Hiện có rất nhiều ứng dụng (app) cho vay tiền trên mạng với lãi suất cắt cổ khiến khách hàng trả hoài không hết nợ.
Nợ xấu, vẫn vay được
Trên mạng xã hội Facebook và Zalo, dày đặc những quảng cáo các ứng dụng cho vay trực tuyến như vay nhanh, duyệt dễ, giải ngân trong 5 phút, thủ tục hoàn toàn online. Người đi đường cũng dễ dàng nhận được tờ rơi giới thiệu các app này ở các ngã ba, ngã tư. Có những người ngày nào cũng nhận được tin nhắn quảng cáo về các app cho vay tiền dù không có nhu cầu vay.
Khó có thể liệt kê hết các app vay tiền qua mạng hiện nay: Doctor Dong, Idong, Vdong, Cashwagon, Fvay, Devay, VayDi, MoneyCat, Uvay, OneClickMoney, Akulaku, FastDong, Kdong, Mydong… Điểm chung của các app vay tiền này là, chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại và thực hiện đúng quy trình được hướng dẫn, sẽ được duyệt vay.
Quy trình gồm: điền thông tin cá nhân, điền thông tin vào mục địa chỉ, điền thông tin việc làm, tải ảnh chụp hai mặt chứng minh nhân dân, nhập thông tin người thân và hoàn tất đăng ký. Sau khi hoàn tất thông tin đăng ký, nhân viên tổng đài của các app này sẽ gọi điện thoại xác nhận.
Khi khoản vay được phê duyệt, khách hàng sẽ nhận được tin nhắn SMS thông báo về khoản vay theo số điện thoại đã đăng ký. Hợp đồng vay cũng sẽ được gửi đến qua email hoặc tin nhắn ngay sau đó. Khách hàng có thể nhận tiền qua tài khoản ngân hàng, cửa hàng Viettel, cửa hàng tiện lợi hoặc ví điện tử mà các app này liên kết.
Chỉ cần gõ từ khóa “vay online” trên điện thoại thông minh, sẽ có cả rừng ứng dụng cho vay
Với một số app vay như Ak, sau 5 phút, khách hàng sẽ giải ngân, không cần xét duyệt hoặc gọi điện thoại xác nhận. Người của các app này khẳng định, khách hàng đang bị nợ xấu vẫn được hỗ trợ vay. Thời hạn vay của các app này thường rất ngắn, từ 15-30 ngày, số tiền vay tối đa 15 triệu đồng.
Khi khách hàng đăng ký vay qua các app này, sẽ bị yêu cầu thực hiện việc quản lý cuộc gọi điện thoại và truy cập danh bạ điện thoại, truy cập Facebook và Zalo cá nhân. Người vay còn được đề nghị cho phép truy cập quyền định vị GPS của điện thoại với lời cam kết “không sử dụng những thông tin này cho mục đích khác” hoặc “sau khi cho phép quyền truy cập này, tỷ lệ duyệt khoản vay sẽ được tăng lên 99,9%”.
Nếu khách hàng không đồng ý, khoản vay sẽ không được duyệt. Có khách hàng do cần tiền nên đã đồng ý cho các app truy cập vào danh bạ, thông tin cá nhân, coi như chấp nhận nhiều rắc rối về sau.
Lãi suất “cắt cổ”, bị trừ đủ khoản chi phí
Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom) - cho biết, hiện nay, mô hình vay tiền qua app đang bị biến tướng theo hoạt động “tín dụng đen” với lãi suất cao, rất cần sự giám sát kịp thời từ Ngân hàng Nhà nước. Nếu các đơn vị cho vay qua app có mức lãi suất thấp như ngân hàng, được quản lý và kiểm soát tốt, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho người vay, nhất là người lao động có thu nhập thấp, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dù các app này niêm yết mức lãi suất thấp, nhưng lãi suất thực tế lại rất cao do bị cộng thêm nhiều khoản phí. Chẳng hạn, app Cashwagon giới thiệu lãi suất chỉ 12%/năm, nhưng nếu khách vay 3 triệu đồng, thời gian vay 90 ngày thì phí tư vấn là 585.000 đồng, phí dịch vụ là 630.000 đồng, lãi suất 12%/năm là 61.000 đồng, tính ra tổng số tiền khách cần phải thanh toán là 4.276.000 đồng.
