Giá vàng thế giới bất ngờ vào một đợt tăng mạnh trong bối cảnh thị trường tiền kỹ thuật số hỗn loạn. Vàng được dự báo sẽ bứt phá cho dù thị trường tài chính biến động theo hướng nào và ngưỡng 60 triệu đồng không còn xa.
Trở lại xu hướng tăng
Giá vàng trên thị trường thế giới trong vài phiên gần đây liên tục tăng mạnh và vượt lên trên ngưỡng 1.900 USD/ounce lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021, trong bối cảnh đồng USD yếu, ở vùng đáy nhiều tháng và thị trường tiền kỹ thuật số hỗn loạn, trải qua một đợt giảm hiếm có trong lịch sử, bốc hơi cả nghìn tỷ USD.
Giới đầu tư còn lo ngại lạm phát xảy ra, khi mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ quan điểm duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục để đảm bảo nền kinh tế phục hồi vững chắc.
Quan điểm của Fed khiến giới đầu tư lo ngại lạm phát sẽ tăng mạnh và có thể rơi vào tình trạng khó kiểm soát, khi mà giá cả hàng hóa trên toàn thế giới gần đây đã tăng mạnh ở mức đáng báo động. Giá sắt thép và nhiều loại hàng hóa đầu vào cho sản xuất liên tục lập đỉnh cao mới.
Vàng lên mức cao nhất trong khoảng 4 tháng rưỡi qua khi đồng USD và lợi tức trái phiếu Mỹ xuống mức thấp.
Biến động giá vàng thế giới trong vòng 1 năm qua.
Theo Kitco, chủ tịch chi nhánh Fed tại St. Louis James Bullard cho rằng, lạm phát của nước Mỹ sẽ trên mức 2%. Tuy nhiên, ông ủng hộ quan điểm rằng chính sách sẽ được duy trì trong một thời gian.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ dịch Covid-19 tại khu vực châu Á và tốc độ tiêm vaccine chậm cũng khiến nhiều người tin rằng nền kinh tế thế giới còn gặp nhiều khó khăn và các ngân hàng trung ương sẽ không thể làm ngơ trước khả năng tụt giảm tăng trưởng kinh tế.
Dự báo, lãi suất sẽ được nhiều ngân hàng trung ương các nước giữ ở mức thấp đồng thời tăng cường vay mượn, bơm tiền vào nền kinh tế.
Giá vàng thế giới đi lên, còn trong nước, thị trường vàng không thực sự sôi động nhưng giá cũng diễn biến nhanh, bám sát thị trường thế giới. Vài phiên gần đây, giá vàng SJC 9999 trong nước đã vượt lên trên ngưỡng 56,5 triệu đồng/lượng, có lúc lên tới 56,8 triệu đồng/lượng. Giao dịch vàng vẫn khá trầm lắng, số người mua vào nhiều hơn bán ra.
Với mức giá thế giới hiện tại khoảng 1.900 USD/ounce, giá vàng trong nước quy đổi tính cả thuế và phí tương đương khoảng 53,9 triệu đồng/lượng, thấp hơn khoảng 2,7 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Trên thực tế, vàng thế giới và trong nước có xu hướng chùng lại đôi chút sau khi vàng thế giới lên đỉnh cao nhất trong khoảng 4 tháng rưỡi qua. Tuy nhiên, xu hướng tăng vẫn được xác nhận và sức cầu đối với vàng trên thị trường thế giới vẫn lớn. Các quỹ giao dịch vàng hàng đầu vẫn tiếp tục đẩy mạnh mua vào.
Biến động giá vàng SJC trong nước trong vòng 1 tháng qua.
Vàng được dự báo vượt 100 triệu đồng/lượng
Trên thực tế, sức cầu đối với vàng tăng khá mạnh khi mà thị trường tiền ảo đang hỗn loạn và nhiều người lo sợ các đồng tiền này sụp đổ.
Trên Kitco, ông Scott Minerd, Giám đốc tài chính Công ty dịch vụ tài chính Guggenheim Partners có trụ sở tại New York, nhận định, giá vàng có thể lên tới 5.000 USD/ounce, thậm chí 10.000 USD/ounce (tương đương 278 triệu đồng/lượng).
