Các đại gia Việt khởi nghiệp từ Đông Âu dồn dập ghi dấu ấn và có một vị thế rất lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Nhóm doanh nhân này làm sôi động đời sống kinh doanh trong nước.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) của chủ tịch Đặng Khắc Vỹ vừa công bố một thành tích ấn tượng: trở thành ngân hàng đầu tiên hoàn thành cả 3 trụ cột Basel II. Đây là một bộ các nguyên tắc chung nhằm xác định các tiêu chuẩn về vốn, thông tin, quản trị, nhân sự, đánh giá nội bộ,... để hạn chế rủi ro kinh doanh của các ngân hàng và tăng cường hệ thống tài chính.
VIB hoàn thành trước thời hạn khoảng 1 năm, vượt qua các tên tuổi lớn như Vietcombank, Techcombank, MBBank, ACB, HDBank,...
VIB của ông Đặng Khắc Vỹ cũng ước tính mức lãi kỷ lục 4 ngàn tỷ đồng trong năm 2019 với tỷ suất lợi nhuận thuộc hàng đầu trong ngành.
Ông Đặng Khắc Vỹ đang nắm giữ hơn 5% vốn VIB, vợ và con nắm gần 10%. Cách đây vài năm, tỷ lệ của nhà ông Vỹ tại VIB còn cao hơn khá nhiều, nhưng sau đó tỷ lệ này thay đổi do sự sắp xếp lại trong ngân hàng.
Tại ĐHCĐ Ngân hàng VIB 2018, ông Đặng Khắc Vỹ được các cổ đông hỏi bao giờ thành tỷ phú trên sàn chứng khoán sau khi một loạt đại gia khởi nghiệp từ Đông Âu đã trở thành tỷ phú, như Phạm Nhật Vượng, Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đăng Quang, Nguyễn Thị Phương Thảo.
Đại gia Việt khởi nghiệp từ Đông Âu.
Ông Phạm Nhật Vượng gần đây ghi dấu ấn chưa từng có với cú xoay mình, dồn lực vào lĩnh vực công nghiệp (sản xuất ô tô, xe máy động cơ đốt trong và điện) và công nghệ (điện thoại, TV,... ).
Trong khi đó, tỷ phú “gốc Đông Âu” Nguyễn Đăng Quang cùng với Masan vươn mình sang nhiều lĩnh vực mới, trong đó có cú ra mắt của ngành chế biến thịt mát Meat Life trị giá 10 tỷ USD và đưa cổ phiếu MML lên sàn cũng như thâu tóm mảng bán lẻ Vinmart của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Nữ tỷ phú số 1 Đông Nam Á, CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo lại có tham vọng biến Vietjet trở thành hãng hàng không toàn cầu, đồng thời phát triển mạnh Ngân hàng HDBank (gộp của 3 ngân hàng trước đó). Bà Thảo hiện có khối tài sản 2,7 tỷ USD.
Cặp tỷ phú Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang ngày càng giàu lên nhanh chóng với hai đế chế Masan và Techcombank. Sự bứt phá của Masan là rất lớn. Trong khi đó, Techcombank được biết đến là doanh nghiệp cho vay lớn đối với Vingroup của ông Vượng.
Ông Nguyễn Đăng Quang (1963) là tiến sĩ vật lý hạt nhân sau 10 năm theo học tại Belarus và về Việt Nam công tác tại viện khoa học Việt Nam, rồi trở lại Nga vào thập niên 90 để kinh doanh thực phẩm.
Còn ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970, nguyên quán ở Thừa Thiên - Huế, tốt nghiệp kỹ sư điện tử tại đại học Bách khoa Kiev (Ukraine). Khi sống tại Đông Âu, ông Hùng Anh quen biết ông Nguyễn Đăng Quang và cùng nhau xây dựng đế chế Masan, sau đó đầu tư vào Techcombank.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng gây dựng đế chế Vingroup có tác động lớn tới nền kinh tế Việt Nam.
Doanh nghiệp chưa lên sàn Sungroup của ông Lê Viết Lam cũng được xem là một đế chế có vị thế trong nền kinh tế Việt. Ông Lê Viết Lam (1969) cũng đã có một thời gian dài hoạt động nổi bật ở thị trường Đông Âu, tại Ukraine cùng ông Phạm Nhật Vượng với thương hiệu mì ăn liền Mivina. Bên cạnh đó, ông Lam còn từng được nhắc đến với các chức vụ như Chủ tịch hội doanh nhân Việt Nam tại Ukraine.
Theo V. Hà / vietnamnet.vn