Năm 2016, số lượng tầu vận tải biển (VTB) toàn cầu vẫn đang trong tình trạng dư thừa lớn, trong khi nhu cầu VTB tăng rất chậm, kéo theo sự cạnh tranh gay gắt về giá. Hàng loạt “đại gia” VTB thế giới tiếp tục chìm trong thua lỗ do doanh thu không bù đắp nổi chi phí.
Ngày 17/2/2017, tòa án Hàn Quốc tuyên bố hãng vận tải biển Hanjin đã phá sản - ghi dấu vụ phá sản lớn nhất lịch sử ngành hàng hải
Ít nhất có 4/15 hãng VTB lớn đã biến mất hoàn toàn khỏi thị trường VTB toàn cầu trong năm 2016: Ngay từ đầu năm, Công ty Tàu biển Hanjin Shipping của Hàn Quốc (lớn thứ 5 thế giới) đã tuyên bố phá sản; Hãng vận tải CMA CGM (Pháp) mua lại Công ty APL (Singapore)- thương vụ M&A lớn nhất lịch sử ngành VTB kể từ năm 2005; Công ty Hapag-Lloyd của Đức sáp nhập với United Arab Shipping; Hai công ty lớn của Trung Quốc sáp nhập thành Cosco Container… Tuy nhiên, những thương vụ đó về cơ bản chỉ là đổi tên chủ tàu trên giấy phép đăng ký, còn số lượng tàu không hề giảm đi. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên thế giới trong năm 2016 đã xuống đến mức thấp kỷ lục (theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế). Kết quả là 1/5 đội tàu toàn cầu đã ngừng hoạt động.
Tình hình VTB của Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật chung. Theo báo cáo tài chính năm của Vinaship, tính đến 31/12/2016 lợi nhuận sau thuế năm 2016 của công ty âm 98 tỷ đồng, xuất phát từ nguyên nhân thị trường tàu hàng khô thế giới tiếp tục diễn biến xấu, phổ biến tình trạng nhiều tàu cạnh tranh một đơn hàng. Cùng với đó, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường thế giới trong năm 2016 cũng giảm, đặc biệt lượng gạo xuất khẩu đi các nước trong khu vực Đông Nam Á giảm rất mạnh.
Tại thị trường nội địa, giá cước giảm sâu, lượng tàu tham gia chở hàng quá lớn, dẫn đến tình trạng ùn ứ tại cảng xếp dỡ hàng hóa, làm giảm hiệu quả kinh doanh. Ngoài ra, giá dầu FO cuối năm 2016 tăng gần 66%, giá dầu DO tăng 91% so với đầu năm nên chi phí cho đội tàu tăng cao.
Theo đánh giá của Công ty CP Vận tải và cho thuê tàu biển Việt Nam (VST) năm 2016 là năm tối tăm nhất đối với thị trường VTB hàng khô rời toàn cầu. Sau khi lập mức đáy trong lịch sử hơn 30 năm, đến tận cuối năm 2016 chỉ số BDI của ngành VTB thế giới (BDI - đánh giá mức phí thuê tàu chở những mặt hàng nguyên liệu thô như: quặng sắt, than, xi măng, ngũ cốc) mới tạm dần ổn định và đạt mức cao, chủ yếu nhờ phân khúc thị trường tàu capsize (tàu có trọng tải tối đa là 400.000 tấn) vận chuyển quặng sắt nhập khẩu vào Trung Quốc. Tuy nhiên, sự cải thiện này chỉ tác động đến các tàu cỡ lớn capesize và tàu panamax (tàu panama - những tàu được thiết kế để có thể đi qua kênh đào Panama). Đồng thời, cũng chỉ diễn ra tại thị trường Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Đội tàu của Công ty VST không được hưởng lợi gì từ sự thay đổi này, doanh thu của VST chỉ đạt 594 tỷ đồng, giảm 24% so với năm 2015, lỗ trước thuế 327,7 tỷ đồng (tăng gần 70% so với mức lỗ của năm 2015).
Công ty CP vận tải biển Việt Nam (VOSCO) lỗ ròng 359 tỷ đồng trong năm 2016, tổng tài sản của VOSCO khoảng 4.239 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả là 3.610 tỷ đồng. Công ty CP vận tải Biển Bắc (NOS) cũng lỗ 335 tỷ đồng trong năm 2016, nâng lỗ lũy kế tại thời điểm cuối năm 2016 lên 3.410 tỷ đồng…
Tổ chức Moody (một trong 3 công ty đánh giá tín dụng lớn nhất thế giới) dự báo, năm 2017 ngành VTB toàn cầu vẫn sẽ tiếp tục gặp khó khăn về lợi nhuận, do tình trạng thừa cung và áp lực sẽ còn nhiều hơn nếu giá nhiên liệu tăng.
Quốc Cường / baocongthuong