Anh N.N.H. - ngụ tại TP.HCM, từng vay tiền tại Cashwagon - cho biết, anh vay 6,5 triệu đồng. 30 ngày sau, cộng lãi suất, phí các loại và vốn, tổng tiền phải trả hơn 9,6 triệu đồng. “Tôi xin cắt lãi, khoanh nợ gốc. Thanh toán xong nợ gốc, vài hôm sau, tôi nhận được tin nhắn còn thiếu hơn 5,1 triệu đồng” - anh H. kể.
Khách vay thường xuyên qua app Cashwagon, mỗi lần vay, vẫn bị tính phí như ban đầu. Chị N.M.Tâm (TP.HCM) cho biết, mỗi lần gia hạn (tức là vay lại), chị phải tốn thêm khoản phí 880.000 đồng. Chị vay 2 triệu đồng, sau hai lần gia hạn, cộng với số tiền lãi, hiện tổng số tiền chị phải trả là 5.670.000 đồng, gấp ba số tiền vay ban đầu.
“Tôi cũng đang vay qua ba app khác là Idong, Vdong và Doctor Dong, số tiền vay bị “chặt đầu chặt đuôi” nhưng vẫn bị tính lãi đủ trên số vay gốc. App Idong cho vay 2,3 triệu đồng nhưng tôi chỉ nhận được 1.450.000 đồng do bị trừ lãi tháng đầu và phí hồ sơ, nhưng tiền lãi vẫn tính trên số tiền 2,3 triệu đồng. App Doctor Dong cho vay 2,5 triệu đồng nhưng tôi chỉ được nhận 1,8 triệu đồng, cũng bị tính lãi tương tự. App Vdong cho vay 4 triệu đồng trong vòng 15 ngày, trừ phí và lãi hết 1,2 triệu đồng, tôi chỉ nhận 2,8 triệu đồng. Sau 15 ngày, tổng lãi, chi phí mà tôi phải trả là 2,4 triệu đồng, cao không tưởng tượng được” - chị Tâm chia sẻ.
Không ít khách hàng nghĩ, vay qua mạng không bị lộ mặt, chủ nợ khó “quấy rầy” hơn vay tín dụng đen, nhưng thực tế lại khác. Các app này sử dụng lực lượng “xã hội đen” để nhắn tin đòi nợ như khủng bố. Chị Q.L. - một khách hàng vay tiền của Idong - kể, chị vay của app này 3,4 triệu đồng. Do nợ quá hạn 10 ngày, số tiền chị L. phải thanh toán lên hơn 7 triệu đồng. Nhân viên của app này gọi về cho cha mẹ chị dọa nạt. “Tôi muốn trả lắm, nhưng cứ trễ một ngày là lãi mẹ đẻ lãi con, giờ số tiền vượt quá khả năng của tôi. Gần nửa tháng nay, không ngày nào tôi ăn ngon ngủ yên vì liên tục bị đe dọa” - chị L. đau khổ.
Nhiều khách hàng phản ánh, người thân, bạn bè của họ đã phải nhận các cuộc gọi chửi bới, yêu cầu tác động để người vay phải chuyển tiền trả nợ.
Triệt app này, mọc app kia
Một cán bộ Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an thông tin, thời gian qua, có một số đối tượng người Trung Quốc lập công ty tài chính, thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh, đại diện pháp luật, tạo ra các app cho vay tiền trực tuyến với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 1.600%/năm.
Theo chuyên gia cao cấp tài chính ngân hàng - tiến sĩ Doãn Hữu Tuệ - các app cho vay tiền hiện nay không được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mà chủ yếu đăng ký là công ty tư vấn đầu tư, môi giới cho vay tiền. Do không chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước nên các app này tha hồ biến tướng thành cho vay nặng lãi. Nếu bị bắt và xử phạt (cơ sở pháp lý để xử phạt là Luật Dân sự), kể cả bị đóng cửa, sẽ xuất hiện app mới thay thế, vì thủ tục đăng ký và mở các app dưới dạng tư vấn đầu tư, môi giới cho vay rất dễ.
Ông Nguyễn Mai Long - Giám đốc Easy Credit (khối tín dụng tiêu dùng của EVN Finance) - cho biết, người tiêu dùng rất khó phân biệt được đâu là app “tín dụng đen” trá hình, đâu là app vay tiền chính thống được cấp phép của các ngân hàng, công ty tài chính.
Theo Thanh Hoa / phunuonline.com.vn
https://www.phunuonline.com.vn/thi-truong/vay-tien-qua-ung-dung-online-lai-suat-1600nam-168946/