Dù được đánh giá là có nhiều ưu điểm và được Chính phủ, Bộ Xây dựng ban hành nhiều chính sách khuyến khích, nhưng đến nay, tỷ lệ các công trình sử dụng loại vật liệu xây dựng không nung vẫn ở mức khiêm tốn. Đâu là lý do khiến loại vật liệu mới này bị “ghẻ lạnh”?
Dù có nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng gạch không nung vẫn không thể tìm được chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: Dũng Minh |
Chế tài chưa đủ mạnh
Nếu theo quy định, đến năm 2015, tất cả các công trình từ 9 tầng trở lên đều phải sử dụng 50% vật liệu xây dựng không nung, tuy nhiên đến nay, trên địa bàn TP.HCM, vật liệu xây dựng không nung khó chen chân vào các công trình xây dựng.
Theo số liệu báo cáo từ Sở Xây dựng TP.HCM, số lượng hồ sơ thẩm định thiết kế có sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong năm 2016 là 206 hồ sơ, trong đó vốn ngoài ngân sách là 134 hồ sơ. Riêng 4 tháng đầu năm 2017, đã có 49 hồ sơ được duyệt thẩm định thiết kế, thì 35 hồ sơ là vốn ngoài ngân sách.
Tuy nhiên, đây chỉ là số lượng hồ sơ đã duyệt thẩm định thiết kế, còn thực tế có sử dụng hay không hoặc sử dụng bao nhiêu phần trăm trong công trình, thì cơ quan quản lý nhà nước không thể biết được. Đến khi phát hiện ra, thì cùng lắm là xử phạt, chứ chưa có chế tài nào đủ mạnh để bắt buộc các công trình vốn ngoài ngân sách phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung.
Trong các chủ đầu tư bất động sản tại TP.HCM, rất hiếm doanh nghiệp đưa vật liệu xây dựng không nung vào công trình của mình. Trong đó, Novaland, một chủ đầu tư bất động sản lớn trên địa bàn TP.HCM là một trong những trường hợp hiếm hoi.
Đại diện Novaland cho biết, Tập đoàn liên tục tìm kiếm, lựa chọn những đối tác uy tín và tiên phong trong việc áp dụng công nghệ xây dựng tiên tiến, giúp rút ngắn tiến độ thi công, sử dụng các vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, an toàn với sức khỏe người sử dụng.
Kể từ năm 2014 đến nay, một số nhà thầu uy tín đã đưa vật liệu không nung vào các dự án của Novaland như gạch bê tông khí chưng áp (AAC), gạch xi măng cốt liệu (gạch block), tấm tường gạch bê tông nhẹ (Onekin Green panel) đến tường thạch cao.
Cụ thể, năm 2016, nhà thầu thi công American General Construction (AGC) đã đưa công nghệ thi công dùng cốt pha nhôm đổ tường bê tông thay cho tường xây gạch nung truyền thống. Công nghệ này đã giúp rút ngắn tiến độ thi công, tăng độ cách âm, chịu lực của tường, giải quyết 100% thiệt hại cho nội thất từ việc thấm nước, chống ẩm mốc gây ảnh hưởng sức khỏe của cư dân.
Vị đại diện Novaland cũng cho biết thêm, trong năm 2017, Novaland tiếp tục đặt hàng nghiên cứu và áp dụng thi công tấm tường không nung Acotec - công nghệ tường bê tông đúc sẵn thay thế việc sử dụng cát thiên nhiên. Theo kế hoạch, tấm tường không nung Acotec sẽ được đưa vào các công trình của Novland trong quý IV/2017. Đồng thời, Novaland cũng từ chối tiết lộ về tỷ lệ vật liệu xây dựng không nung bao nhiêu phần trăm trong công trình.
Ở thị trường Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, theo chương trình phát triển gạch không nung của Chính phủ, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước bắt buộc phải sử dụng gạch không nung theo lộ trình.
Cụ thể, tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% gạch không nung. Các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% vật liệu xây không nung, sau năm 2015 phải sử dụng 100%. Với công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn, phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015, phải sử dụng tối thiếu 50% gạch không nung loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây.
Vì vậy, cuối tháng 6/2010, UBND TP. Hà Nội đã ban hành chỉ thị tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình sản xuất gạch ngói đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn Thành phố và triển khai thực hiện chương trình phát triển gạch không nung của Chính phủ.
Tuy nhiên, đơn vị này cũng chỉ làm được việc hạn chế phát triển và xóa bỏ lò gạch nung truyền thống. Còn việc kiểm soát và xử phạt những dự án không sử dụng vật liệu xây dựng không nung như quy định thì chỉ tính trên đầu ngón tay.
Có lẽ, đơn vị sử dụng vật liệu xây dựng không nung nhiều nhất vào các dự án xây dựng ở Hà Nội phải kể đến Tổng công ty Viglacera. Bởi theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng không nung ở Hà Nội, thì công ty này tiêu dùng đồ của nhà làm ra, nên có hiệu quả hơn những đơn vị sản xuất và cung ứng cho thị trường.
Lý giải về nguyên nhân các doanh nghiệp không muốn sử dụng vật liệu xây dựng không nung, các chuyên gia trong ngành cho rằng, trước hết là thói quen sử dụng của người dân.
