Hàng loạt hãng taxi - xe ôm công nghệ đang đồng loạt tăng tốc chiêu mộ lái xe, tung gói khuyến mại cho khách hàng, quyết giành thị phần với Grab sau khi Uber tháo chạy.
Tài xế T.net diễu hành liên tục tại Hà Nội những ngày qua để tăng nhận diện. Ảnh: TN. |
Khi Uber và Grab còn vài ngày để hoàn tất kế hoạch chuyển giao thì thị trường xe ôm - taxi công nghệ Việt Nam cũng chứng kiến sự sôi động từ các đối thủ khác. Nhiều hãng đang tung ra các chương trình khuyến mại, quảng bá rầm rộ nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng. Song song với đó là các chính sách hấp dẫn để chiêu mộ tài xế.
Theo nguồn tin của Zing.vn, Go-Jek, đối thủ của Grab tại Đông Nam Á, đang trong giai đoạn tuyển lãnh đạo và lên kế hoạch đến Việt Nam. Tuy nhiên, Go-Jek không phải là hãng được thí điểm xe hợp đồng điện tử theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, nên việc vào Việt Nam ngay là không thể. Hãng này có thể phải đợi Nghị định 86 ban hành.
Phương Trang cho biết đã rót 100 triệu USD vào đầu tư ứng dụng VATO. |
Tương tự là Didi Việt Nam. Hãng này đang trong giai đoạn tuyển nhân sự, đối tác và lo các thủ tục pháp lý vào Việt Nam. Didi Chuxing được biết tới là hãng taxi công nghệ đã đánh bật Uber ra khỏi thị trường Trung Quốc. Hãng này đang chiếm 90% thị phần gọi xe bằng ứng dụng tại Trung Quốc. Nếu Didi đến Việt Nam thì đó là một đối thủ rất lớn của Grab.
Trên các trang mạng xã hội, việc tuyển tài xế cũng đang được nhiều ứng dụng công nghệ đối thủ của Uber và Grab đẩy mạnh.
Ứng dụng VATO của Phương Trang đang trong quá trình “lột xác” để cạnh tranh với Grab. Phương Trang tuyên bố đầu tư 100 triệu USD (hơn 2.200 tỷ đồng) vào ứng dụng ViVu và đổi tên thành VATO để cạnh tranh với Grab. Hãng này kỳ vọng VATO sẽ bùng nổ tại Việt Nam khi ra mắt vào tháng 4 này.
VATO được coi là một ứng dụng “made in Vietnam” nhưng khá “lận đận” vào thời Uber, Grab bùng nổ. Ban đầu ứng dụng này có tên là Facecar, sau đó đổi tên sang ViVu, và giờ là VATO khi được rót thêm vốn.
Ứng dụng này đang áp dụng mức chiết khấu với tài xế đối tác là 20% (Grab là 25% chưa thuế), giá mở cửa là 6.000 đồng, cước phí với 1 km là 8.000 đồng. Hãng này còn tuyên bố sẽ đảm bảo mức hỗ trợ cho tài xế 35.000 đồng/chuyến. Tức tài xế đủ chuyến dưới 35.000 đồng sẽ được hỗ trợ để đạt mức này.
Ngoài ra, vào giờ cao điểm, VATO hỗ trợ thêm cho tài xế 20% doanh thu. Ứng dụng gọi xe "made in Vietnam" này dự kiến sẽ mua điểm đón tại sân bay, bến xe, khách sạn… để tài xế được tăng thu nhập.
Để thu hút khách hàng, từ ngày 1/4, VATO còn tung ra khuyến mại khủng, mỗi khách hàng được nhận 1 mã giảm giá 50% (tối đa 30.000 đồng) cho 3 chuyến trong ngày.
Một ứng dụng “made in Vietnam” khác là T.net cũng đang đẩy mạnh quảng bá rầm rộ những ngày qua. Liên tiếp từ cuối tháng 3, T.net tổ chức diễu hành tại nhiều tuyến phố tại Hà Nội, để người tiêu dùng nhận diện.
Nhiều tài xế Uber gia nhập Mai Linh Bike sau khi hãng này thông báo sáp nhập vào Grab. Ảnh: HNL. |
T.net vốn là một ứng dụng được phát triển bởi thầy trò của Đại học FPT. Ứng dụng này đang tung ra nhiều chính sách để chiêu mộ tài xế cũng như thu hút khách hàng. Thông tin hãng này tung ra, tài xế sẽ được thưởng 1 triệu khi giới thiệu thành công 100 hành khách trước ngày 30/4, thưởng 10.000 đồng/hành khách khi thành thành chuyến đi.
Hành khách còn nhận được các chính sách khác như miễn phí 70% cho 2 chuyến đi đầu tiên (tối đa 80.000 đồng), nhập mã TNET được giảm 40% cho 3 chuyến (tối đa 90.000 đồng)….
Một đối thủ lớn của Grab là Mai Linh Bike cũng đã bắt đầu tăng tốc. Đại diện hãng này cho biết đã có hàng trăm tài xế tìm đến đầu quân trong tuần qua. Hãng nói đã phải mở các lớp đào tạo cho lái xe vào cả thứ 7 và chủ nhật mới đáp ứng kịp số lượng tăng mạnh của tài xế.
Hiện Mai Linh Bike vẫn áp dụng mức chiết khấu 17% cho tài xế, miễn chiết khấu 2 tháng đầu tiên cho những người gia nhập mới. Giá cước Mai Linh Bike phổ thông được tính mức 11.000 đồng cho 2km đầu. Từ km thứ 3 tính giá 3.700 đồng/km, không tính cước thời gian.
Theo Zing News