Thiết nghĩ, du học là tốt, nhưng nó phải đi kèm với nền tảng học vấn và tài chính, đạo đức vững vàng, nếu không gia đình các em và chính các em đã tự bỏ công sức, tiền bạc ra để tự đẩy mình vào thảm cảnh nơi đất khách quê người.
Những năm gần đây, học sinh, sinh viên Việt Nam đi rất nhiều nước trên thế giới để du học như Hàn Quốc, Đức, Anh, Úc, Nhật. Thế nhưng có một câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra, đó là tại sao chỉ duy nhất tại Nhật mà người Việt quá tai tiếng vì trộm cắp, đâm chém, lừa đảo lẫn nhau?
Tất nhiên người ta luôn phải chấp nhận rằng trong bất kỳ cộng đồng nào sẽ luôn có một tỷ lệ nhất định những người không tuân thủ các quy định luật pháp nhưng chỉ đáng tiếc tỷ lệ này trong nhóm người Việt tại Nhật quá cao. Tỷ lệ tội phạm người Việt ở Nhật cao thứ 2 trong tất cả các cộng đồng người nước ngoài tại Nhật, chỉ đứng sau Trung Quốc.
Vậy điều gì đã dẫn đến tình trạng trên? Theo ý kiến của phóng viên, nó có rất nhiều nguyên nhân chính từ việc khâu làm hồ sơ có rất nhiều vấn đề và gian dối.
Phóng viên đã có cuộc tiếp xúc với khá nhiều người chuyên xử lý hồ sơ đi du học Nhật (học tại các trường tiếng) cũng như bản thân từng hướng dẫn làm hồ sơ du học Nhật vì thế có thể đưa ra những nhận xét sau về quy trình làm hồ sơ hiện nay.
Điều kiện tối thiểu của các trường tiếng đưa ra với học sinh là: Đã tốt nghiệp cấp 3 không quá 3 năm, điểm tổng kết cao hơn 6,0; hoặc nếu đã học xong đại học cao đẳng thì tính từ thời điểm tốt nghiệp đến khi làm hồ sơ đi Nhật không quá 5 năm.
Và các bộ hồ sơ đi học trường tiếng nhìn chung có những loại giấy tờ căn bản nhất như sau:
- Đơn xin học theo mẫu của trường tiếng
- Giấy chứng nhận đã học tiếng Nhật ít nhất 6 tháng
- Chứng minh tài chính của người bảo lãnh (số tiền có trong tài khoản không dưới 500 triệu)
- Hợp đồng lao động của người bảo lãnh và giấy đồng ý bảo lãnh theo mẫu của nhà trường
- Sổ hộ khẩu gia đình của học sinh và người bảo lãnh
- Chứng minh thư, hộ khẩu công chứng của học sinh và người bảo lãnh
- Công chứng dịch của tất cả các loại bằng cấp 3, đại học hoặc cao nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đi học
- Ngoài ra, còn một số loại giấy tờ khác đặc thù với từng trường hợp.
Quan điểm của chúng tôi trong bài viết này không bao gồm tất cả các công ty du học Nhật, vì có rất nhiều công ty làm ăn tử tế, không chộp giật, không lừa đảo. Nhưng cùng lúc đó có những công ty xấu đã làm giả hồ sơ để lọt khá nhiều học sinh có thể nói là không đủ điều kiện để đi học nước ngoài.
Với loại giấy tờ đơn giản nhất như giấy chứng nhận học tiếng Nhật ít nhất 6 tháng. Thông thường nếu theo chương trình thì 3 tháng sẽ học hết 25 bài trong giáo trình Mina No Nihonggo (Tiếng Nhật cho mọi người). Và như vậy 6 tháng sẽ học hết 50 bài, nếu thực sự học vững sẽ tương đương với trình độ N3. Để dễ hiểu, nó tương đương với khoảng 5.0 IELTS của tiếng Anh.
Tuy nhiên rất nhiều trung tâm thậm chí học sinh đến khi sang Nhật mà còn chưa thuộc hết hai bảng chữ căn bản của tiếng Nhật là bảng hiragana và katakana. Sai lầm hơn nữa là các em lại nghĩ rằng không cần học mà sang Nhật vẫn kiếm được việc thế nên các em càng không chịu học.
Thế nhưng nếu không cấp giấy cho học sinh đi thì công ty không có doanh thu, nên công ty cũng đành phải “ngoảnh mặt làm ngơ”. Chắc độc giả cũng hiểu đi ra nước ngoài mà thậm chí các em không nói nổi những câu căn bản kiểu: “Tôi muốn đi đến nơi này, tôi muốn học cái này, tôi muốn nói chuyện với bạn” thì cuộc sống khó khăn đến mức độ như thé nào.
Lỗi này theo phóng viên, không hẳn bắt nguồn từ công ty du học. Trên thực tế, phóng viên đã tiếp xúc với cả các công ty du học, cả tốt và xấu, công ty nào cũng luôn ra rả nói với học sinh rằng : “Các em hãy cố gắng học cho tốt sau qua Nhật giỏi tiếng đỡ khổ”, nhưng ý thức của các em quá kém nên bỏ bê việc học, bỏ học nhiều và về nhà không làm bài tập dù công ty có gây sức ép đến thế nào đi nữa.
