Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành hướng dẫn vận tải hành khách đường bộ từ ngày 1/10, song nhiều địa phương chưa cho xe khách liên tỉnh và nội tỉnh hoạt động.
Là đầu mối vận tải quan trọng, Hà Nội chưa mở lại các tuyến xe khách liên tỉnh và nội tỉnh dù đã nới lỏng giãn cách theo Chỉ thị 15 từ ngày 21/9. Đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho hay, quan điểm của lãnh đạo thành phố là thận trọng mở dần các loại hình phương tiện vận tải để đảm bảo phòng chống dịch.
Từ khi nới lỏng giãn cách, thành phố chỉ cho phép xe môtô ứng dụng công nghệ vận chuyển hàng hóa được phép hoạt động. Xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh vẫn tạm dừng. "UBND TP Hà Nội chưa có chủ trương nên Sở chưa có kế hoạch mở tuyến vận tải liên tỉnh nào", đại diện Sở nói.
Toàn bộ xe khách tại Hà Nội dừng hoạt động từ khi thành phố áp dụng Chỉ thị 16. Ảnh: Anh Duy
Tỉnh Nghệ An không còn huyện thị nào áp dụng Chỉ thị 15. Từ ngày 23/9, Sở Giao thông Vận tải Nghệ An cho phép phương tiện vận tải hành khách nội tỉnh hoạt động trở lại. Doanh nghiệp kinh doanh vận tải tuyến cố định, xe hợp đồng, taxi, xe buýt và hợp đồng vận chuyển khách bằng đường thủy nội địa chỉ được vận hành không quá 50% lượng phương tiện; mỗi chuyến không quá 50% chỗ.
Vận tải khách liên tỉnh đến thời điểm này vẫn chưa khôi phục. Ông Hoàng Phú Hiền, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nghệ An, cho biết Sở đang căn cứ hướng dẫn tạm thời vận tải hành khách từ 1/10 mà Bộ Giao thông Vận tải ban hành là cần có sự thống nhất hai địa phương đầu đi và đến. "Sở đã có văn bản gửi tới một số sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phía Bắc để mở lại hoạt động vận tải hành khách. Tuy nhiên, các tỉnh này đã có văn bản trả lời chưa đồng ý, vì liên quan tới phòng chống Covid-19", ông Hiền nói.
Hà Tĩnh mở lại vận tải nội tỉnh từ ngày 23/9, hoạt động vận tải hành khách ngoại tỉnh đi đến các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16 tạm dừng. Ông Nguyễn Quang Sơn, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh, cho biết trên bản đồ dịch tễ Hà Tĩnh đang là vùng có dịch, nếu mở rộng hoạt động vận tải liên tỉnh thì các địa phương khác cũng chưa chắc đồng ý tiếp nhận.
"Để điều chỉnh rất khó, sắp tới cần linh hoạt và bàn bạc liên tục với các tỉnh mới có thể quyết định. Bởi có thể hôm nay các địa phương không có dịch, nhưng ngày mai lại xuất hiện một vài ca, từ đó lại phải thay đổi phương án", ông Sơn nói. Hơn nữa, thời điểm này nếu có mở lại hoạt động vận tải đến các vùng có dịch thì các đơn vị vận tải chưa chắc đã hoạt động, vì chạy cũng không có khách.
Tại Quảng Ninh, ông Vũ Văn Kinh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh, cho biết theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải thì việc mở lại vận tải khách liên tỉnh là do các tỉnh phối hợp với nhau. "Cái này phải thống nhất được với các tỉnh, chứ mình không thể quyết được. Chắc tuần tới các tỉnh sẽ liên hệ với nhau. Quảng Ninh vẫn chưa mở hoạt động vận tải khách liên tỉnh. Hiện nay tỉnh vẫn làm kế hoạch, chắc phải tuần nữa mới xong", ông Kinh nói và cho biết thêm vận tải nội tỉnh vẫn hoạt động bình thường.
Với Lạng Sơn, ông Dương Công Vĩ, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh, cho biết hoạt động vận tải khách liên tỉnh đã được nối lại một số tuyến. Cụ thể, Lạng Sơn kết nối với 34 tỉnh, nhưng đang hoạt động với bốn tuyến đi Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hải Phòng. Vận tải nội tỉnh vẫn đi lại bình thường, hành khách thực hiện 5K và khai báo y tế.
Với góc nhìn chuyên gia, ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, đánh giá nếu các tỉnh thành quá thận trọng, không mở vận tải khách thì không thể sống chung với dịch như chỉ đạo của Chính phủ và làm đứt đoạn chuỗi sản xuất, ảnh hưởng công việc của người dân.
Ông Liên cho rằng tình hình dịch bệnh ở Hà Nội đã cơ bản được kiểm soát, tỷ lệ người trên 18 tuổi tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi một hơn 90%. Đây là lượng người tham gia giao thông chính. Trong bối cảnh này, thành phố nên cho phép xe buýt nội đô, xe khách liên tỉnh hoạt động, áp dụng quy định phòng dịch với bến xe, người lái, người phục vụ và hành khách theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải. Xe khách liên tỉnh không được dừng đỗ tại địa bàn có dịch.
Đội xe hàng chục chiếc Limousine của công ty X.E Việt Nam ở bãi đỗ. Ảnh: Anh Duy
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, cũng cho rằng các tỉnh nên mở lại tuyến xe khách khi nới lỏng giãn cách, vì khi khôi phục sản xuất kinh doanh thì người dân các tỉnh đều có nhu cầu đi lại, làm việc. "Địa phương phải chịu trách nhiệm về phòng chống dịch nên thường đặt ra yêu cầu riêng, song về chuyên ngành giao thông thì cần chấp hành hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải", ông Quyền nói.
Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, hiện dịch bệnh đã được kiểm soát, gần như toàn bộ người dân trong độ tuổi đã được tiêm vaccine phòng Covid-19, việc cho phép taxi hoạt động là cần thiết. "Doanh nghiệp sẵn sàng hoạt động, chỉ chờ được chấp thuận. Thành phố không nên phòng dịch kiểu cầu toàn quá", ông Hùng góp ý.
Về phía cơ quan quản lý, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng Bộ Giao thông Vận tải đã có hướng dẫn tạm thời vận tải hành khách đường bộ. Các sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phố cần căn cứ vào tình hình phòng chống dịch của địa phương, chủ động lập kế hoạch chi tiết để mở lại vận tải khách liên tỉnh. Kế hoạch phải có sự phối hợp của các cơ quan địa phương như y tế, công an... Sau đó, các sở báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch địa phương triển khai kế hoạch.
Cũng theo bà Hiền, kế hoạch mở lại vận tải của các địa phương cần có sự linh hoạt theo cấp độ chống dịch để nhanh chóng thực hiện khi có sự thay đổi. "Nhiều tỉnh, thành phố e ngại khi mở lại vận tải sẽ có nguy cơ lây lan dịch bệnh. Vì vậy, khi mở lại cần thận trọng và có thí điểm theo từng tuyến với tỷ lệ, tần suất xe thấp, số lượng khách trên phương tiện giãn cách phù hợp. Mở lại vận tải từng bước, rút kinh nghiệm dần", bà Hiền nói.