Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID) ấn tượng với tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp 3 và 4 tại Việt Nam. Tuy nhiên thực tế cho thấy, các hệ thống chính phủ điện tử ở nước ta thường chỉ đạt tỷ lệ sử dụng khoảng 10%.
Việt Nam và nỗ lực triển khai Chính phủ điện tử
Chính phủ điện tử (CPĐT) có thể được hiểu là việc sử dụng các thiết bị truyền thông hiện đại như máy tính hay mạng Internet để cung cấp những dịch vụ công cộng cho công dân. Đây cũng là cách mà chính phủ có thể kết nối tới người dân, doanh nghiệp, giữa các chính phủ với nhau và giữa chính phủ với các viên chức chính phủ.
Việc phát triển CPĐT là xu hướng tất yếu, góp phần nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng vặt, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động.
Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, Chính phủ đã cho thấy nhiều động thái quyết liệt trong việc xây dựng CPĐT. Ngày 24/6/2019, hệ thống E-Cabinet chính thức được vận hành. Với E-Cabinet, Văn phòng Chính phủ có thể tổ chức lấy ý kiến các thành viên Chính phủ một cách đơn giản, nhanh chóng. Đây là phương thức làm việc mới, giúp chuyển đổi từ văn bản giấy sang môi trường điện tử.
Ảnh mô phỏng hệ thống e-Cabinet được cung cấp cho UBND TPHCM. e-Cabinet gồm hệ thống văn bản điện tử - ký số điện tử, hệ thống văn bản điện tử - theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ và hệ thống phiên họp không giấy tờ.
Ngày 9/12/2019, Cổng Dịch vụ Công Quốc Gia chính thức ra mắt - đánh dấu mốc quan trọng trong cải cách hành chính của Việt Nam. Tính ưu việt của Cổng Dịch vụ công Quốc gia thể hiện ở việc giảm thiểu tối đa thời gian khai báo thông tin cho người dùng.
Người dân, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký 1 tài khoản tại địa chỉ dichvucong.gov.vn để tra cứu thông tin cũng như nộp hồ sơ trực tuyến các thủ tục hành chính và dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương được tích hợp.
Tuy nhiên, theo báo cáo từng được công bố của Hội Truyền thông số Việt Nam và Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT), việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các tỉnh hiện còn chưa cao. Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 không phản ánh đúng thực trạng phát triển CPĐT. Khoảng cách giữa các tỉnh trong việc phát triển CPĐT cũng là một vấn đề đáng lưu ý.
Điều này được kỳ vọng sẽ sớm giải quyết khi theo lộ trình đến năm 2020, Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ tích hợp tối thiểu 30% các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu. Các năm tiếp theo, mỗi năm sẽ tích hợp thêm 20% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương.
Chính phủ điện tử tại Việt Nam từ góc nhìn quốc tế
Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, Việt Nam hiện đang đứng thứ 88/193 về Chỉ số phát triển CPĐT, tăng 1 bậc so với thứ hạng 89 trong cuộc khảo sát năm 2016. Xét theo khu vực, Việt Nam hiện đang đứng thứ 6/11 về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử tại ASEAN.
Hệ thống theo dõi và giám sát các chỉ số phát triển ngành TT&TT giúp phục vụ công tác chỉ đạo và điều hành của Bộ TT&TT. Ảnh: Trọng Đạt
Về sự sẵn sàng của Chính phủ số và Dữ liệu mở, báo cáo tháng 2/2019 của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, trong 7 lĩnh vực được khảo sát, Việt Nam có 4 lĩnh vực ở mức 3 và 3 lĩnh vực ở mức 2 trên thang 5 điểm.
Trong số này, các lĩnh vực mà Việt Nam có điểm sẵn sàng thấp (2/5) gồm Thay đổi quy trình công việc; Năng lực, tập quán, văn hóa, kỹ năng và Cơ sở hạ tầng dùng chung. Không có lĩnh vực nào có độ sẵn sàng ở mức cao (4 và 5 điểm).
Theo báo cáo của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID), hầu hết các cấp cơ quan Chính phủ của Việt Nam được khảo sát đều cho thấy sự ấn tượng với tỷ lệ cao các thủ tục hành chính cấp 3 (hỗ trợ gửi biểu mẫu trực tuyến) và cấp 4 (hỗ trợ thanh toán điện tử). Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỷ lệ sử dụng các hệ thống chính phủ điện tử thường chỉ đạt ở mức khoảng 10%.
Hiện Việt Nam có 11 CSDL và hệ thống CPĐT thiết yếu gồm CSDL Dân Cư, CSDL Đất đai, CSDL đăng ký doanh nghiệp, CSDL bảo hiểm, CSDL tài chính, CSDL phúc lợi xã hội, CSDL đầu tư, Cổng dịch vụ công quốc gia, Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP), Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ và Hệ thống báo cáo quốc gia.
Theo USAID, Việt Nam đã có một số cơ sở dữ liệu (CSDL) quan trọng quy mô quốc gia được xây dựng và phát huy hiệu quả, tạo tiền đề để xây dựng Chính phủ số. Tiêu biểu là CSDL về Bảo hiểm, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Giáo dục, Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, có hai CSDL dùng chung vẫn chưa hoàn thành là CSDL Dân Cư, CSDL Đất đai.
Mô phỏng Hệ thống hiển thị Chỉ số báo cáo và xử lý thủ tục hành chính tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Trọng Đạt
Đánh giá của USAID cho rằng, những khó khăn chính của Việt Nam trong việc triển khai CPĐT bao gồm thủ tục hành chính yêu cầu được ký và đóng dấu quá nhiều. Việt Nam cũng chưa có dữ liệu tập trung, nhất quán, phục vụ quá trình ra quyết định dựa trên dữ liệu.
Bên cạnh đó, Việc Nam có tỷ trọng đầu tư vào các tòa nhà và phần cứng lớn, không chuyển thành các dịch vụ điện tử hiệu quả trong nhiều trường hợp. Việt Nam hiện phụ thuộc nhiều vào việc thuê ngoài đối với các doanh nghiệp nhà nước, vẫn còn những hạn chế về cơ hội tham gia cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo USAID, các hệ thống chính của Việt Nam hiện chưa được tích hợp để chia sẻ dữ liệu. Thủ tục phê duyệt đầu tư dự án CNTT kéo dài khiến các công nghệ khi được triển khai đã trở nên lỗi thời.
Tại Báo cáo đánh giá độc lập về CPĐT Việt Nam, các chuyên gia tư vấn đề xuất Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng công nghệ nhằm hỗ trợ tối đa cho quản trị công. Chính phủ cũng nên mở rộng việc giao cho doanh nghiệp tham gia cùng nhà nước trong quá trình cải cách và đẩy mạnh áp dụng hình thức PPP, giảm bớt việc nhà nước tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nên đấu thầu giao cho doanh nghiệp.
Các chuyên gia cũng đề xuất Bộ TT&TT xây dựng và khai trương cổng dữ liệu mở quốc gia nhằm hình thành Dữ liệu Mở, công khai dữ liệu hành chính thuộc sở hữu của chính phủ. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị sớm hoàn thiện bộ chỉ số đánh giá về chính phủ điện tử cho các Bộ Ngành địa phương, đô thị và tổ chức đánh giá định kỳ hàng tháng.
Theo Trọng Đạt / vietnamnet