Theo quy định, cá nhân người bảo lãnh cho học sinh (thường là người có quan hệ huyết thống) phải có tiềm lực tài chính tốt, có số tiết kiệm do ngân hàng cấp có dấu đỏ. Thế nhưng hiện nay có không ít ngân hàng đang kinh doanh dịch vụ chứng minh tài chính khống, tức là không cần có một xu nào trong tài khoản nhưng vẫn có thể có chứng nhận 500 triệu đồng.
Giá của dịch vụ này thường phổ biến ở mức 1,5 triệu – 2 triệu đồng/một sổ tiết kiệm 500 triệu đồng, thủ tục chỉ mất 1 tiếng là xong. Nếu muốn duy trì sổ trong 6 tháng để đảm bảo nếu trường Nhật kiểm tra, sẽ mất thêm 1 triệu/tháng. Thường tổng chi phí cho chứng minh tài chính khống này khoảng 8 triệu/6 tháng làm và hoàn tất hồ sơ.
Để đi học trường tiếng, học sinh sẽ phải chứng minh đã tốt nghiệp cấp 3 hoặc đại học cao đẳng. Thế nhưng trên thực tế đã không ít công ty du học làm liều bằng cách họ làm giả phôi dấu, làm giả và buôn bán bằng cấp 3, bằng cao đẳng, đại học một cách công khai. Mức chi phí phổ biến cho dịch vụ này ở mức bằng đại học 10 triệu, bằng cao đẳng 7 triệu và bằng cấp 3 là 5 triệu.
Riêng về vấn đề này, chúng ta không thể trách móc Bộ Giáo dục, bởi tất cả các công ty du học Nhật làm trực tiếp với trường Nhật, họ không thông qua Bộ Giáo dục Việt Nam. Về phía Nhật, họ thấy giấy tờ có dấu tròn đỏ đóng là tin.
Rồi những giấy tờ giả mạo đó lại được đưa ra công chứng dịch, Văn phòng Công chứng dịch thuật chỉ có chức năng đảm bảo cho bản sao đúng như bản chính chứ họ cũng không có đủ chức năng và quyền hạn để xác thực rằng bằng cấp đó là giả hay thật.
Chính vì vậy nhiều em học sinh thậm chí từng bỏ học cấp 3 nhưng vẫn có bộ hồ sơ đủ đẹp với bằng tốt nghiệp cấp 3, chứng minh tài chính đầy đủ đàng hoàng để sang Nhật.
Không ít độc giả hẳn sẽ đặt ra câu hỏi, vậy thì tại sao phía Nhật làm ăn vốn uy tín lại có thể để lọt lưới những bộ hồ sơ như vậy? Một phần câu trả lời nằm ở việc họ không thể tin rằng những tấm bằng gốc có dấu đỏ đàng hoàng lại có thể là bằng giả. Ngoài ra, cũng có không ít trường Nhật vì quá cần học sinh để đảm bảo lợi nhuận nên họ đã nhắm mắt làm ngơ.
Lợi nhuận của nhiều công ty du học Nhật hiện đang ở mức khủng khiếp. Theo tìm hiểu của phóng viên, có rất nhiều công ty dù không mấy uy tín ở vùng ven thủ đô Hà Nội làm hồ sơ cho học sinh của cả tỉnh đó đi học. Mỗi học sinh công ty lãi ít nhất 120 đến 140 triệu và chỉ trong 1 năm đã đưa được đến 1.000 học sinh đi Nhật du học các trường tiếng.
Từ những điểm như trên, có thể hiểu được tại sao chất lượng du học sinh sang Nhật nhiều khi quá thấp, cùng với đó là tình trạng tội phạm trong nhóm cộng đồng người Việt tại Nhật ngày một gia tăng.
Và chính các em khi gian dối hồ sơ đi Nhật cho bằng được, nên khi sang đến nơi, thực tế tiền không có, tiếng Nhật cũng không nên các em không kiếm được việc, cũng không muốn về vì mất mặt với gia đình bạn bè nên dễ sa chân vào con đường trộm cắp, phạm pháp để có tiền.
Nếu các em không dính vào những tệ nạn trên, thì trong quá trình học vẫn có những đợt tái kiểm tra hồ sơ và nếu bị phát hiện gian dối, khả năng bị trục xuất về nước và cấm vĩnh viễn quay trở lại Nhật hoàn toàn có thể xảy ra.
Thiết nghĩ, du học là tốt, nhưng nó phải đi kèm với nền tảng học vấn và tài chính, đạo đức vững vàng, nếu không gia đình các em và chính các em đã tự bỏ công sức, tiền bạc ra để tự đẩy mình vào thảm cảnh nơi đất khách quê người.
Ngọc Thanh
Theo Trí Thức Trẻ