Đại diện công ty đang quản lý 270 tỷ USD này cho rằng, vàng có động lực tăng giá do nhiều nhà đầu tư rút tiền khỏi các loại tiền kỹ thuật số và chuyển sang vàng.
Scott Minerd lý giải, khi dòng tiền rời khỏi thị trường tiền kỹ thuật số và nếu tìm một nơi trú ẩn để chống lại lạm phát thì không gì tốt hơn vàng và bạc. Vàng sẽ bước vào giai đoạn tăng cấp số nhân. Tuy nhiên, cũng cần một khoảng thời gian.
Trong tháng 5, thị trường tiền số biến động mạnh. Đồng Bitcoin hồi phục đôi chút nhưng vẫn ở mức thấp trong nhiều tháng qua, giảm tới 40% so với đỉnh cao ghi nhận trước đó.
Thị trường tiền số gần đây bốc hơi khoảng 1.000 tỷ USD giá trị vốn hóa sau khi đạt 2.500 tỷ USD tuần trước đó. Lý do là bởi ảnh hưởng bởi tuyên bố ngừng sử dụng đồng Bitcoin của ông chủ Tesla Elon Musk và thông tin giới chức Trung Quốc có thể thắt chặt kiểm soát sử dụng tiền điện tử trong nước.
Thị trường tiền số hỗn loạn, vàng được dự báo tăng giá.
Sự sụt giảm của các đồng tiền số đã thúc đẩy nhu cầu tìm kiếm sự an toàn ở vàng. Lực cầu đối với mặt hàng này khá mạnh và có thể chinh phục ngưỡng cản mới, sau khi thành công với ngưỡng 1.900 USD/ounce.
Về thị trường tiền ảo, Scott Minerd dự báo, mặc dù Bitcoin và Ethereum sẽ tồn tại qua thử thách của thời gian, nhưng có khả năng một số loại tiền điện tử mới khác sẽ thống trị thị trường tiền số. Điều này giống như AOL và Yahoo từng là đế chế lớn trong thời đại Internet nhưng cuối cùng Google và các "tay chơi" mới gia nhập mới là người chiến thắng.
Vàng được hỗ trợ bởi lượng tiền khổng lồ mà ngân hàng trung ương các nước bơm ra. Riêng nước Mỹ, hàng nghìn tỷ USD đã được bơm vào nền kinh tế qua các gói cứu trợ và mua tài sản.
Lạm phát Mỹ tăng mạnh trong tháng 4 (4,2%), dòng tiền vào quỹ ETF vàng lớn hàng đầu thế giới SPDR Gold Trust đã chuyển sang trạng thái dương và căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực.... là các yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ cho giá vàng.
Trước đó, trên Kitco, Dan Oliver, nhà sáng lập Myrmikan Capital cũng cho rằng, dự báo về dài hạn của vàng không còn là 3.000 USD/ounce mà mục tiêu giờ là 10.000 USD/ounce.
Theo Dan Oliver, Fed đang gánh chịu rủi ro khổng lồ để chống đỡ cho nền kinh tế Mỹ và vàng cũng sẽ phản ứng theo tương ứng, tăng lên một mức giá có thể cân bằng được bảng cân đối của Fed. Do vậy, con số gắn với giá vàng sẽ thay đổi rất lớn, theo Dan Oliver, sẽ là 10.000 USD/ounce khi mà tài sản của Fed sụp đổ.
Theo Dan Oliver, một khi các tài sản của Fed như các chứng khoán có đảm bảo bằng thế chấp, hay trái phiếu Kho bạc,... giảm giá trị thì nó sẽ ảnh hưởng tới tới đồng USD, qua đó tác động tích cực lên vàng.
Còn về ngắn hạn, giá vàng vẫn được dự báo sẽ đi lên. Chiến lược gia hàng hóa cấp cao của Bloomberg Intelligence phán đoán những động lực mới có thể đẩy giá vàng trở lại mức 2.000 USD/ounce. Vàng trong nước cũng sẽ nhanh chóng vượt ngưỡng 60 triệu đồng/lượng.
V. Minh