Những ngày qua, câu chuyện về Nhà máy lọc dầu Dung Quất có nguy cơ dừng hoạt động vì không bán được hàng được dư luận đặc biệt quan tâm. Thế nhưng, đó chỉ là một lát cắt buồn trong bức tranh chung của các dự án lọc dầu ở Việt Nam, gắn với đó là những khoản ưu đãi không hề nhỏ.
Ảnh minh họa.
Liên tục “đòi” cơ chế
Nhà máy lọc dầu Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên và duy nhất đi vào hoạt động ở Việt Nam từ năm 2010 đến nay. Vì là nhà máy đầu tiên cho nên Dung Quất được hưởng rất nhiều ưu đãi. Chẳng hạn, Chính phủ đã ban hành và hoàn thiện cơ chế cho Dung Quất được giữ lại một “giá trị ưu đãi” theo mức thuế NK (3% đối với sản phẩm hóa dầu, 5% đối với khí LPG, 7% đối với xăng dầu). Có nghĩa trước khi bán ra thị trường, sản phẩm của Dung Quất được cộng vào giá bán 3-7% thuế NK (tùy sản phẩm)... Nhờ cơ chế này, Dung Quất luôn “từ lỗ thành lãi” bởi giá trị ưu đãi mà Dung Quất được giữ lại là rất lớn. Cụ thể, theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), từ năm 2010 - 2014, tổng giá trị ưu đãi mà Dung Quất được hưởng từ cơ chế lên tới trên 26.000 tỷ đồng.
Cũng vì nhận được lợi ích lớn từ khoản ưu đãi nói trên, cho nên khi có thông tin nhà máy "tỷ đô" này lâm cảnh “nguy cơ dừng hoạt động” chỉ vì giá bán sản phẩm dầu diezel, nhiên liệu bay của Dung Quất chịu thuế cao hơn 10% so với hàng cùng chủng loại nhập từ ASEAN, khiến dư luận không khỏi “sốc”.
Không phải chỉ đối mặt thách thức về thuế, sức ép cạnh tranh với các nhà máy lọc dầu trong nước khác đang rục rịch triển khai cũng khiến Dung Quất lo ngại. Bởi vì cơ chế được “giá trị ưu đãi” 3 - 7% của Dung Quất như đã nêu ở trên sẽ kết thúc vào năm 2018, trong khi đó Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn ở Thanh Hóa (dự kiến vận hành từ 2017) được ưu đãi đến tận năm 2027. Từ đó, PVN lại đề nghị Chính phủ cho Dung Quất được kéo dài thời hạn hưởng cơ chế ưu đãi đến năm 2027 như Nghi Sơn
Trao đổi với phóng viên, TS. Ngô Minh Hải, Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ DNNN (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng: “Lọc dầu Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam, là bước đột phá phát triển kinh tế miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung. Cho nên khi làm Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Chính phủ mới cho hưởng nhiều ưu đãi. Thế nhưng khi các dự án lọc dầu đang ngày càng nhiều ở Việt Nam, các chính sách ưu đãi nên siết lại”.
TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho rằng: Đơn vị vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất nên cố gắng phục hồi lại quản lý của nhà máy, vì dự án này chúng ta tự đầu tư nên quản trị của chúng ta không được tốt lắm so với nhà máy khác có quản trị của nước ngoài. Mấu chốt là tìm hiểu, tháo gỡ những khó khăn hiện nay của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, từ đó quay trở lại xây dựng hệ thống quản trị mới có sức cạnh tranh, còn cứ để ưu đãi mãi, bù lỗ mãi thì Dung Quất không thể tiến lên được. Tôi cho rằng Bộ Công Thương, PVN phải trực tiếp xử lý việc này, không phải cái gì cũng cứ đề nghị lên Chính phủ ưu đãi.
Không dễ dãi ưu đãi
Trường hợp Dung Quất đề nghị các ưu đãi không phải là cá biệt. Dù được duyệt nhiều ưu đãi có phần “trội” hơn Dung Quất, và chỉ mới trong quá trình xây dựng nhưng Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn 9 tỷ USD ở Thanh Hóa cũng đang đối mặt với nhiều rủi ro về tiêu thụ sản phẩm. PVN - đơn vị phải bao tiêu sản phẩm cho nhà máy đã tính toán rằng, khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn vận hành thương mại vào năm 2017 và đạt công suất tối đa vào năm 2018, tổng cung sẽ vượt cầu khoảng 821.000 m3, riêng sản phẩm dầu diezel sẽ dư khoảng 849.000 m3. Tình hình này khiến PVN cho rằng việc thực hiện bao tiêu sản phẩm cho lọc dầu Nghi Sơn là khó khăn rất lớn. Vì vậy, PVN kiến nghị Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính, Bộ Công Thương trên cơ sở cân đối cung cầu, chỉ cấp hạn ngạch (quota) NK sau khi cân đối đảm bảo tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước như Nghi Sơn và Dung Quất.
Thế nhưng, cân nhắc kỹ lưỡng, các bộ ngành như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… đã thẳng thừng “bác bỏ” đề nghị này vì có thể vi phạm cam kết WTO.
Không phải chỉ lọc dầu Dung Quất hay Nghi Sơn mới đòi hỏi cơ chế riêng như trên, nhiều nhà đầu tư nước ngoài khi bày tỏ ý định “rót” vốn vào lọc dầu ở Việt Nam cũng luôn đi kèm các đòi hỏi ưu đãi “khổng lồ”. Song, không phải nhà đầu tư muốn sao là Chính phủ Việt Nam duyệt vậy. Bằng chứng là cách đây ít lâu, Tập đoàn Gazprom Neft khi bày tỏ ý định mua 49% cổ phần của lọc dầu Dung Quất đã đính kèm thêm hàng loạt đề nghị ưu đãi vượt trội. Tất nhiên, những đề xuất kiểu này đã bị các bộ, ngành của Việt Nam từ chối. Cuối cùng, Gazprom Neft đã chính thức từ bỏ ý định đầu tư vào Dung Quất.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cần cân nhắc thận trọng những đề xuất ưu đãi với lọc dầu. Bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh: “Vào thời gian rộ lên phong trào làm dự án lọc dầu, nhà đầu tư nào cũng tính nhu cầu trong nước sẽ rất lớn, dự án sẽ giúp giảm NK, và ông nào cũng cam kết sẽ XK để mang lại ngoại tệ. Nhưng sau này điều kiện thị trường thay đổi thì có thể cũng như Nghi Sơn, Dung Quất, họ lại đổ hết gánh nặng lên Nhà nước và người dân Việt Nam”.
Trao đổi với phóng viên, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cũng đồng tình với quan điểm trên. Theo GS Nguyễn Mại, các dự án lọc dầu cần vốn đầu tư lớn, song giá trị gia tăng không cao, lại tạo ra không nhiều công ăn việc làm, nên đóng góp ngân sách cũng không lớn. “Quan điểm của tôi từ lâu là không nên thêm nhà máy lọc dầu nữa. Công suất các nhà máy như trong quy hoạch dầu khí đã là đủ rồi. Chúng ta có nhiều hiệp định thương mại tự do mới, có cơ hội chọn các nhà đầu tư vào công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, dại gì chọn lọc dầu” - ông Nguyễn Mại khẳng định.
(Theo Báo Hải Quan)