưởng 19,72% so với đầu năm, kéo theo nợ xấu tăng tới 43%.
Theo một báo cáo mới đây của Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tỷ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống theo báo cáo của các TCTD đã giảm nhẹ từ 2,9% (năm 2015) xuống 2,8%. Song việc xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD còn chậm và chưa triệt để, còn áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật. Trong số nợ xấu bán cho VAMC, chỉ mới xử lý được khoảng 38 nghìn tỷ đồng, tương đương 15% và chiếm 4,3% tổng dư nợ tín dụng.
Trần Thúy / BizLIVE