Tuy nhiên, điều này đúng nhưng chưa đủ, bởi thói quen vẫn có thể thay đổi được theo thời gian, khi mà người dân hiểu tác hại của việc sử dụng gạch đất sét nung trong công trình xây dựng. Phải thừa nhận rằng, khi sử dụng gạch không nung không đúng quy trình kỹ thuật đã tạo ra các vết nứt, từ đó gây mất lòng tin đối với người sử dụng.
Điển hình, năm 2014, sự cố nứt tường xảy ra tại một số công trình sử dụng vật liệu xây dựng không nung của tỉnh Bến Tre, hay mới đây, tại một dự án căn hộ trên địa bàn TP.HCM có sử dụng loại vật liệu này cũng xảy ra sự cố nứt tường tại một căn hộ.
Ông Phạm Văn Bắc, Phó vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: “Nhiều công trình phải sử dụng vật liệu xây dựng không nung, song khi thiết kế, thẩm định cấp phép các công trình xây dựng của các cơ quan có thẩm quyền không yêu cầu phải đưa vào và vẫn cứ duyệt khi sử dụng vật liệu khác. Công tác nghiệm thu quyết toán vẫn cho qua khi công trình sử dụng vật liệu sai quy định”.
Chưa có hướng dẫn sử dụng cụ thể
Từ khi Chính phủ ban hành Quyết định 567/QĐ-TTg (năm 2010) đến nay, Bộ Xây dựng và các cơ quan chức năng đã nỗ lực xây dựng khung pháp lý, cũng như hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân hiểu lợi ích của việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung.
Tuy nhiên, nguồn đất sét để sản xuất gạch nung ở nước ta được khai thác quá dễ dàng, gần như không phải trả tiền, nên giá thành của sản phẩm gạch nung rẻ, khiến vật liệu xây dựng không nung khó cạnh tranh. Hiện chỉ có một số loại gạch block kích thước lớn, lỗ rỗng mới có ưu thế về giá, các loại gạch block đặc và đặc biệt là gạch nhẹ thì giá thành vẫn cao hơn gạch đất nung.
Bên cạnh đó, tay nghề của thợ xây dựng đã quen với việc sử dụng gạch nung từ nhiều đời nay, cùng với những dụng cụ đơn giản, trong khi thi công vật liệu xây dựng không nung đòi hỏi phức tạp hơn từ tay nghề của người thợ, cho tới dụng cụ thi công, hồ vữa chuyên dụng. Do đó, thi công không đúng quy trình kỹ thuật, thì sản phẩm xây dựng dễ bị lỗi, gây nứt, khiến nhiều chủ đầu tư và nhà thầu e ngại…
Dây chuyền sản xuất gạch không nung của một doanh nghiệp phải để không vì sản phẩm không có đầu ra. Ảnh: Nhật Nam |
Lý giải về việc này, nhiều chuyên gia cho rằng, cốt liệu giữa các bên không đồng nhất. Đối với gạch ACC thì có độ hút nước cao, trong khi đó, vữa thông thường khi tô trát lại bị loại gạch này hút hết nước, dẫn đến nứt cục bộ. Đồng thời, trong tiêu chuẩn về loại vật liệu này lại không yêu cầu công bố độ bám dính, khiến người sử dụng không hiểu được tính năng của sản phẩm.
Ngoài ra, các nhà sản xuất cũng không đưa ra một hướng dẫn sử dụng chi tiết hoặc có những khuyến cáo nào về loại sản phẩm này mà lẽ ra các loại sản phẩm thông thường phải có hướng dẫn sử dụng, có chăng chỉ thực nghiệm một vài mét vuông tại các triển lãm, hội thảo, hội chợ còn thực tế ngoài công trình rất ít.
PGS.TS Nguyễn Văn Chánh, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn vật liệu xây dựng, Khoa Kỹ thuật xây dựng, Trường đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng, để vật liệu xây dựng không nung đi vào cuộc sống thì phải phân loại gạch không nung, chứ không thể nói chung chung là vật liệu xây dựng không nung, loại nào dùng cho công trình nào, ở đâu...
“Phải tìm hiểu, phân tích thị trường để phân loại đối tượng sử dụng là những ai. Chẳng hạn, gạch xi măng cốt liệu, gạch bê tông khí chưng áp, bê tông bọt khí… phải phân loại ra, vì viên gạch không phải là viên chịu lực thì làm sao bắt nó phải chịu lực, dùng sai nó hỏng là chuyện đương nhiên. Khi thiết kế phải sử dụng chúng đúng chức năng, mục đích. Bản chất của gạch ACC là xốp, cách nhiệt thì phải dùng chúng đúng với chức năng đó”, ông Chánh phân tích.
Chia sẻ với Đầu tư Bất động sản, ông Trần Văn Huynh, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết: “Trong lĩnh vực vật liệu xây dựng mới, nếu chúng ta không làm đúng thì khó phát triển được. Từ vấn đề tiêu thụ, nhiều nơi công nhân chưa biết, thì chúng ta phải đào tạo công nhân, kỹ sư về sử dụng vật liệu xây dựng không nung để họ tư vấn thiết kết cho người tiêu dùng, chủ đầu tư”.
Nhất Nam (Đầu tư Bất động sản)