Ông Đào Văn Hùng - Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng, vấn đề quan trọng nhất của hệ thống ngân hàng 5 năm tới là vấn đề quản trị, làm sao để theo kịp với chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, cần xem xét giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại các ngân hàng thương mại nhà nước.
Giảm sở hữu Nhà nước tại các Ngân hàng
Nhận định trên được đưa ra tại Hội thảo “Vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thị trường: Những vấn đề cải cách thể chế giai đoạn 2016-2020” do Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CEM) tổ chức ngày 13.4.
Theo báo cáo tại hội thảo, hệ thống tài chính Việt Nam tương đối lớn so với GDP, tổng tài sản toàn hệ thống đạt 191% GDP. Hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) phát triển nhanh, tổng tài sản tính đến tháng 7.2015 khoảng 151% GDP, xấp xỉ Thái Lan, cao hơn Ấn Độ, Philippines.
Tuy nhiên, quy mô tài chính đa dạng nhưng bị phân tán, thiếu định chế tài chính quy mô lớn, không cạnh tranh được với các ngân hàng nước ngoài, chưa huy động được vốn trung và dài hạn.
Năng lực thể chế của các định chế tài chính phát triển Việt Nam rất hạn chế và thiếu một mô hình phát triển bền vững và phù hợp với điều kiện Việt Nam. Các định chế tài chính khá đặc thù song khung pháp lý điều chỉnh hoạt động chưa đủ và chưa hoàn chỉnh.
Theo ông Đào Văn Hùng, vấn đề quan trọng nhất của hệ thống ngân hàng 5 năm tới là vấn đề quản trị, làm sao để theo kịp với chuẩn mực quốc tế. Bên cạnh đó, cần xem xét giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại các ngân hàng thương mại nhà nước. Việc cổ phần hóa hệ thống ngân hàng còn tương đối hình thức, các ngân hàng sau khi được cổ phần hóa gần như không làm thay đổi cấu trúc sở hữu.
“Ví dụ như 4 ngân hàng thương mại đều thuộc Nhà nước như Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank nhưng đều có sự cạnh tranh nhau trên tất cả lĩnh vực. Trong khi đó, khối ngân hàng thương mại cổ phần ngày càng có vai trò trong nền kinh tế, nhưng lại có vấn đề về quản trị và hiệu quả hoạt động” - ông Hùng nói.
Theo ông Sandeep Maha Jan, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, nếu Nhà nước can thiệp quá nhiều sẽ bóp méo sự phân bổ thị trường. Mặc dù thời gian qua đã có nhiều tiến bộ trong cổ phần hóa, nhưng vai trò Nhà nước vẫn chưa thay đổi nhiều. Trong khi đó, trách nhiệm giải trình chưa đủ mạnh. Việt Nam cần phải giải quyết xung đột lợi ích, các bộ, ngành không thể tiếp tục nắm DN….
Ông Nguyễn Văn Bích, Viện phó Viện Chiến lược phát triển cho rằng, hoạt động cải cách không đơn thuần là sự thay đổi hành vi mà là sự thay đổi tư duy và đấu tranh lợi ích. Do đó, chúng ta cần có mối quan hệ chặt chẽ giữa đổi mới thể chế và tăng hiệu suất hoạt động cung cấp dịch vụ kết cấu hạ tầng. Các nghiên cứu tiếp sau nên áp dụng hai phương pháp định lượng để đo lường hiệu suất.
Tách bạch vai trò quản lý và sở sữu của Nhà nước
Theo đó, ông Đào Văn Hùng đề xuất, đối với ngân hàng thương mại nhà nước, Chính phủ cần tách bạch vai trò sở hữu và vai trò quản lý, tránh tình trạng Nhà nước (thông qua các đại diện của mình) vừa sở hữu, vừa quản trị, vừa giám sát, vừa quản lý như hiện nay.
“Trong những giai đoạn hoặc bối cảnh nhất định, Nhà nước có thể can thiệp trực tiếp hoặc hành chính vào hoạt động và vận hành của hệ thống tài chính.Tuy nhiên trong dài hạn, nếu các can thiệp này duy trì lâu sẽ làm méo mó hệ thống tài chính”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Do đó, để hệ thống tài chính có thể huy động và hân bổ có hiệu quả nguồn lực tài chính phục vụ phát triển kinh tế đất nước, Nhà nước cần làm tốt vai trò kiến tạo, tạo dựng khung pháp lý đầy đủ, minh bạch và một sân chơi công bằng cho các định chế tài chính.
Đồng thời, Chính phủ cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại trở thành quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh và rút vốn của mình tại các ngân hàng thương mại nhà nước, thúc đẩy đa dạng hóa sở hữu…
Cũng theo ông Hùng, Chính phủ cần quản lý, giám sát chặt chẽ cơ chế hoạt động của các định chế tài chính phát triển để giảm dần sự phụ thuộc của các định chế tài chính này vào NHNN. Đồng thời, cần đưa ra mô hình hoạt động và giám sát phù hợp với bối cảnh Việt Nam.
“Chính phủ cần đề xuất Quốc hội xem xét chuyển NHNN thành ngân hàng Trung ương thực sự và hiện đại theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế tốt. Chính sách tiền tệ cần được điều hành theo khuôn khổ lạm phát mục tiêu”, ông Hùng nói.
Cùng với đó, theo ông, phải giảm dần, tiến tới thay thế hoàn toàn các biện pháp hành chính, công cụ trực tiếp bằng công cụ gián tiếp theo nguyên tắc thị trường; nới lỏng kiểm soát tỉ giá phù hợp với lộ trình nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam.
Trí Lâm / motthegioi.vn